xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thượng đỉnh liên Triều - Không có gì là không thể

Hoàng Phương

Tuyên bố chung được đưa ra sau Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 nói đến những mục tiêu đầy tham vọng nhưng ít đề cập những bước đi cụ thể để đạt được.

Văn kiện này cũng nói đến vấn đề hạt nhân nhưng chỉ mới dừng lại ở việc hai bên xác nhận mục tiêu chung là một bán đảo Triều Tiên không có hạt nhân thông qua phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Điều này khiến một số chuyên gia hoài nghi liệu vấn đề gai góc này có đạt được tiến triển cụ thể nào tại cuộc gặp hay không.

Bản thân cuộc gặp đã là một chiến thắng ngoại giao nhưng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in được cho là chỉ tận dụng hội nghị để gầy dựng niềm tin hơn là đi sâu vào chi tiết của chương trình hạt nhân Triều Tiên. 

Theo giới phân tích, mục đích thật sự của sự kiện là chuẩn bị cho cuộc gặp sắp tới giữa ông Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump, dự kiến diễn ra vào tháng 5 hoặc tháng 6, nơi chương trình hạt nhân của Triều Tiên chắc chắn đứng đầu chương trình nghị sự. Ông Moon Chung-in, cố vấn đặc biệt của tổng thống Hàn Quốc, cũng xác nhận điều này khi cho biết ông Moon Jae-in muốn Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều trở thành cây cầu dẫn đến cuộc gặp cấp cao Mỹ - Triều.

Thượng đỉnh liên Triều - Không có gì là không thể - Ảnh 1.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Ảnh: Reuters

Ông Jasper Kim, chuyên gia của Trường ĐH Ewha (Hàn Quốc), cho rằng những chi tiết liên quan đến phi hạt nhân hóa có thể chỉ được bàn đến tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều. "Triều Tiên thường xem phi hạt nhân hóa là vấn đề chỉ dành để đàm phán với Mỹ. Điều này có nghĩa Seoul có thể ủng hộ đối thoại về phi hạt nhân hóa với Bình Nhưỡng nhưng không thể dẫn đầu một cuộc đối thoại như thế" - ông Scott Snyder, chuyên gia tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Mỹ), đánh giá.

Sự phức tạp của vấn đề còn thể hiện ở chỗ làm sao đi đến thống nhất về định nghĩa "phi hạt nhân hóa" và kiểm chứng điều này. Theo định nghĩa mới đây của ông chủ Nhà Trắng, phi hạt nhân hóa tức là Bình Nhưỡng phải loại bỏ kho vũ khí hủy diệt của mình. 

Trong khi đó, Triều Tiên lâu nay vẫn nhấn mạnh họ chỉ làm thế khi nào Mỹ đáp ứng những điều kiện nhất định, như chấm dứt hiện diện quân sự ở Hàn Quốc. Ngay cả khi Washington gật đầu, việc Bình Nhưỡng có thật lòng từ bỏ những vũ khí hạt nhân đang đóng vai trò kép - vừa răn đe vừa bảo đảm an ninh - hay không vẫn là một dấu hỏi lớn.

Tổng thống Hàn Quốc dự kiến thăm Washington trong tháng 5 và nhà lãnh đạo này sẽ nỗ lực đóng vai trò trung gian giữa ông Kim Jong-un và ông Trump - theo cố vấn Moon. "Nếu Bình Nhưỡng không phi hạt nhân hóa, chúng ta không thể mở ra một chương mới hòa bình trên bán đảo Triều Tiên" - ông Moon Chung-in nhấn mạnh. 

Cộng đồng quốc tế đang hồi hộp chờ xem cuộc gặp sắp tới giữa 2 ông Kim và Trump, nếu có, sẽ đưa bán đảo Triều Tiên đi theo hướng nào. Dù vậy, như tờ The Guardian bình luận: Cuộc gặp ở làng đình chiến Bàn Môn Điếm phần nào chứng tỏ không có gì là không thể nếu các bên liên quan có ý chí chính trị bất chấp nhiều trở ngại phía trước. 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo