Nepal: Trận động đất tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra

27 Tháng 04, 2015 | 15:30

(NLĐO)- Dù số nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa động đất 7,9 độ Richter tại Nepal đã vượt qua 3.200 người và những người sống sót còn chưa hình dung được sẽ trở lại với cuộc sống như thế nào, nhưng các chuyên gia cho biết điều tồi tệ nhất vẫn chưa tới!

Số nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa động đất 7,9 độ Richter tại Nepal đã vượt qua con số 3.200 người. Ảnh: Reuters

Số nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa động đất 7,9 độ Richter tại Nepal đã vượt qua con số 3.200 người. Ảnh: Reuters

Trận động đất xảy ra hôm 25-4 đã xóa sổ cuộc sống nhiều khu vực tại thủ đô Kathmandu nhưng vẫn chưa phải “đại thảm họa Himalaya” mà khu vực này không thể tránh khỏi theo cảnh báo của các nhà khoa học.

Tạp chí Down to Earth dẫn lời chuyên gia địa chất Roger Bilham của Đại học Colorado Boulder – người dành cả đời nghiên cứu động đất tại khu vực Himalaya, cho biết: “Với cường độ 7,9 độ Richter, trận động đất 25-4 gây ra sức hủy diệt khủng khiếp nhưng đây vẫn chưa là “đại thảm họa Himalaya” mà giới chuyên gia cảnh báo. Đại thảm họa này có cường độ ít nhất 8 độ Richter”.

Giáo sư Sankar Kumar Nath từ viện IIT Kharagpur – chuyên nghiên cứu hoạt động địa chất tại khu vực Himalaya thậm chí còn đưa ra viễn cảnh ảm đạm hơn.

“Trận động đất (hôm 25-4) chỉ được xếp vào mức trung bình dựa theo mức độ năng lượng phóng ra. Khu vực trải dài 2.500 km từ khu Hindukush tới cuối vùng Arunachal Pradesh có thể phát sinh những trận động đất mạnh hơn nhiều, thậm chí cường độ có thể lên tới 9 độ Richter” - Vị giáo sư nhận định trên báo Indian Express – “ Nếu nhìn theo một hướng khác, chúng ta thực ra đã may mắn vì trận động đất mới tấn công chỉ có cường độ 7,9 độ Richter. Rõ ràng trận động đất 7,9 độ Richter vẫn nhẹ hơn là phải chịu đựng một thảm họa động đất 9 độ Richters. Vấn đề là ở khía cạnh năng lượng phóng ra, phải có tới 40 tới 50 trận động đất 7,9 độ Richter mới tránh được một trận động đất 9 độ Richter”.

Trận động đất lớn gần nhất (8,4 độ Richter) xảy ra năm 1934 khiến khoảng 17 ngàn người thiệt mạng ở cả Nepal và Ấn Độ. Kể từ đó, các nhà khoa học vẫn không ngừng nghiên cứu những đường đứt gãy của trận động đất trước để dự đoán trận kế tiếp nhưng thực tế cho thấy họ đã chậm chân.

Nhà địa chất James Jackson – người đứng đầu khoa khoa học trái đất của Đại học Cambridge, mới có mặt ở Kathmandu chỉ một tuần trước cùng nhiều đồng nghiệp để thảo luận về dự báo trận động đất đáng sợ sẽ tấn công thủ đô này. Sau khi xảy ra trận động đất hôm 25-4, ông nói với hãng thông tấn AP (Mỹ) rằng các nhà khoa học đã biết họ đang “chạy đua với thời gian”.

Đỗ Quyên (Theo First Post)

Viết bình luận

CHUYÊN TRANG PHỤ NỮ

Email: phunu@nld.com.vn

NHẬN EMAIL MỚI HÀNG NGÀY

Đăng ký nhận tin mỗi ngày từ chuyên phụ nữ

Giấy phép số 115/GP- BTTTT cấp ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Tổng Biên tập: TÔ ĐÌNH TUÂN
Địa chỉ: 123 - 127 Võ Văn Tần, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3 - TPHCM, Điện thoại: 028-3930.6262 / 028-3930.5376, Fax: 028-3930.4707. Email: toasoan@nld.com.vn
Bản quyền thuộc về Báo Người Lao Động. Các website khác đã được chúng tôi đồng ý cho khai thác thông tin, khi đăng lại phải ghi rõ nguồn: Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn).