xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhà Trắng chia rẽ vì thương mại

THU HẰNG

Tổng thống Mỹ Donald Trump khai chiến thương mại trên nhiều mặt trận, từ nhằm vào đối thủ chiến lược Trung Quốc tới chọc giận các đồng minh

Các chính khách châu Âu hôm 7-3 tỏ ra lo ngại và thất vọng khi hay tin cố vấn kinh tế cấp cao của Tổng thống Donald Trump, ông Gary Cohn, từ chức.

Điềm xấu

Nói về diễn biến được giới quan sát thị trường coi là một điềm chẳng lành đối với chính sách kinh tế của Nhà Trắng này, Bộ trưởng Kinh tế Đức Brigitte Zypries cảnh báo tình hình liên quan tới kế hoạch đánh thuế nặng các sản phẩm thép, nhôm nhập khẩu của ông Trump trở nên rất nghiêm trọng.

Vốn là một người ủng hộ tự do thương mại, ông Cohn được cho là đã rất giận dữ với các kế hoạch áp thuế mới nói trên của của ông chủ Nhà Trắng. Theo tiết lộ của trang Business Insider, Tổng thống Trump đã yêu cầu vị cố vấn từng là chủ tịch của ngân hàng Goldman Sachs này công khai ủng hộ quyết định áp thuế mới trong cuộc họp tại Nhà Trắng chỉ vài giờ trước khi vị cố vấn này thông báo từ chức hôm 6-3. Nguồn tin cho biết ông Cohn đã không trả lời.

Hồi tháng 8-2017, vị cố vấn kinh tế này đã chỉ trích Tổng thống Trump vì các phản ứng liên quan tới cuộc biểu tình cực hữu ở Charlottesville, bang Virginia. Ông cho rằng chính quyền "có khả năng và phải làm tốt hơn". Có thông tin ông Cohn đã thảo thư từ chức sau sự kiện này.

Theo Guardian, đang có rất nhiều suy đoán về việc ai sẽ thay ông Cohn ngồi vào chiếc ghế Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia. Lựa chọn nổi bật là ông Peter Navarro, cố vấn thương mại của ông Trump. Đây là nhân vật ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa bảo hộ và hoài nghi tự do thương mại có tiếng. Theo CNBC, ông Navarro vốn bị Chánh Văn phòng Nhà Trắng John Kelly kèm chặt, thậm chí tất cả email gửi đi của ông này còn được lệnh phải gửi kèm cho ông Cohn. Tuy nhiên, nay ông Navarro có vẻ đã thắng thế trên con đường được tiến cử vào chiếc ghế nói trên - điều được cho là có thể báo động các thị trường!

Ngoài ra, nhà kinh tế học bảo thủ Larry Kudlow - từng phục vụ dưới thời chính quyền ông Ronald Reagan, cũng là một phương án. Tuy nhiên, nhân vật này lại có quan điểm ủng hộ tự do thương mại nên khả năng ủng hộ kế hoạch áp thuế mới của chính quyền là không cao.

Trong khi ông Trump đăng đàn Twitter chia sẻ ông sẽ sớm quyết định người thay thế vị trí của vị cố vấn đã có dấu ấn đậm nét trong cuộc cải cách thuế lịch sử năm rồi, đồng USD ngày 7-3 giảm giá và đồng yen Nhật - thường được coi là thiên đường trú ẩn mỗi khi thị trường rối loạn - tăng tới 0,6% lên mức 105,46 yen ăn 1 USD, áp sát mức cao nhất trong 16 tháng thiết lập hồi tuần qua. Trong khi đó, cổ phiếu trên thị trường châu Á "đỏ lửa".

Nhà Trắng chia rẽ vì thương mại - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và ông Gary Cohn (phải) Ảnh: AP

Trả đũa

Theo Bloomberg, Tổng thống Trump đang khai chiến thương mại trên nhiều mặt trận, từ nhằm vào đối thủ chiến lược Trung Quốc tới chọc giận những đồng minh như Canada và Liên minh châu Âu (EU), với đe dọa dựng lên nhiều rào cản mới. Trong khi các đối tác của Mỹ đe dọa trả đũa, vẫn chưa xuất hiện dấu hiệu cụ thể nào của một cuộc chiến thương mại toàn diện.

Trong một động thái được cho là phản ứng trực tiếp nhất, Thủ tướng Thụy Điển Stefan Löfven đề cập thẳng tới vấn đề áp thuế mới đối với thép và nhôm của Mỹ khi chỉ đứng cách ông Trump vài bước trong cuộc họp báo chung tại Nhà Trắng hôm 6-3. "Sự thịnh vượng của Thụy Điển dựa trên sự cạnh tranh doanh nghiệp và tự do thương mại. Tôi cho rằng tăng thuế sẽ làm tổn hại tới chúng ta trong dài hạn" - ông Löfven nhấn mạnh. Mỹ vốn là điểm đến số 2 của thép Thụy Điển, chỉ đứng sau Đức.

Đáp trả bước đi thương mại không nể mặt đồng minh của tổng thống Mỹ, EU tuyên bố sẽ áp thuế mới vào các mặt hàng của Mỹ, trong đó có quần jeans, rượu whiskey Bourbon và mô tô. Ủy ban châu Âu hôm 7-3 tiến hành rà soát các biện pháp trả đũa và dự kiến tung ra nếu Mỹ chính thức áp đặt thuế đối với sản phẩm thép, nhôm nhập khẩu.

Khi được hỏi về phản ứng này của EU, ông Trump đáp trả rằng EU "đặc biệt khắc nghiệt với Mỹ, họ khiến chúng tôi không thể làm ăn với họ nhưng vẫn mang xe hơi và mọi thứ sang Mỹ bán. Nếu cứ như vậy, chúng tôi sẽ đánh thuế tới 25% lên xe hơi của họ".

Cứng rắn với Trung Quốc?

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cân nhắc mạnh tay với hoạt động đầu tư và hàng nhập khẩu của Trung Quốc vì cáo buộc đánh cắp tài sản trí tuệ. Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ dự kiến công bố kết quả điều tra về cáo buộc này vào tháng tới, từ đó có thể trao cho ông chủ Nhà Trắng thêm lý do để hạn chế thương mại với nền kinh tế thứ 2 thế giới. Trước đó, Washington phàn nàn Bắc Kinh tìm cách ép doanh nghiệp Mỹ chuyển giao tài sản trí tuệ và dính líu đến hành vi đánh cắp bí mật thương mại của nước này.

Theo trang Bloomberg, kịch bản mạnh mẽ nhất là Mỹ có thể đánh thuế lên một loạt sản phẩm nhập khẩu từ nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, từ giày, quần áo cho đến hàng điện tử tiêu dùng. Ngoài ra, Washington có thể kết hợp biện pháp đánh thuế với hạn chế đầu tư của Trung Quốc nếu Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) đánh giá hoạt động này đe dọa an ninh quốc gia. Giới chức Mỹ đang cân nhắc chỉ cho phép những thương vụ thâu tóm liên quan đến Bắc Kinh trong những lĩnh vực mà công ty Mỹ có thể tiếp cận ở Trung Quốc. Phát biểu trước một ủy ban quốc hội Mỹ hôm 6-3, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin khẳng định mục tiêu của chính quyền ông Trump là thiết lập quan hệ thương mại "công bằng và cân bằng" với Trung Quốc.

Trong động thái khác cho thấy Mỹ đang chơi cứng với Trung Quốc, Ngoại trưởng Rex Tillerson hôm 6-3 chỉ trích những hoạt động kinh tế, đầu tư của Bắc Kinh tại châu Phi ngay trước khi có chuyến công du đến đó. Theo ông Tillerson, hướng tiếp cận của Trung Quốc đã dẫn đến những món nợ ngày một phình to nhưng lại không tạo ra nhiều công ăn việc làm và đe dọa các nguồn tài nguyên tự nhiên tại châu Phi. Ngoại trưởng Mỹ cũng nhấn mạnh chính quyền ông Trump muốn tăng cường quan hệ với châu Phi và thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững ở đó. Chuyến công du châu Phi đầu tiên trong cương vị ngoại trưởng Mỹ của ông Tillerson kéo dài 8 ngày, với các chặng dừng chân là Chad, Djibouti, Ethiopia, Kenya và Nigeria.

Không chỉ ông Tillerson, tướng Thomas Waldhauser, Tư lệnh Bộ Chỉ huy châu Phi của Mỹ, hôm 6-3 cũng bày tỏ nỗi lo quân đội nước này có thể đối mặt những hậu quả nghiêm trọng nếu Trung Quốc kiểm soát cảng container Doraleh ở Djibouti. Tại phiên điều trần có sự hiện diện của ông Waldhauser, các nghị sĩ Mỹ cho biết đã đọc được thông tin chính quyền Djibouti chiếm quyền kiểm soát cảng Doraleh từ Công ty DP World, trụ sở tại Dubai, để "làm quà tặng" cho Trung Quốc. Theo tướng Waldhauser, nếu Bắc Kinh đặt ra giới hạn đối với việc sử dụng cảng Doraleh, nó có thể ảnh hưởng đến hoạt động tiếp tế cho căn cứ Mỹ ở Djibouti và khả năng tiếp liệu của tàu hải quân Mỹ ở đó. Điều đáng nói là Bắc Kinh đã xây một căn cứ quân sự chỉ cách căn cứ của Mỹ vài km.

Hoàng Phương

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo