xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mỹ - Trung xem xét tung đòn mới?

Cao Lực

Hai nước có thể sẽ đạt được một thỏa thuận thương mại trong vòng 6 tháng tới song thỏa thuận này không thể chấm dứt căng thẳng giữa họ

Tập đoàn Thiết bị viễn thông Huawei (Trung Quốc) đang kiến nghị tòa án Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm cơ quan chính phủ Mỹ mua thiết bị của họ vì cho rằng điều này vi hiến. Trước đó, vào tháng 3, Huawei đã đệ đơn kiện nhằm vào chính phủ Mỹ liên quan đến Mục 889 của Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA), vốn cấm các cơ quan chính phủ Mỹ mua thiết bị của Huawei và Tập đoàn Công nghệ ZTE.

Đến ngày 28-5, Huawei trình "đơn kiến nghị phân xử tóm lược" lên Tòa án quận Đông Texas nhằm đẩy nhanh quá trình tố tụng để tìm kiếm các phán quyết có lợi cho họ. Theo Huawei, vụ kiện tụng làm bật lên các câu hỏi pháp lý liên quan đến NDAA cũng như Hiến pháp Mỹ và đến thời điểm hiện tại, chưa liên quan đến việc tranh cãi đúng - sai.

Huawei lập luận rằng Mục 889 của NDAA nêu đích danh tên công ty họ, kết luận họ có tội và trừng phạt họ dù không qua xét xử. Đây vốn là điều bị Hiến pháp Mỹ cấm. Nhóm luật sư của Huawei cũng cho rằng Mục 889 phi pháp vì công ty của họ không thể lắng nghe và phản biện bằng chứng chống lại họ trước tòa.

Tòa án quận Đông Texas đã đồng ý mở phiên điều trần vào ngày 19-9 và có thể mất vài tháng để họ ra quyết định cuối cùng về đơn kiến nghị nói trên. Nếu thắng kiện, Huawei hy vọng có thể mở ra các cuộc đàm phán với chính phủ Mỹ. Dù vậy, theo CNBC, luật sư của chính phủ Mỹ có thể yêu cầu tòa án bác đơn kiến nghị của Huawei.

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang căng thẳng, Trung Quốc được cho là đang "nghiêm túc cân nhắc" hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ nhằm đáp trả vụ việc Washington đưa Huawei vào "danh sách đen" để từ đó, chặn nguồn cung cấp linh kiện Mỹ quan trọng mà tập đoàn Trung Quốc cần để sản xuất điện thoại thông minh và thiết bị mạng.

Mỹ - Trung xem xét tung đòn mới? - Ảnh 1.

Công nhân thiết lập gian hàng Huawei tại một triển lãm công nghệ ở TP Quý Dương - Trung Quốc hôm 22-5Ảnh: REUTERS

"Trong quá khứ, Trung Quốc đã cho thấy họ có thể sử dụng đất hiếm làm quân bài mặc cả trong các cuộc đàm phán" - ông George Bauk, công ty sản xuất đất hiếm Northern Minerals Ltd. (Úc), cho biết. Trước đó, Bắc Kinh đã tăng thuế nhập khẩu quặng kim loại đất hiếm của Mỹ từ 10% lên 25%. Là quốc gia sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới, Trung Quốc cung cấp khoảng 80% lượng đất hiếm nhập khẩu của Mỹ. Đây là một vật liệu quan trọng trong ngành công nghiệp quốc phòng, năng lượng, điện tử và ôtô.

Trong khi đó, theo báo The Straits Times (Singapore), Washington có thể nhắm vào sự tiếp cận của Trung Quốc với thị trường tài chính Mỹ làm mục tiêu tiếp theo trong thương chiến. Một số chuyên gia thương mại và quan chức trong chính quyền Tổng thống Donald Trump đang thảo luận về việc liệu Nhà Trắng có nên giới hạn sự tiếp cận của Trung Quốc vào Phố Wall hay không. 

Trong những năm gần đây, các công ty Trung Quốc đã huy động được hàng chục tỉ USD thông qua các thị trường tài chính Mỹ. Theo ông Steve Bannon, cựu chiến lược gia trưởng của Tổng thống Donald Trump, Nhà Trắng muốn xem xét lại vai trò của Trung Quốc đối với thị trường cổ phiếu Mỹ do tình trạng "thiếu minh bạch" về chuyện ai là chủ sở hữu thực sự của các công ty đại lục.

Trước những diễn biến nêu trên, cựu quan chức ngoại giao Anh Alastair Newton nhận định Trung Quốc và Mỹ có thể đạt được một thỏa thuận thương mại trong vòng 6 tháng tới, song thỏa thuận này không thể chấm dứt căng thẳng giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới. "Chiến tranh công nghệ sẽ không kết thúc, ngay cả khi họ đạt được một thỏa thuận thương mại về hàng hóa song phương" - ông Alastair giải thích.

Trong khi đó, các chuyên gia Viện Kinh tế quốc tế Peterson (PIIE - Mỹ) cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump đang "đánh giá thấp" sức mạnh tiềm ẩn của kinh tế Trung Quốc, cũng như "sự sẵn sàng đứng lên chống trả" của Trung Quốc. Điều này, theo PIIE, khiến viễn cảnh đạt được thỏa thuận thương mại của 2 quốc gia xa vời hơn trước. 

Bắc Kinh đe dọa vị thế của Washington ở châu Á

Mỹ vẫn là quốc gia quyền lực nhất tại châu Á nhưng có nguy cơ bị Trung Quốc soán ngôi. Theo Chỉ số quyền lực châu Á năm 2019 được Viện Lowy (Úc) công bố hôm 29-5, Mỹ một lần nữa giữ ngôi vương với 84,5/100 điểm. Trung Quốc vẫn đứng ngay sau Mỹ nhưng có điểm số 75,9 điểm, là sự cải thiện so với năm ngoái.

Trong 8 thang đo quyền lực được chia thành nguồn lực và sức ảnh hưởng, Trung Quốc và Mỹ đều đứng đầu 4 thang đo, trong đó Bắc Kinh đã vượt qua Washington trong hạng mục quan trọng là "nguồn lực kinh tế". Trong hầu hết các kịch bản, ngoại trừ chiến tranh, Washington gần như không thể ngăn được sự thu hẹp khoảng cách về quyền lực với Bắc Kinh và thách thức lớn nhất đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc không ai khác ngoài Mỹ.

Báo cáo chỉ ra chính sách đối ngoại hiện nay của chính quyền ông Trump có thể sẽ khiến quyền lực nước này bị suy giảm ở châu Á. Việc Washington tập trung vào chiến tranh thương mại và cân bằng các dòng chảy thương mại của một nước tại một thời điểm nào đó không giúp cải thiện sự ảnh hưởng và các mối quan hệ kinh tế của Mỹ. Theo tạp chí Newsweek (Mỹ), trong khi năng lực quân sự của Mỹ vẫn chưa có đối thủ, Bắc Kinh cũng đã đạt được những bước tiến đáng kể khi Chủ tịch Tập Cận Bình theo đuổi hiện đại hóa quân đội ở quy mô lớn.

Xuân Mai

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo