"Lực lượng tuần duyên đã cố gắng liên lạc với tàu Đài Loan nhưng không nhận được hồi âm. Tàu cá Đài Loan thậm chí còn định đâm vào tàu tuần duyên. Chúng tôi buộc phải nổ súng, yêu cầu họ rời khỏi vùng biển Indonesia" - Bộ trưởng thủy sản Indonesia, bà Susi Pudjiastuti, cho biết.
Bà Pudjiastuti còn cung cấp một video dài hơn 1,5 phút, trong đó quay cảnh tàu Indonesia bám sát tàu Đài Loan, nháy đèn yêu cầu dừng lại nhưng tàu Đài Loan không làm theo.
Indonesia "không được nương tay với Trung Quốc"
Phó chủ tịch Hạ viện Indonesia Fahri Hamzah hôm 21-3 kêu gọi Tổng thống Joko "Jokowi" Widodo thể hiện lập trường cứng rắn trong bối cảnh Jakarta cân nhắc đưa vụ đụng độ mới nhất với Trung Quốc ra tòa án quốc tế.
Quan chức này cho biết: “Tổng thống Jokowi không nên đánh giá thấp tình hình phức tạp về các tranh chấp với Trung Quốc cũng như không nên giao cho một mình Bộ trưởng Hàng hải và Thủy sản Susi Pudjiastuti giải quyết vụ việc bởi bà chỉ chịu trách nhiệm xử lý các vấn đề kỹ thuật liên quan đến hoạt động hàng hải”.
Trước đó, hôm 19-3, cảnh sát biển Indonesia bắt tàu cá Trung Quốc cùng 8 thuyền viên đánh bắt trái phép ở vùng biển Natuna của nước này. Tuy nhiên, một tàu hải cảnh khác lớn hơn của Trung Quốc xuất hiện và phía Indonesia quyết định thả tàu cá. Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết số ngư dân Trung Quốc sẽ bị xử lý theo pháp luật của Jakarta.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 22-3 cáo buộc ngư dân Philippines ném bom xăng và dùng mã tấu đe dọa tàu công vụ Trung Quốc "đang làm nhiệm vụ ở biển Đông".
Báo Philstar của Philippines lại cho biết nhiều ngư dân nước này bị tàu hải cảnh Trung Quốc đuổi khỏi bãi cạn Scarborough. Do bị ném chai lọ nên ngư dân Philippines ném đá vào tàu Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Philippines tuyên bố chưa thể bình luận về vụ việc và đang kiểm chứng thông tin.