Điều trớ trêu là trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Trump năm 2016, ông Pence nhiều lần mạnh miệng công kích ứng viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton sử dụng email cá nhân để làm việc khi bà còn giữ vị trí ngoại trưởng Mỹ.
Trong 2 tháng qua, những tiết lộ sốc liên quan tới chính quyền của ông Trump không ngừng nổ ra. Mỗi lần đều khiến chính quyền non trẻ của vị tổng thống thứ 45 rơi vào hỗn loạn. Theo Slate, số phận của ông Sessions nhiều khả năng không thảm bại như Tướng Flynn nhưng nhìn vào “khói bốc ra” từ Nhà Trắng, khó có thể tin rằng “không có lửa” trong đó. Câu hỏi thực tế duy nhất là bê bối sẽ gọi tên ai tiếp theo.
“Sự hoang tưởng không biên giới”
Nga đang có phản ứng mạnh sau khi chính trường Mỹ rùm beng chuyện Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions gặp ông Sergei Kislyak, Đại sứ Nga tại Washington, vào năm ngoái. Ông Sessions khi đó là thượng nghị sĩ kiêm cố vấn chính sách cho chiến dịch tranh cử của ứng viên Donald Trump. Moscow xem làn sóng chỉ trích nhằm vào ông Sessions là nỗ lực mới nhất nhằm cản trở Tổng thống Mỹ Donald Trump có bước đi hòa giải với Nga.
Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, hôm 2-3 nói Moscow không biết gì về cuộc gặp trên nhưng phàn nàn rằng “bầu không khí đầy cảm xúc” hiện nay ở Washington có thể cản trở sự hàn gắn quan hệ song phương. Mạnh miệng hơn, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova lên án cái gọi là “sự phá hoại của truyền thông Mỹ”. Ông Alexei Pushkov, Chủ tịch Ủy ban Chính sách thông tin của Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, mô tả yêu cầu ông Sessions từ chức của Đảng Dân chủ là “sự hoang tưởng không biên giới”.
Tranh cãi còn nổ ra xung quanh thông tin của đài CNN hôm 1-3, theo đó tình báo Mỹ xem ông Kislyak là “điệp viên kiêm người tuyển dụng điệp viên hàng đầu” của Nga. Bà Zakharova bác bỏ thông tin này và gọi ông Kislyak là “nhà ngoại giao giỏi, được nhiều người biết đến”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 3-3 gọi những cáo buộc liên quan đến ông Kislyak gợi nhớ đến “một cuộc săn phù thủy”.
Cái tên Kislyak được chú ý nhiều hơn kể từ khi các cuộc điện đàm giữa ông và Tướng Michael Flynn góp phần khiến ông Flynn mất chức cố vấn an ninh quốc gia Mỹ hôm 13-2. Sau tiết lộ mới nhất liên quan đến ông Sessions, không có gì khó hiểu khi trang Politico mô tả ông Kislyak là nhà ngoại giao Nga “nguy hiểm nhất” ở Washington. Người ta đang chờ xem chính quyền ông Trump có chịu thêm tổn thất về nhân sự hoặc uy tín nào hay không sau khi giới truyền thông Mỹ đưa tin về một số nhân vật nữa từng nói chuyện với đại sứ Nga, như Jared Kushner (con rể ông Trump và hiện là cố vấn cấp cao của ông), J.D. Gordon và Carter Page (2 cố vấn của chiến dịch tranh cử của ông Trump).
Phương Võ