xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đương đầu lệnh trừng phạt: Kỳ tích đáng nể của Cuba

ĐỖ QUYÊN

Chính phủ Cuba ước tính lệnh cấm vận của Mỹ đã gây tổn thất đến 753,69 tỉ USD đối với quốc đảo này

Những quốc gia khắp thế giới có thể học hỏi rất nhiều từ Cuba, đặc biệt là Mỹ - tác giả của lệnh cấm vận nghiệt ngã hơn nửa thế kỷ qua nhằm vào quốc đảo Caribe tươi đẹp này.

Gạt sang một bên

Đó là trải lòng của một công dân Mỹ tên Rachel Lankester trên tờ Huffington Post sau 2 tuần trải nghiệm cuộc sống ở Cuba gần đây. "Tôi đã thực sự được truyền cảm hứng bởi những thành tựu mà họ đạt được, bất chấp gánh nặng trừng phạt nặng nề" - Lankester nhấn mạnh.

Chính ông Barack Obama khi còn đương nhiệm tổng thống Mỹ, trong bài phát biểu nhân sự kiện Mỹ - Cuba chính thức nối lại quan hệ ngoại giao hồi tháng 3-2016, cũng thừa nhận "quãng thời gian hơn 50 năm đã chỉ ra rằng sự cô lập không hiệu quả" và các biện pháp trừng phạt Havana thể hiện "một cách tiếp cận thất bại".

Đương đầu lệnh trừng phạt: Kỳ tích đáng nể của Cuba - Ảnh 1.

Du khách quốc tế mua sắm hàng lưu niệm ở thủ đô Havana - Cuba hôm 30-9

Ảnh REUTERS

Cuba đã trở thành bằng chứng rõ ràng nhất cho nhận định của chuyên gia cao cấp Felix K. Chang thuộc Viện Nghiên cứu chính sách đối ngoại Mỹ (FPRI). Theo đó, có một sự thật về các chương trình trừng phạt kinh tế mà những quan chức Nhà Trắng không dám thừa nhận, chí ít là không dám thừa nhận một cách đúng mực, là họ chưa bao giờ thành công. Các đòn trừng phạt ấy chỉ làm cho đối thủ có chút chao đảo lúc ban đầu nhưng về sau, chính nó lại khiến những nước bị cấm vận trở nên mạnh mẽ hơn.

Theo trang Independent, Cuba đã học được cách gạt sang một bên các lệnh cấm vận liên tiếp đến nghẹt thở của Mỹ để không những sống sót mà còn phát triển theo cách của mình. Những người không ưa Cuba ở Washington có thể vin vào các con số như GDP đầu người hay thu nhập hằng ngày để chê bai sự nghèo nàn của đất nước vốn là nạn nhân cấm vận dai dẳng của họ.

Thế nhưng, bất chấp tất cả khó khăn và thiếu thốn nguồn lực để phát triển, Cuba đã ghi tên trong danh sách "Chỉ số phát triển con người cao". Trong khi đó, tỉ lệ trẻ sơ sinh tử vong của Cuba - vốn thể hiện rất nhiều về tiêu chuẩn sống và chịu tác động của nhiều yếu tố như kinh tế, xã hội, y tế - chỉ 4,5/1.000 ca sinh - thuộc những nước thấp nhất thế giới và tốt hơn cả Mỹ, theo xếp hạng của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA).

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Cuba đứng trong tốp 5 nước mà người dân có tuổi thọ cao nhất thế giới, trung bình 79,5 tuổi. Cựu Tổng Giám đốc WHO Margaret Chan năm 2014 từng ca ngợi Cuba là quốc gia dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực y tế, không chỉ bởi chất lượng và quy mô chăm sóc sức khỏe người dân mà còn vì các hệ thống y tế kết nối mạnh mẽ với nghiên cứu và sáng tạo.

Từ đó, trang Business Insider đặt câu hỏi liệu có nên sử dụng những tiêu chuẩn kinh tế tư bản chủ nghĩa, các thống kê tăng trưởng và năng suất để đo sự "thành công" hoặc "thất bại", trong khi ít chú ý đến các ưu tiên về xã hội và chính trị? Không thể không đề cập thực tế rằng khi lệnh cấm vận đầu tiên của Washington được thực thi (năm 1962), 95% tư liệu sản xuất của Cuba và 100% phụ tùng thay thế được nhập từ Mỹ. Mỹ cũng là nước nhận xuất khẩu chính của Cuba. Một cú sốc đáng kể khác đối với nền kinh tế Cuba là khi Liên Xô tan rã, Havana mất 85% lượng thương mại và đầu tư, dẫn đến GDP giảm đến 35%.

Y học, giáo dục gây tiếng vang

Nền kinh tế mà chính phủ sau năm 1959 của lãnh tụ Cuba Fidel Castro "thừa hưởng" là một nền kinh tế sản xuất đường chủ đạo với những vết sẹo hằn sâu về chủng tộc và kinh tế - xã hội do chế độ nô lệ để lại.

Sau cuộc cách mạng, chính quyền Cuba chủ trương nỗ lực mang đến phúc lợi xã hội và cải cách ruộng đất cho người dân, bên cạnh việc tịch thu tài sản phi nghĩa của tầng lớp thượng lưu. Thế nhưng, bên bại trận Fulgencio Batista và đồng bọn khi trốn chạy khỏi nước này đã lấy đi hàng triệu peso từ ngân hàng quốc gia và kho bạc. Nhiều người giàu có cũng ôm tiền rời Cuba.

Những biến cố này đã gây nên các khó khăn kinh tế nghiêm trọng đối với khả năng xoay xở của Havana. Trong khi đó, chính phủ Cuba ước tính lệnh cấm vận của Mỹ đã gây tổn thất tới 753,69 tỉ USD đối với quốc đảo này. Đây rõ ràng là con số đáng kể với một nước có GDP bình quân giai đoạn 1970-2014 chỉ khoảng 31,7 tỉ USD.

Cấm triệt để cả buôn bán thuốc men cho Cuba, lệnh cấm vận của Mỹ được cho là đã khiến nhà lãnh đạo Fidel Castro ưu tiên đầu tư vào y học. Cuba nay sở hữu khoảng 900 bằng sáng chế, thị trường dược phẩm và vắc-xin vươn tới hơn 40 nước với doanh thu 300 triệu USD/năm và vẫn không ngừng mở rộng. Giữa những năm 1980, Cuba phát triển vắc-xin viêm màng não B đầu tiên trên thế giới. Năm 2012, nước này cấp bằng sáng chế vắc-xin điều trị ung thư đầu tiên. Tới nay, Cuba đang dẫn đầu thế giới về các loại thuốc trị ung thư. Nhiều người đã không khỏi sửng sốt khi biết rằng hệ thống chăm sóc y tế cộng đồng ở Cuba phục vụ miễn phí tất cả người dân.

Bên cạnh đó, khoảng 37.000 bác sĩ và y tá Cuba đang làm việc tại 77 quốc gia, mang lại luồng trao đổi ngoại tệ khoảng 8 tỉ USD/năm. Cuba còn chữa trị và đào tạo y tế miễn phí cho hàng ngàn người nước ngoài mỗi năm. Đặc biệt, chương trình Operation Miracle (Chiến dịch Phẫu thuật Điều diệu kỳ) do Cuba hợp tác với Venezuela đã mổ mắt miễn phí, mang lại ánh sáng cho hàng ngàn bệnh nhân trên thế giới.

Bên cạnh y học, giáo dục cũng được Cuba tập trung đầu tư phát triển, đã gây tiếng vang đáng nể. Hệ thống giáo dục ở đất nước toàn dân được đi học miễn phí này được Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đánh giá tốt nhất châu Mỹ - Latin.

Những kỳ tích nêu trên có được chính là nhờ sự kiên trì theo đuổi kế hoạch nhà nước và đầu tư công ở một nước được liệt vào danh sách nghèo. 

Tấm gương hào hiệp

Cựu Tổng thống Ecuador Rafael Correa từng bày tỏ sự nể phục: "Cuba là quốc gia có sự hợp tác quốc tế hào hiệp nhất nếu so với GDP. Đó là một tấm gương lớn cho mỗi chúng ta. Điều này không có nghĩa là Cuba không có những vấn đề lớn. Thế nhưng, phải khẳng định rằng không thể nói về thành công hay thất bại của mô hình Cuba mà không tính tới sự phong tỏa của Mỹ".

Theo ông Correa, đất nước Ecuador thậm chí sẽ không thể cầm cự nổi 5 tháng với những lệnh cấm vận đè nặng, trong khi Cuba đã đương đầu đến hơn 50 năm!

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 1-10

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo