xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hậu Baghdadi, IS vẫn là mối đe dọa lớn

Hoàng Phương

Một báo cáo của Tổng Thanh tra Lầu Năm Góc hồi tháng 8 cho biết IS vẫn còn khoảng 14.000 - 18.000 tay súng hoạt động tại Syria và Iraq

Thông tin về cái chết của thủ lĩnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng Abu Bakr al-Baghdadi đã giáng đòn mạnh vào nhóm thánh chiến từng chiếm giữ một diện tích lớn lãnh thổ ở Syria và Iraq. IS vẫn chưa lên tiếng công khai về số phận của Baghdadi, thiệt mạng trong một chiến dịch của Mỹ ở tỉnh Idlib - Syria hôm 26-10. Dù vậy, các chuyên gia cảnh báo IS và tư tưởng cực đoan của bọn chúng vẫn là mối nguy hiểm đối với thế giới ngay cả khi tên này đã thiệt mạng.

Theo đài CNN, một báo cáo của Tổng Thanh tra Lầu Năm Góc hồi tháng 8 cho biết IS vẫn còn khoảng 14.000 - 18.000 tay súng hoạt động tại Syria và Iraq, trong đó có đến 3.000 người nước ngoài. Báo cáo lưu ý thêm rằng IS duy trì sự hiện diện mạnh mẽ trên mạng xã hội để nỗ lực tuyển mộ thêm thành viên mới.

Không dừng lại ở đó, các thành viên nhóm này đang hoạt động tại Tây Phi, Libya, bán đảo Sinai của Ai Cập, Nigeria, Afghanistan, Philippines… Các nhánh của IS dù theo đuổi tư tưởng của nhóm này nhưng hoạt động độc lập, tấn công các lực lượng an ninh địa phương, chiếm giữ lãnh thổ và "đấu" với các nhóm cực đoan khác để tranh giành tài nguyên. Hầu hết bị xem là mối đe dọa ở quốc gia họ hoạt động nhưng giới chức Mỹ lo ngại một số nhóm, như tại Afghanistan và Libya, có thể hoạch định các vụ tấn công ở phương Tây.

Hậu Baghdadi, IS vẫn là mối đe dọa lớn - Ảnh 1.

Đồ họa về chiến dịch quân sự tiêu diệt Abu Bakr al-Baghdadi. Nguồn: Daily Mail, Việt hóa: Xuân Mai - Thanh Long

Các phần tử ủng hộ IS cũng có mặt ở khắp nơi, trong đó có châu Âu. Theo Reuters, những kẻ này giờ đây lựa chọn tiến hành các vụ tấn công kiểu lao xe vào đám đông và đánh bom tự sát. Trong năm qua, nhóm này đã tuyên bố đứng sau một loạt vụ tấn công ở Afghanistan, Pháp, Philippines, Nga, Ai Cập, Úc và nhiều nơi khác. Đáng chú ý trong số này là làn sóng khủng bố kinh hoàng, như các vụ khủng bố ở Sri Lanka khiến hơn 250 người thiệt mạng hồi tháng 4.

Vì thế, không gì lạ khi các lực lượng an ninh Philippines hôm 28-10 được đặt trong tình trạng báo động cao trước nguy cơ xảy ra các vụ tấn công trả đũa cái chết của Baghdadi. Quân đội Philippines tuyên bố sẽ tiếp tục truy lùng các phần tử khủng bố chủ yếu hoạt động tại vùng Mindanao ở miền Nam nước này. Trước đó một ngày, theo Reuters, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner gửi thư thúc giục cảnh sát tăng cường cảnh giác để ngăn chặn các vụ tấn công trả thù tiềm tàng của IS.

Giờ đây, ngay cả khi Baghdadi bỏ mạng, mối đe dọa từ IS không vì thế mà mất đi. Ông Hassan Abu Hanieh, một chuyên gia người Jordan về các nhóm cực đoan, nhận định việc thủ lĩnh của IS mất mạng không đồng nghĩa tổ chức này sẽ bị xóa sổ. "IS đã lập ra một cấu trúc mới ít tập trung hơn và bọn họ sẽ tiếp tục hoạt động, ngay cả khi không có Baghdadi" - ông Hanieh nhận định với báo The New York Times. Đáng chú ý, IS đã tăng cường kêu gọi các thành viên ra tay đơn lẻ hoặc trong các nhóm nhỏ nhân danh nhóm này. Các vụ tấn công sau đó được tuyên truyền bởi mạng lưới truyền thông của IS nhằm "quảng bá" hình ảnh.

Giới chuyên gia cảnh báo nguy cơ IS hồi sinh ở Iraq và Syria theo sau những diễn biến đáng lo ngại gần đây. Làn sóng biểu tình phản đối chính phủ đang làm rung chuyển Iraq và chính phủ nước này không đạt nhiều tiến triển trong việc tái thiết các thành phố, thị trấn bị phá hủy để tống khứ các tay súng thánh chiến. Ngoài ra, quyết định rút một phần lực lượng khỏi miền Đông Bắc Syria của Tổng thống Donald Trump và chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào người Kurd sau đó đã dẫn đến nỗi lo những tù nhân IS đang bị giam giữ tại khu vực có thể trốn thoát. 

IS có thủ lĩnh mới?

Một số nguồn tin cho biết IS đã có thủ lĩnh mới sau khi Baghdadi thiệt mạng. Abdullah Qardash, còn gọi là Hajji Abdullah al-Afari, được cho là đã nắm quyền kiểm soát hoạt động hằng ngày của tổ chức này. Theo tạp chí Newsweek, hồi tháng 8 năm nay Baghdadi đã bổ nhiệm Qardash - sĩ quan quân đội Iraq thời Tổng thống Saddam Hussein - đảm nhận vị trí điều hành "các vấn đề Hồi giáo" của IS sau khi y bị thương trong một trận không kích cộng với căn bệnh tiểu đường và cao huyết áp.

Một quan chức tình báo khu vực cho rằng Qardash có thể đã đảm nhận vai trò của Baghdadi dù IS chưa công khai xác nhận điều này. Cũng theo quan chức này, vai trò của Baghdadi đã mang tính biểu tượng thời gian qua. "Y không can dự vào các chiến dịch hoặc hoạt động hằng ngày của tổ chức. Tất cả những gì Baghdadi làm chỉ là nói có hoặc không - không hề có chuyện lên kế hoạch" - ông này tiết lộ.

Người ta vẫn không có nhiều thông tin về Qardash, kể cả tuổi của y. Y trở nên thân cận với Baghdadi khi cả hai bị Mỹ bắt giam ở TP Basra - Iraq vì có liên hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda hồi năm 2003. Quardash có biệt danh "giáo sư" và được biết đến như một người tàn nhẫn và phụ trách hoạch định chính sách. Theo báo The Sun, Qardash còn là một thân tín của Abu Alaa al-Afri, phó tướng trước đây của Baghdadi và bị tiêu diệt trong một cuộc bố ráp của Mỹ năm 2016.

Lục San

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo