xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Năm buồn của tỉ phú

THU HẰNG

Ông Vương Tĩnh - đại gia viễn thông Trung Quốc từng đầu tư 500 triệu USD đào kênh ở Nicaragua để cạnh tranh kênh đào Panama - mất trắng 86% tài sản trong năm nay

Những tỉ phú giàu nhất thế giới đã nghèo đi ít nhiều trong năm 2015. Theo Bloomberg Billionaires Index (BBI, tạm dịch: Chỉ số xếp hạng tỉ phú của Bloomberg), 400 cá nhân giàu nhất thế giới phải ngậm ngùi “chia tay” 19 tỉ USD trong năm qua.

Giá hàng hóa cơ bản sụt giảm và sự tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc khiến giới đầu tư hoang mang chính là “thủ phạm” làm BBI lần đầu tiên đi xuống kể từ năm 2012 khi hãng tin tài chính lớn nhất của Mỹ Bloomberg bắt đầu công bố chỉ số thường niên trên.

“Sau 3 năm phát triển rực rỡ, thị trường chứng khoán 2015 chao đảo đáng ngại. Sợ hãi về cảnh hẩm hiu của giá dầu, tiêu dùng èo uột và sự mong manh dễ vỡ của kinh tế Trung Quốc khiến giới đầu tư hoảng loạn” - tỉ phú Ken Fisher, người sáng lập quỹ đầu tư Fisher quản lý hơn 65 tỉ USD, nhận định với Bloomberg.

 

Ông chủ Amazon Jeff Bezos tăng hơn gấp đôi tài sản trong năm 2015 Ảnh: AP
Ông chủ Amazon Jeff Bezos tăng hơn gấp đôi tài sản trong năm 2015 Ảnh: AP

 

Nhà đồng sáng lập Microsoft Bill Gates mất 3 tỉ USD trong năm 2015. Song, tin tốt là với khối tài sản 83,6 tỉ USD, vị tỉ phú 60 tuổi vẫn vững chân trên vị trí người giàu nhất thế giới mà ông thống trị từ tháng 5-2013. Đại gia được mệnh danh là nhà đầu tư huyền thoại của Mỹ, ông Warren Buffett, mất khoảng 11,3 tỉ USD nhưng vẫn là người giàu thứ ba thế giới với số tài sản 62,5 tỉ USD.

Trong khi đó, 5 thành viên trong gia đình Walton - sở hữu một nửa chuỗi siêu thị bán lẻ lớn nhất thế giới Wal-Mart- thiệt hại tổng cộng 35 tỉ USD. Tỉ phú người Nigeria Aliko Dangote, giàu nhất châu Phi, cũng có một năm bết bát khi số tài sản của ông chỉ còn 14 tỉ USD, ít hơn phân nửa so với tháng 1-2014.

Đi ngược xu thế trên, 44 tỉ phú công nghệ bỏ túi thêm 81 tỉ USD trong năm 2015. Trong khi đó, dù không hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, tỉ phú giàu nhất châu Âu Amancio Ortega vẫn gây ấn tượng với khối tài sản tăng 12,1 tỉ USD, lên tới 73,2 tỉ USD. Đại gia người Tây Ban Nha sở hữu thương hiệu thời trang Zara này vượt qua cả ông Buffett và ông trùm viễn thông Mexico Carlos Slim, nhảy lên vị trí người giàu thứ 2 thế giới trong năm nay.

Có tới 49 tỉ phú văng khỏi tốp “nhà giàu” của Bloomberg, trong đó có ông Vương Tĩnh - đại gia viễn thông Trung Quốc từng đầu tư 500 triệu USD để giúp Nicaragua xây dựng kênh đào cạnh tranh kênh đào Panama. Vị tỉ phú được mệnh danh là đen đủi nhất nền kinh tế số hai thế giới này mất trắng 86% tài sản trong năm nay, mức tồi tệ nhất trong lịch sử.

Số lượng tỉ phú Trung Quốc trong tốp 400 của BBI cũng biến động nhiều nhất trong năm 2015. Hôm 1-1, tổng cộng 23 tỉ phú Trung Quốc có tên trong tốp với tổng tài sản trị giá 205 tỉ USD. Đỉnh điểm là vào ngày 27-5, Trung Quốc có 31 tỉ phú với tổng tài sản 348 tỉ USD. Tuy nhiên, tới ngày 28-12, họ chỉ còn 28 tỉ phú với tổng tài sản 256 tỉ USD. Trong khi đó, 19 tỉ phú Nga có trong tốp 400 bị mất 8 tỉ USD trong năm nay giữa lúc Moscow chống đỡ với giá dầu sụt giảm và các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Theo Bloomberg, 400 cá nhân giàu nhất thế giới hiện kiểm soát khoảng 3.900 tỉ USD, hơn GDP của tất cả các nước trên thế giới, trừ Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Trong năm 2015, có thời điểm họ kiểm soát đến 4.300 tỉ USD (ngày 18-5).

 

Nhiều người giàu nhanh

2015 là năm khó khăn đối với tỉ phú người Mexico Carlos Slim. Tài sản của ông trùm ngành viễn thông này giảm 20 tỉ USD (tương đương quy mô kinh tế Honduras), xuống còn 52,8 tỉ USD, khiến ông rớt từ hạng 3 xuống hạng 5 trong danh sách người giàu nhất thế giới. Nguyên nhân khiến ông nghèo đi đến từ việc giá trị cổ phiếu Tập đoàn America Movil SAB giảm 25% trong năm nay - mức cao nhất kể từ năm 2008. Với 57% cổ phần đang nắm của công ty này, không có gì khó hiểu khi ông Slim thiệt hại nặng nề.

America Movil SAB hiện đối mặt nhiều thách thức: sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn từ trong nước, viễn cảnh u ám của kinh tế Brazil (thị trường lớn thứ 2 của công ty), ít cơ hội mở rộng ở châu Âu. Công ty này hiện trông cậy vào các thị trường Brazil, Áo và Mỹ để tăng trưởng giữa lúc nhà chức trách Mexico tìm cách giảm bớt sự thống trị của họ trong nước (hiện kiểm soát 70% thuê bao di động và 62% thuê bao cố định).

Trái với tỉ phú Slim, tỉ phú người Mỹ Jeff Bezos đã có một năm không thể hài lòng hơn. Tài sản của nhà sáng lập tập đoàn thương mại điện tử Amazon tăng hơn gấp đôi lên 59 tỉ USD, giúp ông nhảy vọt 16 bậc để trở thành người giàu thứ 4 thế giới. Số tiền 31 tỉ USD kiếm được trong năm 2015 làm ông quên đi nỗi buồn mất 7,4 tỉ USD trong năm 2014. Góp công lớn nhất vào thành quả này là giá trị cổ phiếu Amazon tăng hơn gấp đôi trong năm 2015 khi giới đầu tư hoan hỉ trước kết quả kinh doanh của công ty.

Đáng chú ý, ông Bezos không phải là tỉ phú công nghệ duy nhất thành công vang dội trong năm 2015. Tài sản của ông Mark Zuckerberg (nhà sáng lập mạng xã hội Facebook) tăng 11,6 tỉ USD lên 46,1 tỉ USD. Điều này cũng có nghĩa là số tài sản 99% mà vị tỉ phú 31 tuổi này cam kết dùng làm từ thiện theo công bố hồi đầu tháng 12 đã lên tới 45 tỉ USD.

Trong khi đó, Sergey Brin và Larry Page, hai nhà đồng sáng lập Alphabet Inc., công ty mẹ của Google, cũng kiếm được tổng cộng 20 tỉ USD trong năm nay.

Phương Võ

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo