xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mỹ bất ngờ thách thức Trung Quốc

HUỆ BÌNH

Không hề báo trước, Mỹ áp sát đá Chữ Thập không lâu trước chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama đến Việt Nam vào cuối tháng này

Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS William P.Lawrence của Mỹ hôm 10-5 đi vào phạm vi 12 hải lý quanh đá Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).

Chuyến tuần tra “nhạy cảm”

Đây là lần thứ ba trong vòng chưa đầy 1 năm Mỹ áp sát trong vòng 12 hải lý quanh các hòn đảo bị Trung Quốc chiếm đóng hoặc bồi đắp trái phép trên biển Đông. Hai lần trước là tàu USS Curtis Wilbur tiếp cận đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) hồi tháng 1-2016 và tàu USS Lassen đi gần nhiều đảo, đá ở Trường Sa vào tháng 10-2015.

Trong tuyên bố cùng ngày, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Bill Urban nêu rõ: “Những tuyên bố chủ quyền trên biển quá đáng đó đi ngược lại luật pháp quốc tế, như Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, vì chúng hạn chế quyền tự do đi lại mà Mỹ và tất cả các nước được hưởng”. Hẳn nhiên điều này chọc giận Trung Quốc.

Không lâu sau, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho rằng hành động của Mỹ đe dọa cái gọi là “lợi ích an ninh và chủ quyền của Trung Quốc”, gây tổn hại đến hòa bình và ổn định khu vực. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng cho biết 2 máy bay chiến đấu và 3 tàu chiến nước này đã bám theo tàu Mỹ và yêu cầu rời đi.

Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS William P. LawrenceẢnh: navsource.org
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS William P. LawrenceẢnh: navsource.org

Việc Mỹ chọn tuần tra quanh đá Chữ Thập là quyết định mang nhiều ẩn ý, theo giới chuyên gia. Chuyên gia Ian Storey tại Viện ISEAS Yusof Ishak (Singapore) nhận định: “Đá Chữ Thập là nơi nhạy cảm vì đây có thể là trọng tâm của các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở biển Đông trong tương lai”. Trên hòn đảo xây đắp trái phép này, Trung Quốc xây dựng nhiều hạ tầng, bao gồm cả cảng nước sâu và một đường băng dài 3.000 m. Tờ The Wall Street Journal cũng nhận định việc Mỹ lựa chọn đá Chữ Thập để tuần tra ẩn chứa một tín hiệu đặc biệt. Đây chính là nơi Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long ghé thăm vào tháng trước. Bắc Kinh cũng vừa phái một đoàn văn công ra biểu diễn ở đây.

Thời điểm tuần tra nhạy cảm không kém, nhất là khi hồi cuối tháng 4 qua có thông tin Mỹ hủy một chuyến tuần tra bảo vệ tự do hàng hải ở biển Đông đã lên kế hoạch trước. “Tuần tra vào lúc này chứng tỏ quyết tâm của Mỹ trước khi Tổng thống Barack Obama thăm Việt Nam cuối tháng 5” - ông Storey đánh giá.

Áp lực cho Bắc Kinh

Phát biểu với báo giới trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Obama tại Hà Nội, trợ lý ngoại trưởng Mỹ chuyên trách Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Russel sáng 10-5 khẳng định Mỹ có trách nhiệm bảo đảm tự do hàng hải ở biển Đông cho tất cả các nước, đặc biệt là các nước nhỏ.

Cũng chung nhận định, báo Nhật Yomiuri cho rằng Mỹ cần duy trì sức ép thường xuyên lên Trung Quốc thông qua sự hợp tác với Việt Nam, Philippines và các nước có liên quan khác. Tờ báo chỉ ra Trung Quốc đang “leo thang các hành động dối trá”. Theo tờ báo, chính quyền Trung Quốc không ngừng bồi lấn đảo nhân tạo trái phép, biến chúng thành căn cứ quân sự nhưng luôn miệng biện minh chỉ phục vụ cho mục đích dân sự. Kể từ khi có các đảo này, tàu thuyền Trung Quốc lấn ngày càng xa xuống phía Nam biển Đông.

Chẳng hạn, vào tháng 3, hai tàu hải cảnh ngăn cản tàu tuần tra Indonesia bắt giữ tàu cá của Trung Quốc đánh bắt trái phép gần quần đảo Natuna. Tiếp đó, khoảng 100 tàu đánh cá của Trung Quốc bị cáo buộc xâm phạm lãnh hải Malaysia gần bãi cạn Luconia.

Cơ chế làm việc đa phương cũng là lựa chọn của ông Rodrigo Duterte - tân tổng thống Philippines. Hôm 9-5, ông này cho hay sẽ kêu gọi đàm phán giữa các nước trên biển Đông với sự tham gia của các cường quốc như Mỹ, Nhật Bản và Úc. Tuy nhiên, phán quyết mà Philippines đang chờ đợi từ Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague - Hà Lan về vụ nước này kiện yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên biển Đông có thể bị trì hoãn.

Nguyên nhân là do một nhóm có tên Hiệp hội Luật pháp quốc tế Đài Loan xen vào bằng cách bất ngờ nộp nhiều tài liệu lên PCA. Giới quan sát lo ngại diễn biến này có thể làm phức tạp thêm tranh chấp trong khu vực.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo