Anh hùng đời thường
Trong vụ bắt con tin ở cửa hàng Do Thái tại phía Đông Paris hôm 9-1, một nhân viên 22 tuổi tên Yohan Cohen đã hy sinh khi cố chộp lấy súng của nghi phạm Amedy Coulibaly. Tên này cầm theo 2 khẩu súng trường Kalashnikov nhưng 1 khẩu kẹt đạn nên hắn vứt lên quầy. Cohen thừa lúc Coulibaly không để ý đã chạy tới chộp khẩu súng, hướng về phía hắn và bóp cò. Không may, khẩu súng không hoạt động và Cohen lập tức bị bắn chết. Yonaten, em họ Cohen, nói với trang tin Ynet News (Israel) rằng kẻ bắt cóc dọa giết một đứa bé 3 tuổi nên Cohen liều mình hành động. Một nhân viên khác của cửa hàng là Lassana Bathily, 24 tuổi, theo đạo Hồi, đã dẫn 6 khách hàng nấp vào kho lạnh. Bathily lẽ ra có thể trốn thoát theo ngả thang máy vận chuyển hàng hóa nhưng anh đã ở lại để giúp những người còn mắc kẹt trong cửa hàng.
Báo Telegraph (Anh) tiết lộ Coulibaly thiệt mạng sau khi trúng 40 viên đạn của cảnh sát. Ban đầu, cảnh sát định bắt sống hắn nhưng sau đó đổi kế hoạch do nhận thấy Coulibaly có ý định liều chết. Ngoài bắn chết 4 con tin và 1 nữ cảnh sát, theo các công tố viên Pháp hôm 11-1, Coulibaly có liên quan đến vụ bắn bị thương một người đi bộ ở miền Nam nước Pháp - chỉ vài giờ sau vụ thảm sát ở tòa soạn Charlie Hebdo. Trong đoạn video công bố cùng ngày 11-1, Coulibaly tuyên thệ trung thành với nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS). Ngoài ra, hắn còn nói đã hợp tác với anh em Cherif và Said Kouachi - nghi phạm trong vụ thảm sát Charle Hebdo.
Cũng trong ngày 11-1, nguồn tin cấp cao Yemen lần đầu xác nhận anh em Kouachi đã được huấn luyện sử dụng vũ khí tại nước này. “Họ đến Oman ngày 25-7-2011 rồi từ đó đến Yemen và ở lại trong 2 tuần... Bọn họ đã gặp giáo sĩ Anwar al-Awlaki (của Al-Qaeda) rồi được huấn luyện tại sa mạc Marib” - một quan chức cấp cao Yemen nói với Reuters.
Phạm Nghĩa
Vắng mặt gây tranh cãi
Nhà Trắng hôm 12-1 vẫn chưa giải thích sự vắng mặt của Tổng thống Mỹ Barack Obama tại cuộc tuần hành diễn ra ở Paris - Pháp một ngày trước đó. Hơn 40 nhà lãnh đạo thế giới khoác chặt tay, dẫn đầu hơn 3,7 triệu người trong nỗ lực chống chủ nghĩa khủng bố. Nhưng thay mặt Washington chỉ là sự xuất hiện của Đại sứ Mỹ tại Pháp Jane Hartley.
Lúc đó, Tổng thống Obama ở Nhà Trắng. Phó Tổng thống Joe Biden về nhà ở bang Delaware, theo trang Politico. Hai ông đều không có lịch trình đặc biệt. Ngoại trưởng John Kerry đang thăm Ấn Độ. Quan chức cấp cao nhất của Mỹ có mặt ở Paris là Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder. Ông dự một hội nghị chống khủng bố nhưng cũng không tham gia tuần hành. “Đó là sai lầm nghiêm trọng. Chúng ta kêu gọi các nước gửi quân đến Afghanistan và Syria… vậy thì ít nhất cũng phải có ai đó dễ nhận ra đến Paris, để người ta nhìn vào và nói: “Đó là Mỹ!” - Thượng nghị sĩ Pete King nói. Không chỉ báo chí và giới chính trị gia, một người dân tên Tim Green, 43 tuổi, chỉ trích khi tham gia lễ tưởng niệm tại TP New York tối 11-1: “Thật xấu hổ khi ông Obama hay ông Biden không đến Pháp. Tôi hy vọng người Pháp hiểu rằng nhân dân Mỹ đứng bên họ, cho dù tổng thống của chúng tôi không thể hiện điều đó”.
Nhiều tờ báo Mỹ phỏng đoán lo ngại về an ninh là nguyên nhân của sự vắng mặt trên. Politico cho hay về nguyên tắc chung, Mật vụ Mỹ không để ông Obama hay ông Biden có mặt ở những sự kiện công cộng chưa được bảo đảm an toàn tuyệt đối. Sau cuộc diễu hành, một cố vấn Nhà Trắng nhấn mạnh trong thông cáo gửi cho truyền thông: “Đại sứ Hartley đã ở đó”. Cũng theo người này, ông Obama đã nhiều lần phát biểu ủng hộ nước Pháp cũng như gọi điện cho Tổng thống Francois Hollande và thăm đại sứ quán Pháp tại Washington để chia buồn. “Ngoài những hành động đó, chính phủ Mỹ đang ủng hộ Pháp ở nhiều cấp độ. Nhà Trắng và các cơ quan tương đương giữa 2 bên (Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, tình báo…) giữ liên lạc từng phút một” - vị cố vấn nói.
Báo The Wall Street Journal dẫn lời một quan chức cấp cao khác của Mỹ nói sự xuất hiện của tổng thống hoặc phó tổng thống Mỹ có thể gây khó khăn về an ninh. “Sự kiện đó không phải về chúng tôi” - quan chức này nói. Giữa làn sóng chỉ trích, ông Kerry trả lời báo giới khi đang ở Ấn Độ: “Tôi sẽ thăm Pháp vào ngày 15-1”.
Mỹ Nhung