Cuộc họp 4 bên đầu tiên này có thể diễn ra ở Philippines vào mùa xuân năm 2016, xoay quanh một khuôn khổ hợp tác trong tương lai với mục tiêu tăng cường an ninh hàng hải (bao gồm hợp tác trong mua sắm trang thiết bị và tập huấn chung).
Hồi cuối năm 2015, Mỹ đã thông báo sẽ viện trợ khoảng 259 triệu USD cho một số nước Đông Nam Á về lĩnh vực an ninh hành hải.
Trung Quốc "tiếp tục xây đảo nhân tạo"
Phát biểu trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ ngày 9-2, Giám đốc Tình báo quốc gia James Clapper cho rằng Trung Quốc đang quân sự hóa các đảo nhân tạo nước này xây dựng phi pháp ở biển Đông, bất chấp Chủ tịch Tập Cận Bình bác bỏ điều này trong chuyến thăm Mỹ hồi năm 2015.
Theo ông Clapper, Trung Quốc đã xây đường băng, nhà để máy bay, radar, bến tàu của hải quân và cảnh sát biển trên các đảo nhân tạo. Đầu tháng 1-2016, Trung Quốc cho máy bay dân sự đáp thử xuống đường băng phi pháp ở đá Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) 3 lần, gây phản ứng mạnh mẽ trong cộng đồng quốc tế.
Ngoài đá Chữ Thập, Trung Quốc còn xây dựng hai đường băng phi pháp khác trên đá Xu Bi và đá Vành Khăn cũng thuộc quần đảo Trường Sa. Tổng cộng, Trung Quốc cải tạo phi pháp 7 bãi đá ở Trường Sa.
Cùng ngày 9-2, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ chuyển một thông điệp cứng rắn tới Trung Quốc khi ông tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Mỹ (dự kiến diễn ra ngày 15 và 16-2). Thông điệp trên là các tranh chấp tại biển Đông cần phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế chứ không phải một nước lớn “đe dọa” các láng giềng nhỏ bé hơn.
Dù Trung Quốc không tham dự, song các cố vấn Mỹ tuyên bố rõ rằng những hành động của Bắc Kinh ở biển Đông sẽ là một trong những chủ đề trọng tâm tại hội nghị.