xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Graffiti: Tệ nạn viết, vẽ bẩn ở Mỹ

ĐỖ CHUYÊN (Theo Reuters)

Tại Mỹ đã có những cuộc hội thảo và xuất bản sách về vấn đề graffiti (viết, vẽ bẩn trên đường phố, nơi công cộng) để trả lời câu hỏi “graffiti là nghệ thuật hay trò quậy phá cảnh quan”

Tệ nạn graffiti hoành hành dữ dội nhất tại Los Ange les, bang California và thành phố New York. Các tác giả của những bức tranh, dòng chữ kỳ quặc có bút danh Wisk, Revok, Panic, Oiler thuộc những nhóm kỳ quặc không kém như CBS (Can’t Be Stopped - Không thể ngăn chặn), TKO (Taking Over - Tiếp quản), MSK (Mad Society Kings - Vua điên khùng). Họ viết, vẽ chủ yếu vào ban đêm, trên tường nhà, hè phố, đường xa lộ nhiều làn xe với dụng cụ là những hộp phun sơn màu. Một số “tác phẩm” của họ chỉ tồn tại vài ba ngày nếu lực lượng vệ sinh đường phố phát hiện kịp thời.

Phản nghệ thuật

Với nhiều người Mỹ, các tác giả graffiti bị coi là những kẻ quậy phá, bôi bẩn, làm xấu cảnh quan, phải tốn hàng triệu USD chi phí hằng năm để xóa sạch. Nhưng trong thế giới ngầm của mình, họ được coi là nghệ sĩ (?) có ngôn ngữ và quan điểm nghệ thuật riêng, phong cách và lối sống riêng, tiêu chuẩn đạo đức riêng. Cuốn sách có ảnh minh họa với tựa đề Graffiti L.A. (Los Angeles) vừa xuất bản của học giả Steve Grody kể nhiều chuyện về những tác giả graffiti, viết: “Lái xe xung quanh thành phố Los Angeles trong hơn 5 phút không thấy nơi nào không có những tranh graffiti phun vẽ trên tường, hè phố, cột đèn v.v...”.

Los Angeles là một trong những trung tâm “phồn thịnh” graffiti nhất, được vẽ trên nhiều dặm đường xa lộ, bờ kè sông, tường phố nội thành và ngoại ô.

Cuốn sách của Steve Grody truy tìm nguồn gốc graffiti ở Los Angeles từ những năm 30 thế kỷ trước của các băng nhóm quậy phá. Từ những năm 70, nó trở thành hình ảnh thể hiện của văn hóa hip-hop, ảnh hưởng tới cả mốt thời trang, âm nhạc và nghệ thuật múa. Học giả Grody cho rằng có một số nhỏ tranh graffiti là của các băng nhóm quậy phá, còn hầu hết những tác giả trẻ cho rằng đó là cách thể hiện quan điểm chính trị - xã hội của họ. Tác giả Toons nói: “Nếu bạn muốn biết những gì đang xảy ra ở thành phố, cứ nhìn vào những gì vẽ trên tường. Qua đó, bạn có thể nhận ra những vấn đề xã hội hiện tại và suy nghĩ của giới trẻ”.

Biện bạch

Revok có thâm niên 17 năm theo nghề vẽ graffiti, biện bạch: “Chúng tôi yêu Los Angeles, không phải là những kẻ quậy phá. Chúng tôi chỉ làm đẹp cho những bức tường nhà bỏ hoang. Những gì chúng tôi vẽ thực ra còn hấp dẫn hơn những panô quảng cáo kỹ thuật làm nở ngực phụ nữ”.

Hầu hết những tác giả graffiti coi “nghề” của họ có chất “văn hóa đặc thù”, tự đặt cho mình những giới hạn không được vượt qua. Tác giả Besk giải thích: “Chúng tôi cố gắng làm cho mọi người hiểu rằng graffiti là một dạng nghệ thuật. Khi chúng tôi vẽ trên tường nhà ai đó, tại sao lại trách móc chúng tôi phá hoại nghệ thuật? Tất nhiên, cũng có những trường hợp cá biệt viết, vẽ bậy gây phản cảm”. Có những địa điểm mà các tác giả graffiti hết sức tránh, đó là những cửa hàng nhỏ của gia đình, trong khi những cửa hàng lớn là địa điểm lý tưởng của họ. Một tác giả tên Relic nói: “Tôi không bao giờ vẽ trên tường nhà thờ vì nghệ thuật của tôi không thể cao cả như Chúa Jesus”.

Ngăn chặn bằng khoa học kỹ thuật

Để bảo vệ mỹ quan đường phố, các thành phố Mỹ đã có nhiều biện pháp ngăn chặn tệ nạn graffiti. Kỹ thuật hệ thống định vị toàn cầu (GPS) đã được áp dụng để kịp thời phát hiện kẻ vi phạm. Ông Tim Kephart, Chủ tịch Tổ chức Chống graffiti ở Los Angeles, nói: “Trước đây chính quyền không có cách nào truy tìm kẻ vẽ graffiti. Họ vẽ rất nhanh, chỉ với một bình phun sơn giá 1 USD là có thể vẽ xong một bức tranh nhanh hơn cả việc quét xóa của một chiếc xe tải cồng kềnh”.

Giờ đây cảnh sát căn cứ vào kết quả phát hiện từ hệ thống GPS nên việc triệt xóa graffiti hiệu quả và nhanh hơn trước rất nhiều. Năm 2006, lực lượng vệ sinh đường phố Los Angeles đã xóa được trên 3,7 triệu m2 tranh vẽ graffiti. Hơn 20 thành phố các bang California, Nevada và Nebraska đã áp dụng kỹ thuật hệ thống GPS để khắc phục tệ nạn graffiti. Năm 2008, số thành phố áp dụng kinh nghiệm này sẽ tăng gấp đôi.

Pico Rivera, thành phố 65.000 dân ở miền Đông Los Angeles áp dụng hệ thống GPS, trong 9 tháng qua đã bắt được 60 thủ phạm vẽ graffiti. Thành phố này có kinh phí 300.000 USD hằng năm cho chương trình phòng chống tệ nạn graffiti. Mới đây, tòa án Los Angeles đã xử 2 tội phạm graffiti vị thành niên với mức phạt 22.000 USD. Qua điều tra, chính quyền thành phố Los Angeles đã phát hiện 720 băng nhóm quậy phá đường phố với 40.000 tên là thủ phạm của nạn graffiti. Chính quyền Los Angeles kết luận: “Graffiti là tệ nạn phá rối trật tự và mỹ quan đường phố, gây phẫn nộ cho người dân tôn trọng pháp luật. Tuy nhiên, việc khắc phục tệ nạn xã hội này còn nhiều khó khăn, đòi hỏi sự kiên quyết và đấu tranh kiên trì”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo