xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hối hận vì chọn Brexit?

Thu Hằng

Scotland sẽ tìm kiếm các cuộc thảo luận tức thì với EU về vấn đề bảo vệ vị trí của họ trong liên minh này

Bản thỉnh nguyện kêu gọi tổ chức cuộc trưng cầu ý dân lần hai về vấn đề Anh rời Liên minh châu Âu (EU), gọi tắt là Brexit, đã có hơn 3 triệu chữ ký hôm 26-6.

Nỗ lực muộn màng

Chưa có kiến nghị nào trên trang mạng của Quốc hội Anh thu hút số chữ ký bùng nổ như lần này, vượt xa con số 100.000 chữ ký cần thiết để cơ quan lập pháp xem xét ý nguyện của người dân.

Những người ký tên kêu gọi chính phủ thực hiện một quy định, theo đó, nếu số lượng phiếu chọn “ở lại” hoặc “ra đi’ chiếm chưa đến 60% tổng số phiếu và tỉ lệ cử tri đi bầu dưới 75% thì cần có một cuộc trưng cầu ý dân khác.

Điều khiến nhiều người không khỏi sửng sốt là người khởi xướng bản thỉnh nguyện này là một nhà hoạt động ủng hộ Brexit - ông William Oliver Healey.

Người biểu tình chống Brexit tại Anh chỉ trích người lớn tuổi đã đánh cắp tương lai của giới trẻ Ảnh: DAILY MAIL
Người biểu tình chống Brexit tại Anh chỉ trích người lớn tuổi đã đánh cắp tương lai của giới trẻ Ảnh: DAILY MAIL

Tại London, một bản kiến nghị khác cũng được lập ra, kêu gọi Thị trưởng Sadiq Khan tuyên bố độc lập khỏi Vương quốc Anh và đệ đơn gia nhập EU.

Nghị sĩ Công đảng David Lammy hôm 25-6 lên tiếng hối thúc các đồng nghiệp phớt lờ kết quả trưng cầu ý dân hôm 23-6 và cho rằng chỉ có một cuộc bỏ phiếu tại quốc hội mới có thể “ngăn chặn sự điên rồ và chấm dứt cơn ác mộng này”. Chính khách này cho rằng kết quả cuộc trưng cầu ý dân nêu trên (có tỉ lệ người đi bầu lên đến 72%) chỉ có tính chất tham khảo hơn là mang tính ràng buộc đối với quốc hội.

Ủy ban Kiến nghị thư Hạ viện Anh giờ đây buộc phải xem xét một cuộc thảo luận tại quốc hội về các đề xuất tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân thứ hai. Cuộc họp sắp tới của cơ quan này dự kiến diễn ra vào ngày 28-6 khi các nghị sĩ trở lại nghị trường sau một kỳ nghỉ ngắn.

Theo nhận định của Phó Giám đốc Ban Hiến pháp của Đại học College London, ông Alan Renwick, một cuộc bỏ phiếu tại quốc hội để lật ngược kết quả trưng cầu ý dân là hợp pháp về lý thuyết nhưng thực tế hoàn toàn bất khả thi. Trong khi đó, chuyên gia thăm dò dư luận John Curtice nói với tờ Daily Telegraph: “Ký vào thỉnh nguyện thư ở thời điểm này chẳng hay ho chút nào. Họ nên làm điều đó trước khi mọi việc xảy ra”.

“Thương vong” tiếp theo

Tuy nhiên, kiến nghị nêu trên được cho là đã phản ánh sự hối hận của những người trót lựa chọn Brexit, cũng như sự giận dữ trong lòng nhóm 16,1 triệu người (48%) bỏ phiếu ở lại EU, đặc biệt là những cử tri trẻ ở London và khắp Scotland.

Theo ước tính của tổ chức khảo sát YouGov, 3/4 cử tri ở độ tuổi 18-24 ủng hộ ở lại EU, trong khi 56% cử tri ở độ tuổi 25-49 cũng lựa chọn tương tự. Ngược lại, áp đảo ở nhóm ủng hộ Brexit lại là những cử tri cao tuổi.

Các cuộc biểu tình chống Brexit đang nổ ra trên các con đường ở thủ đô London và nhiều thành phố khác hôm 25-6. Người biểu tình vẫy cờ EU, mang theo biểu ngữ viết “Yes 2 EU” (tạm dịch: Nói có với EU) và cả những lời lẽ trách móc kiểu “người lớn tuổi đã đánh cắp tương lai của chúng tôi”. Nhiều cuộc biểu tình tương tự cũng xuất hiện ở khắp Scoland - nơi có 62% cử tri lựa chọn ở lại EU trong cuộc trưng cầu ý dân.

Theo đài Fox News (Mỹ), “cuộc hôn nhân” 300 năm giữa Anh và Scotland có nguy cơ là “thương vong” tiếp theo thời hậu Brexit. Kết quả thăm dò trực tuyến mới nhất do tờ The Sunday Post công bố ngày 25-6 cho thấy 59% số người được hỏi ủng hộ Scotland tách ra khỏi Vương quốc Anh. Con số này cao hơn đáng kể so với mức 45% số phiếu ủng hộ Scotland độc lập trong cuộc trưng cầu ý dân hồi năm 2014.

Bộ trưởng thứ nhất của Scotland Nicola Sturgeon cùng ngày khẳng định khả năng tái diễn một cuộc trưng cầu ý dân mới về vấn đề trên. Không những thế, bà Sturgeon thông báo sẽ tìm kiếm các cuộc thảo luận tức thì với EU về vấn đề bảo vệ vị trí của Scotland trong liên minh này.

Tại Bắc Ireland, tinh thần đòi ly khai khỏi Vương quốc Anh cũng đang dâng cao. Ông Gerry Adams, thủ lĩnh Đảng Sinn Fein, tiếp tục kêu gọi tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân để Bắc Ireland tách khỏi Vương quốc Anh và tái thống nhất với Cộng hòa Ireland - một nước đang là thành viên của EU.

Kẻ sốt ruột, người chần chừ

Vài ngày sau khi quả bom tấn Brexit kích hoạt, Liên minh châu Âu (EU) phát đi tín hiệu cho thấy họ muốn “cuộc hôn nhân” đầy sóng gió với nước Anh khép lại càng sớm càng tốt.

Trong dấu hiệu cho thấy sự sốt ruột, giới chức EU hôm 25-6 cho biết Anh không cần phải gửi thư để chính thức khởi động đàm phán về việc rời khỏi EU. Theo Reuters, họ có ý nói Thủ tướng Anh David Cameron có thể bắt đầu ngay tiến trình này khi ông phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh của EU trong ngày 28-6 tới.

“Tiến trình này có thể được kích hoạt bằng cách gửi thư đến chủ tịch Hội đồng châu Âu hoặc thông qua một tuyên bố chính thức tại cuộc họp của Hội đồng châu Âu, được ghi lại trong biên bản của hội nghị” - một người phát ngôn Hội đồng châu Âu gợi ý. Một quan chức EU khác nói thêm: “Tuyên bố không cần phải được viết ra. Ông ấy (Cameron) có thể nói thôi cũng được”.

Theo Reuters, ông Cameron dự kiến gặp các nhà lãnh đạo 27 nước còn lại trong EU trong ngày đầu tiên của Hội nghị Thượng đỉnh tại thủ đô Brussels - Bỉ ngày 28-6.

Kèm theo thông báo từ chức vào tháng 10, ông Cameron hôm 24-6 cho biết sẽ để người kế nhiệm kích hoạt điều 50 của Hiệp ước Lisbon để khởi động tiến trình đàm phán về Brexit, dự kiến kéo dài 2 năm, thay vì làm thế ngay lập tức. Điều đáng nói là các thủ lĩnh của phe vận động cử tri ủng hộ Brexit cho rằng không cần phải vội vã trong vấn đề này.

Sự chần chừ của Anh khiến nhiều nhà lãnh đạo EU phiền lòng vì họ muốn nhanh chóng khép lại mọi chuyện để tránh “đêm dài lắm mộng”. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel tỏ ra thông cảm với tình cảnh của Anh khi cho biết bà không ủng hộ chuyện thúc ép London nhanh chóng rời khỏi EU.

Tổng thống Estonia Toomas Hendrik Ilves cũng cho rằng nên để nước Anh có thêm thời gian vì thật khó để ông Cameron, một người phản đối Brexit, lại đứng ra kích hoạt điều 50.

Về mặt pháp lý, EU không thể làm gì để buộc Anh nhanh chóng “kích hoạt” điều 50 bởi quyền quyết định nằm trong tay nước này. Tuy nhiên, các lãnh đạo EU có thể gây sức ép chính trị để buộc ông Cameron tuân thủ cam kết sớm khởi động đàm phán về Brexit và tôn trọng lựa chọn của cử tri.

Từ giờ cho đến khi thủ tục “ly dị” hoàn tất, Anh vẫn là một thành viên EU nhưng ảnh hưởng bên trong khối này đang dần giảm sút. Điều này thể hiện rõ qua sự vắng mặt lần đầu tiên của Anh trong ngày làm việc thứ hai của Hội nghị Thượng đỉnh EU nêu trên (ngày 29-6).

Phương Võ

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo