Tăng thuế với hàng hóa Trung Quốc được cho là “vũ khí” lợi hại bởi Bắc Kinh xuất khẩu “núi” hàng hóa lên tới 483 tỉ USD vào Mỹ năm 2015. Tuy nhiên, tờ New York Times cho rằng cơ hội trả đũa của Mỹ sẽ hạn chế hơn khi kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Mỹ sang Trung Quốc đạt 116 tỉ USD (năm 2015). Trung Quốc có thể “trút giận” vào các mục tiêu như hãng máy bay Boeing, nhà sản xuất ô tô và nông dân Mỹ. Vũ khí tiềm năng nhất của Bắc Kinh được cho là phá vỡ các dây chuyền cung cấp đa quốc gia bằng cách ngừng xuất khẩu các linh kiện và vật liệu quan trọng.
Thế nhưng, một động thái như thế có thể hủy hoại tiếng tăm và uy tín của Bắc Kinh. Do vậy, ông He Weiwen, đồng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc - Mỹ - Liên minh châu Âu (EU) tại Hiệp hội Thương mại quốc tế Trung Quốc, cho rằng diễn biến sẽ không đi xa tới mức đó bởi vẫn còn nhiều thứ để thương lượng.
Doanh nghiệp Nhật - Trung đối đầu
Doanh nghiệp Nhật Bản có thể đóng vai trò quan trọng hơn trong các thương vụ thâu tóm ở nước ngoài trong năm 2017 giữa lúc Trung Quốc tìm cách ngăn dòng vốn chảy ra nước ngoài. Trong biểu hiện mới nhất của xu hướng này, Tập đoàn Asahi Group Holdings vừa đánh bại các đối thủ, trong đó có Tập đoàn China Resources (Trung Quốc), để mua lại các thương hiệu bia ở Đông Âu của Công ty Anheuser-Busch InBev (Bỉ) với giá 7,6 tỉ USD.
Theo Reuters, các công ty Nhật Bản đã chi 93 tỉ USD cho các thương vụ mua sắm ở nước ngoài tính từ đầu năm 2016 đến ngày 19-12, thấp hơn chút ít so với con số kỷ lục 96 tỉ USD năm 2015 nhưng tăng mạnh so với mức 51 tỉ USD năm 2013. Trong khi đó, các công ty Trung Quốc đã chi 217 tỉ USD cho các thương vụ tương tự trong giai đoạn này. Một lợi thế quan trọng của các công ty Nhật Bản là họ đang có nguồn tiền mặt nhiều kỷ lục (3.200 tỉ USD, theo dữ liệu của chính phủ) nên số vụ mua lại ở nước ngoài trong năm 2017 nhiều khả năng không thua kém năm nay.
“Các doanh nghiệp Nhật Bản có chi phí vốn thấp, tiền mặt tồn quỹ dồi dào và khao khát đa dạng hóa hoạt động bên ngoài thị trường trong nước” - ông Mayooran Elalingam, Giám đốc chi nhánh châu Á - Thái Bình Dương ở Hồng Kông của Ngân hàng Deutsche Bank (Đức), nhận định. Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp Trung Quốc đang gặp khó khi Cục Quản lý ngoại hối nhà nước tăng cường kiểm tra những giao dịch thâu tóm ở nước ngoài để hạn chế dòng vốn chảy ra ngoài, đang làm tổn thương giá trị đồng nhân dân tệ.
Sự cạnh tranh giữa doanh nghiệp hai nước cũng có thể diễn ra trong lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên năm 2017 bởi sự quan tâm ngày càng tăng của các công ty Nhật.
Lục San