xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mẹ thiên nhiên nổi giận

MỸ NHUNG

Chỉ trong thời gian ngắn, khu vực châu Mỹ và Caribbean chứng kiến 4 cơn bão lớn, 1 trận động đất mạnh và gần trăm vụ cháy rừng

Ngày 9-9, siêu bão Irma càn quét Cuba và tiếp tục đặt bang Florida của Mỹ vào tầm ngắm sau khi làm thiệt mạng ít nhất 24 người trên các hòn đảo thuộc vùng Caribbean.

Cuộc sơ tán lớn nhất

Là một trong những cơn bão mạnh nhất Đại Tây Dương trong 1 thế kỷ qua, Irma đổ bộ tỉnh Ciego de Avila của Cuba vào khoảng nửa đêm 8-9 (giờ địa phương) với sức gió 250 km/giờ. Những con sóng cao tới 2 m và lũ quét tấn công nhiều khu vực dân cư ở miền Bắc và Trung Cuba.

Theo Reuters, dự kiến Irma đổi hướng lên phía Bắc để nhắm thẳng Florida vào rạng sáng 10-9 (giờ địa phương), mang theo mưa to gió lớn và lũ lụt trút xuống bang đông dân thứ tư của Mỹ. Trong lúc nhiều nơi tại bang Texas còn chưa rút hết nước sau cơn bão Harvey, giới chức bang Florida rút kinh nghiệm để đưa ra các lệnh sơ tán quyết liệt.

Báo chí Mỹ đưa tin cuộc sơ tán lớn nhất lịch sử Mỹ đang gấp rút diễn ra khi hơn 5,6 triệu người - chiếm 25% dân số Florida - được yêu cầu rời bang này, bất chấp những đường cao tốc, sân bay kẹt cứng, cảnh khan hiếm nhiên liệu... Thêm 540.000 người ở các vùng ven biển của bang Georgia kế cận cũng được lệnh gói ghém đồ đạc lên đường tránh bão.

"Chúng ta sắp hết thời gian rồi. Nếu bạn ở trong khu vực sơ tán, bạn phải đi ngay. Đây là cơn bão thảm họa mà bang chúng ta chưa từng gặp. Hãy nhớ rằng chúng tôi có thể xây lại nhà cho bạn nhưng không thể giúp bạn sống lại" - Thống đốc bang Florida Rick Scott nhấn mạnh. Kênh NBC dẫn lời ông Edward Rappaport, quyền giám đốc Trung tâm Bão quốc gia Mỹ, cảnh báo dù Irma di chuyển dọc bờ biển phía Tây của Florida song do cơn bão quá lớn nên bờ Đông bang này cũng chịu cảnh mưa to gió lớn. Trong khi đó, Công ty Điện và Chiếu sáng Florida ước tính 9 triệu trong số 20,6 triệu cư dân bang chịu cảnh mất điện.

Để kịp thời cứu hộ, Hải quân Mỹ đã điều tàu sân bay Abraham Lincoln, tàu tấn công đổ bộ Iwo Jima, tàu vận tải New York và 1 tàu khu trục đến Florida.


Mẹ thiên nhiên nổi giận - Ảnh 1.

Bà Maria Gonzalez tại một trung tâm dành cho người sơ tán tránh bão Irma ở hạt Miami-Dade, bang Florida hôm 8-9 Ảnh: MIAMI HERALD

Bàn tay con người?

Sức mạnh của Irma liên tục lên xuống giữa cấp 4 và 5, 2 cấp mạnh nhất theo thang bão Saffir-Simpson. Bám theo sau Irma là Jose, một cơn bão vừa thăng cấp 4 trong ngày 9-9. Với sức gió 240 km/giờ và đi theo đường đi tương tự Irma, Jose cản trở công tác cứu trợ ở một số khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng trước đó. Đơn cử, đảo Barbuda sau khi bị thiệt hại 95% nhà cửa vào tay Irma nay lại đứng trước nguy cơ bị Jose tấn công.

Trong khi đó, bão cấp 1 Katia đã đổ bộ vào bang Veracruz của Mexico đêm 8-9 (giờ địa phương) và yếu đi nhanh chóng. Mexico đang trong ngày quốc tang sau khi hứng chịu trận động đất mạnh nhất trong 1 thế kỷ qua vào đêm 7-9, làm chết 61 người và bị thương ít nhất 200 người.

Theo các chuyên gia, hiện tượng bão nối bão dù rất bất thường nhưng không phải chưa từng xảy ra ở Đại Tây Dương. Tuy vậy, GS khí tượng học Phil Klotzbach, thuộc Trường ĐH bang Colorado (Mỹ), cho hay chỉ trong vòng 3 ngày, 3 cơ bão Irma, Jose và Katia đã tạo ra lượng năng lượng bằng phân nửa mùa bão bình thường (kéo dài 6 tháng).

Cũng trong ngày 8-9, tại 9 bang ở miền Tây nước Mỹ xảy ra 82 vụ cháy rừng trên diện tích hơn 600.000 ha. Từ đầu năm tới nay, cháy rừng đã thiêu rụi hơn 3,2 triệu ha ở Mỹ, chỉ xếp sau năm 2015 và 2012. Tình trạng hạn hán và nắng nóng cũng báo động không kém. Mới nhất, hôm 1-9, ngay giữa lúc khí hậu ôn hòa ở TP San Francisco, bang California - Mỹ, nhiệt độ đột ngột tăng vọt lên mức hơn 41 độ C, làm ít nhất 6 người chết, theo hãng tin AP.

Trong khi trận động đất ở Mexico thuần tự nhiên, các thảm họa thiên tai khác nhiều khả năng là kết quả chung giữa tự nhiên và bàn tay con người. Có thể phải mất nhiều tuần hoặc nhiều tháng để xác định chắc chắn song từ lâu, các nhà khoa học đã dự báo bão sẽ ngày càng mạnh và gây mưa khủng khiếp hơn do được "tiếp sức" từ các vùng biển ấm hơn trước đây. Một số chuyên gia tin rằng hiện tượng gia tăng bão mạnh trên khắp thế giới hoàn toàn phù hợp với tình trạng ấm lên toàn cầu.

"Thiên nhiên đã nổi điên. Những kiểu thời tiết cực đoan như thế này sẽ xảy ra thường xuyên và đồng loạt bởi trái đất đang nóng lên" - ông Jeff Masters, Giám đốc khí tượng của tổ chức Weather Underground, nói với AP.

Cái giá phải trả cho thời tiết cực đoan sẽ cao hơn nhiều. Trang Bloomberg dẫn tính toán của công ty nghiên cứu Enki cho hay tổng thiệt hại do bão Irma gây ra có thể lên đến 200 tỉ USD, trong đó riêng bang Florida "gánh" 135 tỉ USD. 

Nguy cơ ở California

Chứng kiến trận động đất mạnh cấp độ 8,2 xảy ra ở miền Nam Mexico hôm 7-9, các nhà khoa học Mỹ lo ngại một trận động đất mạnh tương tự có thể tàn phá miền Nam bang California và gây hậu quả thảm khốc. Khi đó, nhiều khả năng TP Los Angeles sẽ bị thiệt hại nặng nề bởi nằm gần đường đứt gãy San Andreas. Hơn nữa, đường đứt gãy này chạy ngầm bên dưới các khu vực đông dân cư.

Lửa bốc lên từ đường ống dẫn khí ở Granada Hills sau trận động đất tại Northridge, bang California năm 1994 Ảnh: LOS ANGELES TIMES

Lửa bốc lên từ đường ống dẫn khí ở Granada Hills sau trận động đất tại Northridge, bang California năm 1994 Ảnh: LOS ANGELES TIMES

Trận động đất nói trên - được xem là mạnh nhất Mexico trong gần 100 năm qua - sản sinh ra năng lượng lớn gấp 4 lần so với trận động mạnh cấp độ 7,8 ở TP San Francisco, bang California hồi năm 1906, làm chết 3.000 người, đồng thời gây ra vụ hỏa hoạn khiến phần lớn thành phố bị phá hủy. Những trận động đất được ghi nhận ở bang California trong thế kỷ rồi nhỏ hơn nhiều so với trận động đất ở Mexico.

Nhà địa chấn học Lucy Jones cho biết mọi thành phố ở miền Nam bang California đều sẽ bị thiệt hại nếu xảy ra động đất cấp độ 8,2 ở đường nứt gãy San Andreas. Hậu quả được dự báo cực kỳ khủng khiếp: gần 1.800 người có thể thiệt mạng, tương đương số nạn nhân trong cơn bão Katrina. Trong số này, 900 người có thể chết vì hỏa hoạn, hơn 400 người chết trong các vụ sập nhà và hơn 150 trường hợp thiệt mạng do tai nạn giao thông. Hạt Los Angeles có thể ghi nhận số người chết cao nhất: hơn 1.000 người, tiếp theo là quận Cam (hơn 350 người), hạt San Bernardino (hơn 250 người) và hạt Riverside (hơn 70 người)... Ngoài ra, gần 50.000 người có thể bị thương và khoảng 500.000 đến 1 triệu người phải di dời. Hạ tầng cũng bị thiệt hại nặng với đường cao tốc, đường ống nước và lưới điện bị hư hại hoặc phá hủy.

Phạm Nghĩa

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo