xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hồng Kông ngột ngạt, chia rẽ

XUÂN MAI

Người dân và giới chính khách Hồng Kông đang mâu thuẫn dữ dội về mối quan hệ giữa đặc khu này và đại lục

Người Hồng Kông xuống đường hôm 1-7 để yêu cầu lãnh đạo Lương Chấn Anh từ chức nhân kỷ niệm ngày đặc khu hành chính này được trao trả lại cho Trung Quốc (năm 1997). Đáng chú ý, làn sóng biểu tình năm nay đánh dấu sự xuất hiện của các nhóm ủng hộ Hồng Kông độc lập.

Tức nước vỡ bờ

Bắt đầu từ 15 giờ 25 phút (giờ địa phương), cuộc biểu tình bộc lộ sự giận dữ, sợ hãi và ngờ vực của người dân Hồng Kông trước sự can thiệp ngày càng sâu của Trung Quốc vào tình hình lãnh thổ này. Theo các nhà tổ chức, ước tính hơn 110.000 người tham gia. Có mặt tại sự kiện thường niên này, luật sư Ambrose Lau, 65 tuổi, mô tả môi trường chính trị địa phương ngày càng đi xuống trong 19 năm qua và hy vọng chính quyền có thể bảo vệ sự tự trị của đặc khu.

Dòng người tham gia cuộc biểu tình hôm 1-7 tại Hồng Kông Ảnh: Reuters
Dòng người tham gia cuộc biểu tình hôm 1-7 tại Hồng Kông Ảnh: Reuters

Trong khi đó, sự quan tâm của những người biểu tình trẻ tuổi như Andrew Man, 22 tuổi, sinh viên Trường ĐH Lingnan, dành nhiều cho tương lai Hồng Kông. Trả lời tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hồng Kông), Man bày tỏ sự không hài lòng về năng lực lãnh đạo của ông Lương Chấn Anh cũng như cảm thấy tương lai của Hồng Kông “không chắc chắn”. Tương tự, nữ sinh Flora Yiu, 22 tuổi, học cùng trường với Man, cho rằng giới trẻ Hồng Kông cảm thấy “thất vọng và bối rối” về tương lai của nơi họ đang sống.

Những người tham gia cuộc biểu tình còn kêu gọi chính quyền trả lời việc chuyện 5 người bán sách ở đặc khu bị “bắt cóc” và đưa về đại lục.

Một trong số họ là ông Lâm Vịnh Cơ, 61 tuổi, người bị giam giữ 8 tháng trước khi được phóng thích gần đây. Ông này công khai cáo buộc Bắc Kinh gửi lực lượng đặc nhiệm bắt người bí mật, dẫn đến những chỉ trích lẫn nghi ngờ về khả năng bảo vệ công dân của chính quyền Hồng Kông. Theo kế hoạch, ông Lâm dẫn đầu đoàn biểu tình hôm 1-7 nhưng vào giờ chót ông rút lui vì “sự an toàn của bản thân bị đe dọa nghiêm trọng”, theo các nhà tổ chức. Ông Jimmy Shum, lãnh đạo Mặt trận Nhân quyền Dân sự (CHRF), cho rằng mối đe dọa nghiêm trọng nói trên đến từ Trung Quốc.

Tranh cãi gay gắt

Ngay từ năm 1997, hàng ngàn người đã đổ xuống đường vào ngày 1-7 hằng năm để ủng hộ dân chủ. Tuy nhiên, kể từ cuộc “Cách mạng Dù” gây rúng động dư luận năm 2014, chính trường Hồng Kông trải qua nhiều biến động với sự xuất hiện của những tiếng nói, đảng phái chính trị mới nổi cũng như kêu gọi tự trị, thậm chí là độc lập. Theo đài CNN, giới chính khách Hồng Kông đang có sự chia rẽ sâu sắc về mối quan hệ giữa địa phương này và đại lục.

Ông Alan Leong, nhà lập pháp của Đảng Công dân, lo ngại tình trạng Hồng Kông bị “đại lục hóa” quá nhanh. Theo ông, người dân Hồng Kông, nhất là giới trẻ, cảm thấy tuyệt vọng và muốn tự mình “làm chủ” thay vì đặt niềm tin vào các thể chế và chính đảng mà họ cho là không mang lại thay đổi gì đáng kể trong 3 thập kỷ qua. Trái lại, ông Chu Hạo Đỉnh, Phó Chủ tịch Liên minh Dân chủ vì Sự cải thiện và Tiến bộ của Hồng Kông (DAB), tin rằng “một nhà nước, hai chế độ” nhìn chung đang hoạt động hiệu quả, còn Luật Cơ bản bảo đảm những quyền lợi và sự tự do mà người dân đang được hưởng.

Bà Cyd Ho, nhà lập pháp của Đảng Lao động, không nghĩ như ông Chu. Theo bà, Hồng Kông hiện không có “một nhà nước, hai chế độ” đúng nghĩa bởi sự can thiệp ngày càng tăng của Bắc Kinh. Chính khách này nói thêm điều cần làm lúc này là củng cố nền kinh tế và các lĩnh vực khác của Hồng Kông, giảm sự phụ thuộc đối với thị trường Trung Quốc.

Không dừng lại ở đó, đã xuất hiện một số ý kiến cho rằng Hồng Kông cần phải độc lập nếu muốn có được sự tự trị và nền dân chủ thật sự. Tuy nhiên, bà Regina Ip thuộc Đảng Nhân dân Mới cho rằng quyết định tách khỏi Trung Quốc là không khả thi bởi Hồng Kông đang phụ thuộc nguồn nước, điện và thực phẩm từ đại lục cũng như nguy cơ kinh tế đặc khu này sụp đổ nếu “chia tay” Bắc Kinh.

Trung Quốc “không muốn bá quyền”

Trong khi Bắc Kinh kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản hôm 1-7, Hải quân Đài Loan “bắn nhầm” một tên lửa chống hạm siêu thanh Hùng Phong III về phía Trung Quốc. Tên lửa bay khoảng 75 km trước khi trúng phải tàu cá Tường Lợi Tinh (đăng ký tại TP Cao Hùng, phía Nam Đài Loan) khiến thuyền trưởng thiệt mạng và 3 thuyền viên - trong đó có một người Việt Nam - bị thương, theo người phát ngôn Lực lượng phòng vệ Đài Loan. Tên lửa bị phóng nhầm không đi quá đường ranh giới ở giữa eo biển Đài Loan.

Khi được hỏi liệu vụ việc có gây hiểu lầm với Bắc Kinh hay không, Phó Đô đốc Hải quân Đài Loan Mai Gia Thụ cho biết hải quân đã báo cáo với Cơ quan Phòng vệ Đài Loan để xử lý. Ủy ban Các vấn đề Đại lục của Đài Loan từ chối cho biết họ có thông báo cho Bắc Kinh vụ việc hay không. Hoạt động thông tin liên lạc chính thức giữa ủy ban này với cơ quan tương tự phía Trung Quốc đã bị Bắc Kinh đóng băng sau khi chính quyền mới của bà Thái Anh Văn từ chối công nhận chính sách “Một Trung Hoa”.

Trong khi đó, phát biểu trong lễ kỷ niệm nói trên tại Đại lễ đường Nhân dân tại Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không đề cập tới vụ “phóng nhầm” mà phía Đài Loan nhận định là do lỗi vận hành. Ông Tập dành một phần đáng kể bài phát biểu để nói về chính sách đối ngoại trước thềm phán quyết của Tòa trọng tài Quốc tế (PCA) tại The Hague - Hà Lan về vụ Philippines kiện “đường lưỡi bò” phi lý do Trung Quốc vẽ ra trên biển Đông. Báo giới Trung Quốc tiết lộ trong bức thư gửi mừng tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nhậm chức hôm 30-6, ông Tập đã nhấn mạnh lập trường của Bắc Kinh muốn cải thiện quan hệ với Manila thông qua các nỗ lực chung.

Trong bài phát biểu, ông Tập nhấn mạnh Bắc Kinh không muốn làm bá chủ ở châu Á nhưng cũng “không khuất phục trước các đe dọa quân sự”. Chủ tịch Trung Quốc cũng chỉ trích việc các tàu chiến Mỹ tuần tra thường xuyên ở biển Đông. Hãng thông tấn Kyodo hôm 30-6 tiết lộ tại Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung Quốc tổ chức ở Bắc Kinh vừa qua (từ ngày 5 tới 7-6), Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nói rõ rằng nếu Bắc Kinh đơn phương lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên các vùng biển tranh chấp, Washington sẽ “buộc phải hành động”. Đây được cho là tín hiệu Mỹ đang tăng cường kiềm chế Bắc Kinh trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama và ông Tập Cận Bình dự kiến gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại TP Hàng Châu - Trung Quốc vào đầu tháng 9. Thu Hằng

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo