xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Gia đình khủng bố

NGUYỄN CAO

Lần đầu tiên trong lịch sử tấn công khủng bố của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng xuất hiện mô hình cả gia đình tham gia đánh bom liều chết. Indonesia là nơi thử nghiệm chiến thuật mới này

Trong vòng một tuần, Indonesia đã hứng chịu một làn sóng tấn công khủng bố kiểu mới. Theo nhận định của cảnh sát Indonesia, những cuộc tấn công đẫm máu này do một tổ chức Hồi giáo cực đoan địa phương có quan hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tiến hành, nhắm vào lực lượng cảnh sát Indonesia, đặc biệt là Bộ Chỉ huy Lực lượng Cảnh sát cơ động (Mako Brimob) ở Kelapa Dua, thành phố Depok, tỉnh Tây Java, tiếp giáp với thủ đô Jakarta.

Nhật báo Jakarta Post cho biết tình hình bất ổn diễn ra từ ngày 8-5 với những vụ tấn công khủng bố tàn bạo giết chết ít nhất 19 người, trong đó có 7 cảnh sát.

Tù nổi loạn

Đầu tiên là vụ nổi loạn trong trại tạm giam nghi can khủng bố đặt trong trụ sở Mako Brimob, ngày 8-5. Tù nhân nổi loạn bao gồm những người tham gia chương trình tẩy độc tư tưởng cực đoan và chờ đưa ra xét xử. Cảnh sát đặc biệt tinh nhuệ Densus 88 được gửi tới để dẹp loạn.

Tù nổi loạn gồm 3 nhóm nhưng không thể phối hợp với nhau vì không liên lạc được với đồng bọn ở ngoài. Dù vậy, phải mất đến 36 giờ, cuộc nổi loạn mới lắng dịu với 5 thành viên Densus 88 thiệt mạng, sau khi kẻ cầm đầu được phép nói chuyện với giáo sĩ Aman Abdurrahman (46 tuổi) - nhà sáng lập tổ chức Jamaah Ansharud Daulah (JAD) theo đường lối IS ở Indonesia.

145/155 phạm nhân tham gia nổi loạn sau đó được chuyển đến nhà tù đặc biệt trên đảo tù Nusakambangan. Mười tên còn lại đang bị điều tra xét hỏi về tội xúi giục làm loạn.

Theo nguồn tin chống khủng bố Indonesia, giáo sĩ Abdurrahman là người đứng đằng sau cuộc nổi loạn này. Ông ta nổi tiếng là tù phạm cực kỳ nguy hiểm, ngồi trong khám vẫn có thể chỉ đạo nhiều trận đánh bom kinh thiên động địa khắp Indonesia.

Ngày 18-5 vừa qua, Abdurrahman tiếp tục hầu tòa về những vụ tấn công khủng bố đẫm máu mà gần đây nhất là vụ đánh bom ở Jakarta hồi đầu năm 2016 làm 4 người thiệt mạng. Phiên tòa xét xử từ ngày 15-2 đến nay. Phía công tố đã đề nghị tử hình bị cáo.

Gia đình khủng bố - Ảnh 1.

Vợ chồng Dita Uprianto (góc phải) đã lôi cả con cái tham gia khủng bố. Ảnh: FACEBOOK

Đưa nhau đi đánh bom tự sát

Chưa dừng lại ở đó, đêm 10-5, cảnh sát viên Marhum Prencje (41 tuổi), trực gác trước cổng bệnh viện cảnh sát Bhayangkara gần Bộ Chỉ huy Mako Brimob, bị một tên khủng bố đâm chết. Tên này bị bắn gục khi hắn tiếp tục tấn công 2 viên cảnh sát khác.

Nhưng đáng chú ý nhất là những cuộc đánh bom liều chết sau đó ở thành phố cảng Surabaya, tỉnh Đông Java. Cuộc tấn công đầu tiên (sáng sớm 13-5) nhắm vào các nhà thờ Công giáo. Không chỉ 1 vụ mà 3 vụ cách nhau vài phút ở 3 nơi khác nhau khiến 13 người chết, hơn 40 người bị thương.

Đây là những vụ tấn công rất đặc biệt do 6 thành viên bao gồm cha mẹ và 4 người con của một gia đình từ chiến trường Syria hồi hương từ năm ngoái thực hiện. Dita Uprianto, tên cầm đầu cuộc tấn công, sau đó được cảnh sát nhận diện là trưởng nhóm khủng bố JAD, chi nhánh Surabaya. Dita, vợ và 4 người con của y đều chết không toàn thây.

Cũng đêm chủ nhật nói trên, một gia đình thánh chiến khác thực hiện một cuộc tấn công khủng bố bằng xe máy ở khu nhà ở xã hội Wonocolo Rusunawa, nằm sau đồn cảnh sát Taman ở Sidoarjo, tỉnh Đông Java. Cuộc tấn công bất thành vì bom nổ sớm khiến 3 trong số 6 thành viên trong gia đình tử nạn.

9 giờ ngày 14-5, lại thêm một gia đình 5 người đi trên một chiếc Toyota Avanza trang bị mã tấu sắc bén và súng tấn công lực lượng cảnh sát tại Sở Cảnh sát thành phố Pekanbaru, tỉnh Riau, đảo Sumatra. Bị cảnh sát phát hiện, tài xế tông chết một viên cảnh sát trước khi lái xe bỏ chạy. Người cha, mẹ và 2 đứa con của gia đình này bị cảnh sát bắn chết. Tên tài xế đã bị bắt ngay sau đó.

Mang lửa từ nước ngoài về

Nhà phân tích chính trị John McBeth nhận định trên Tạp chí The Strategist rằng có 2 điểm đáng chú ý từ chuỗi sự kiện khủng bố mới nhất ở Indonesia. Thứ nhất, cả một gia đình tham gia tấn công khủng bố quy mô nhỏ, trong đó cha mẹ đích thân đưa con vào con đường khủng bố. Đây là một chiến thuật khủng bố hoàn toàn mới mẻ.

Thứ hai, sự trỗi dậy mạnh mẽ của tổ chức JAD, một nhánh của IS ở Indonesia. JAD đang tỏ ra ngày càng manh động và trở thành phiên bản nguy hiểm hơn mạng lưới Hồi giáo cực đoan Jemaah Islamiyah từng làm rúng động cả nước Indonesia hồi đầu thập niên 2000.

Việc 1 trong 3 gia đình thánh chiến trở về từ lò lửa Syria cách đây không lâu đang trở thành một mối họa hiển nhiên chứ không còn tiềm tàng như nhà chức trách Indonesia từng nghĩ. Đây là một minh chứng cho thấy một số người nhiễm tư tưởng Hồi giáo cực đoan ở nước ngoài sẵn sàng tử vì đạo trong những cuộc tấn công khủng bố có quy mô nhỏ.

Vài trăm người Hồi giáo cực đoan Indonesia đã hồi hương từ nước ngoài, đa số ở Syria, trong mấy năm qua (khoảng 500 theo số liệu cả các chuyên gia chống khủng bố). Hầu hết đều gia nhập các chi nhánh của JAD ở 18/34 tỉnh của Indonesia. Từ nay, chính quyền các cấp phải dè chừng nhóm người có sức tàn phá ghê gớm này.

Chỉ riêng 3 vụ tấn công nhà thờ Công giáo ở Surabaya đã làm gần 80 người thương vong trong vòng vài chục phút. Đây là mức thương vong cao nhất kể từ vụ đánh bom ở Bali năm 2005 và vụ đánh bom xả súng ở Jakarta đầu năm 2016 của JAD.

Sẽ sửa luật chống khủng bố 2003

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đang yêu cầu sửa luật chống khủng bố 2003 đã lạc hậu so với tình hình hiện tại theo hướng mở rộng quyền hạn của lực lượng cảnh sát. Cụ thể là quyền giam giữ nghi can khủng bố lâu hơn trong lúc điều tra tìm chứng cứ và cấm công dân ra nước ngoài tham gia lật đổ một chính quyền hợp pháp.

Việc tu chính luật chống khủng bố nói trên đã bị ách tắc bấy lâu nay vì sự phản đối của các tổ chức nhân quyền do quan ngại những vụ lạm dụng quyền lực. Ông Tito Karnavian, Chỉ huy trưởng Lực lượng Cảnh sát Indonesia, mới đây đề nghị cho phép tình báo quân đội tham gia cuộc điều tra vụ việc ở Surabaya.

BNPT (Cơ quan Chống khủng bố quốc gia) mới đây bày tỏ quan ngại về tình hình an ninh với 172 vụ khủng bố xảy ra hồi năm 2017, cao hơn năm 2016 (163 vụ) và năm 2015 (73 vụ). Cựu Giám đốc BNPT Ansyad Mbai đã từng lớn tiếng chỉ trích các chính trị gia "trói" tay chân cảnh sát trong việc trấn áp các phần tử thánh chiến trở về từ chiến trường Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq. Những người này đã dùng mạng xã hội để liên kết với nhau trong khi cơ quan chống khủng bố khó kiềm chế hoạt động của những phần tử bất hảo này với luật chống khủng bố 2003.

Kỳ tới: Trẻ con chiến đấu bên cha mẹ

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo