xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nỗ lực đối phó khủng hoảng lương thực

ANH THƯ

Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc cho biết chỉ số giá lương thực tháng 3-2022 đạt trung bình 159,3 điểm, tăng 12,6% so với tháng 2, cao nhất từ khi chỉ số này ra đời vào năm 1990

Tại phiên họp lần thứ 169 của Hội đồng Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) diễn ra vào tuần thứ 2 của tháng 4, Tổng Giám đốc FAO Qu Dongyu cảnh báo rằng xung đột Nga - Ukraine sẽ tác động đến người tiêu dùng trên toàn thế giới khi giá lương thực, năng lượng và phân bón tăng. Tuy nhiên, một cuộc khủng hoảng lương thực quy mô toàn cầu vẫn có thể được ngăn chặn.

Tác động dần lan rộng

FAO cho biết Nga và Ukraine cung cấp gần 30% tổng lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu, 20% đối với ngô và 80% với hướng dương, cùng nhiều nông sản thiết yếu khác. Theo hãng tin AP, gián đoạn nguồn cung từ 2 nước này đẩy giá ngũ cốc lên 17,1%. Giá dầu hướng dương tăng cao nhất với mức 23,2%.

Nga, Ukraine và Belarus cũng là những nhà sản xuất phân bón hàng đầu thế giới. Phân bón tăng giá buộc nông dân tiết kiệm, làm giảm năng suất và gia tăng chi phí đầu vào, tiếp tục đẩy giá lương thực leo thang.

Báo The Guardian (Anh) trích dẫn cảnh báo của Liên minh Quốc tế Oxfam: Giá lương thực và năng lượng tăng có thể đẩy 250 triệu người khắp thế giới vào cảnh nghèo cùng cực khi chồng chất lên những thiệt hại kinh tế chưa kịp phục hồi do đại dịch Covid-19.

Tờ Arab News gọi xung đột Nga - Ukraine là "cơn bão hoàn hảo" và cho biết các nước Ả Rập, đặc biệt là Ai Cập, Lebanon, Syria, Libya và Tunisia - phụ thuộc nhiều vào ngũ cốc nhập khẩu từ Nga và Ukraine với mức nhập khẩu lên tới 60% - điêu đứng khi giá lúa mì tăng 55% so với 1 tuần trước lúc Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào ngày 24-2.

Nỗ lực đối phó khủng hoảng lương thực - Ảnh 1.

Công nhân nông trường địa phương Vladimir tạm nghỉ việc cày ruộng gần làng Yakovlivka (Ukraine) vào ngày 5-4, sau một cuộc không kích bên ngoài KharkivẢnh: REUTERS

Bằng mọi giá duy trì nguồn cung

Trong một bài viết, Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới, ông David Malpass đánh giá rằng trong vòng vài tuần, số quốc gia áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu lương thực đã tăng 25%, nâng tổng số quốc gia thực hiện hạn chế lên 35. Vào cuối tháng 3, có 53 biện pháp, chính sách mới ảnh hưởng đến xuất khẩu lương thực đã được áp dụng.

"Lịch sử cho thấy các biện pháp này sẽ phản tác dụng theo những cách tồi tệ nhất. Hơn một thập kỷ trước, những điều này đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, khiến giá lúa mì tăng 30%" - ông Malpass nhận định.

FAO cũng đề cập cuộc khủng hoảng lương thực đó - năm 2008 - và nhấn mạnh cần tránh lặp lại sai lầm, không để gián đoạn chuỗi cung ứng, không nên hạn chế hoặc đánh thuế hoạt động xuất khẩu lương thực.

FAO đề xuất cụ thể 4 nhóm giải pháp. Một là, thực hiện nhanh các bản đồ đất chi tiết, hỗ trợ các nước dễ bị tổn thương nhất sử dụng phân bón hiệu quả. Hai là, có kế hoạch bảo trợ xã hội hiệu quả và đúng mục tiêu. Ba là, cải thiện các biện pháp an toàn sinh học ở các nước láng giềng của Ukraine để giảm sự lây lan của dịch tả heo châu Phi và các bệnh từ động vật khác. Bốn là, tăng cường minh bạch thị trường và các chính sách đối thoại nhằm giảm thiểu sự gián đoạn của chuỗi cung ứng, bảo đảm dòng chảy thông suốt của thương mại thực phẩm và nông sản toàn cầu. 

Nhiều lãnh đạo châu Âu đến Ukraine

Các nhà lãnh đạo của Ba Lan và 3 nước Baltic ngày 13-4 gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại thủ đô Kiev để thể hiện sự ủng hộ đối với người dân nước này. Theo Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda, những vấn đề liên quan đến "hậu thuẫn chính trị và viện trợ quân sự" dành cho Ukraine cũng được thảo luận.

Chuyến thăm còn có sự tham gia của Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, Tổng thống Latvia Egils Levits và Tổng thống Estonia Alar Karis. Họ là những chính trị gia châu Âu mới nhất viếng thăm Kiev kể từ khi các lực lượng Nga bị đẩy lui khỏi miền Bắc Ukraine vào đầu tháng này. Họ đến Kiev một ngày sau khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine sẽ tiếp diễn cho đến khi Moscow hoàn thành những mục tiêu đã đề ra.

Tổng thống Putin đồng thời nhấn mạnh Moscow triển khai chiến dịch quân sự vì "không còn lựa chọn nào khác" để bảo vệ người dân ở các khu vực miền Đông Ukraine và "bảo đảm an ninh cho chính nước Nga". Ông chủ Điện Kremlin nhấn mạnh chiến dịch quân sự vẫn đang diễn ra theo đúng kế hoạch và thời hạn kết thúc phụ thuộc vào cường độ của các trận đánh.

Tổng thống Putin đồng thời tuyên bố phương Tây sẽ thất bại trong nỗ lực cô lập kinh tế Nga và quốc gia của ông đã đứng vững trước các biện pháp trừng phạt. Tổng thống Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine ngày 24-2 để thực hiện điều ông diễn tả là "phi quân sự hóa" và "phi phát xít hóa" Ukraine.

Cao Lực

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo