xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

QZ8501 vỡ khi chạm mặt biển?

Hoàng Phương

Mật độ đông đúc máy bay trên bầu trời Đông Nam Á gây sức ép không nhỏ lên các trạm kiểm soát không lưu và phi công

Hai thi thể nạn nhân đầu tiên của vụ rơi máy bay AirAsia QZ8501 được đưa về TP Surabaya - Indonesia hôm 31-12 giữa lúc chiến dịch tìm kiếm gặp khó khăn do thời tiết xấu. Đây là 2 trong số 7 thi thể được vớt lên cho đến giờ. Năm thi thể còn lại vẫn nằm trên boong tàu ngoài biển. Giới chức Surabaya đã chuẩn bị 130 xe cứu thương để đưa các thi thể đến bệnh viện cũng như thu thập ADN của người thân họ.

Chưa tìm thấy 2 hộp đen

Theo ông Bambang Soelistyo, Giám đốc Cơ quan tìm kiếm cứu nạn quốc gia Indonesia (Basarnas), 4 thi thể được tìm thấy hôm 31-12  gồm 3 nam và 1 nữ, trong đó người nữ mặc trang phục tiếp viên. Ngoài ra, ông Sunarbowo Sandi, người điều phối hoạt động cứu hộ, cho biết sóng lớn đẩy các thi thể ở khu vực tìm kiếm về hướng Đông và các tàu đã được triển khai tới bờ biển Kalimantan để thu thập.

Thiếu tướng Tatang Zaenuddin, Phó Giám đốc Basarnas, khẳng định chưa có thi thể nạn nhân nào mặc áo phao cứu sinh. “Một thi thể nam được tìm thấy với chiếc áo phao gần đó nhưng anh ta không mặc nó” - ông nói. Trước đó, Reuters dẫn lời ông Zaenuddin cho biết tìm thấy 1 nạn nhân mặc áo phao, dẫn đến phỏng đoán 162 người có thể có chút thời gian trước khi máy bay chạm mặt biển hoặc chìm hẳn.

 

Ba thi thể nạn nhân trên tàu chiến Bung Tomo hôm 31-12    Ảnh: REUTERS
Ba thi thể nạn nhân trên tàu chiến Bung Tomo hôm 31-12 Ảnh: REUTERS

 

Theo ông Soelistyo, Basarnas vẫn chưa xác minh được những hình ảnh chụp đáy biển từ sóng siêu âm có phải là phần thân chính của máy bay hay không. Đây là phản hồi sau khi báo Wall Street Journal dẫn lời  ông Basarnas nói QZ8501 có thể nằm lộn ngược dưới đáy biển Java. Hai hộp đen vẫn chưa tìm thấy.

Trong lúc chiến dịch tìm kiếm có thể mất nhiều tuần, các nhà điều tra bắt đầu tìm hiểu nguyên nhân khiến máy bay gặp nạn. Một trong những yếu tố được quan tâm nhiều là liệu phi hành đoàn có quá chậm trong việc xin phép bay lên cao hơn để tránh thời tiết xấu. “Chúng tôi biết khi đó thời tiết rất xấu, đang có bão. Tại sao phi công không yêu cầu tăng độ cao sớm hơn? Có những máy bay khác đang bay cao hơn ở khu vực đó. Hai phi công phản ứng với thời tiết như thế nào? Đó là những điều chúng tôi muốn biết” - một quan chức Indonesia giấu tên nói với Reuters.

“Không nổ trên không”

Các chuyên gia nhận định ít có khả năng QZ8501 nổ giữa không trung, thay vào đó máy bay bị vỡ khi chạm mặt biển và chìm xuống đáy. Cựu phi công Mỹ John Cox nói: “Việc tìm thấy cửa máy bay và thông tin về phần lớn máy bay nằm dưới đáy biển là những dấu hiệu - chưa phải bằng chứng - cho thấy máy bay còn nguyên trước khi lao xuống biển. Nếu cánh, mũi và đuôi máy bay đều được phát hiện cùng một nơi thì có thể chắc chắn điều này”. Ông Jacques Astre, Chủ tịch Công ty Tư vấn hàng không International Aviation Safety Solution, nhận định: “Các mảnh vỡ được tìm thấy ở khu vực tương đối hẹp cho thấy máy bay có thể bị vỡ khi chạm mặt biển chứ không nổ trên không. Vị trí tìm thấy mảnh vỡ gần nơi liên lạc cuối cùng của máy bay cho thấy nó đã lao xuống biển rất nhanh”.

 

Hai thi thể nạn nhân đầu tiên được đưa đến TP Surabaya hôm 31-12-2014
Ảnh: EPA
Hai thi thể nạn nhân đầu tiên được đưa đến TP Surabaya hôm 31-12-2014 Ảnh: EPA

 

Số phận bi thảm của QZ8501 cũng khiến người ta quan tâm hơn đến mật độ đông đúc của máy bay trên bầu trời Đông Nam Á, xuất phát từ sự mở rộng của các hãng hàng không và nhu cầu đi lại. Theo Reuters, sự bùng nổ này gây sức ép lên các trạm kiểm soát không lưu và phi công tại khu vực. Phi công trên tuyến Indonesia - Singapore cho biết yêu cầu tăng độ cao để tránh thời tiết xấu thường bị trì hoãn hoặc bác bỏ do số lượng máy bay đông đúc. Điều này buộc họ phải hành động đơn phương đầy rủi ro khi gặp trường hợp khẩn cấp - điều có thể đã xảy ra với phi công của QZ8501.

Theo ông Brendan Sobie, một nhà phân tích tại Trung tâm Hàng không CAPA (Úc), hiện có khoảng 1.600 máy bay đang hoạt động tại Đông Nam Á. “Sự tăng trưởng sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới” - ông nói. Các chuyên gia tính toán cứ mỗi máy bay mới, hãng hàng không phải thuê và đào tạo ít nhất 10-12 phi công. Hãng Boeing ước tính châu Á - Thái Bình Dương cần thêm 216.000 phi công mới trong 20 năm tới, chiếm 40% nhu cầu toàn cầu. “Chúng ta đang chứng kiến sự thiếu thốn về cơ sở hạ tầng, sân bay cũng như phi công bởi không ai ngờ hàng không giá rẻ lại có thể phát triển nhanh và sinh lợi nhiều như hiện nay” -  ông Shukor Yusof, người sáng lập Công ty Nghiên cứu hàng không Endau Analytics (Malaysia), lo ngại.

 

Việt Nam chia buồn sâu sắc

Ngày 31-12, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gửi điện chia buồn tới Tổng thống Indonesia Joko Widodo về bi kịch chuyến bay QZ8501 của hãng hàng không AirAsia.

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết: “Chúng tôi gửi đến chính phủ, nhân dân các nước có hành khách trên chuyến bay và gia đình người bị nạn lời chia buồn sâu sắc và hy vọng những nỗ lực cứu hộ, cứu nạn sẽ sớm tìm thấy những nạn nhân còn mất tích”. D.Ngọc

 

Không chỉ nói suông

Ngay khi giới chức Indonesia thông báo tìm thấy mảnh vỡ của chiếc máy bay xấu số hôm 30-12, Giám đốc điều hành (CEO) Tony Fernandes của hãng hàng không AirAsia đã đến thăm hỏi gia đình nạn nhân và động viên nhân viên. Ông cũng viết lời xin lỗi trên mạng xã hội Twitter: “Tôi vô cùng đau buồn trước sự mất mát của các gia đình có người thân trên chuyến bay QZ8501. Thay mặt AirAsia, tôi gửi lời chia buồn đến tất cả. Không từ ngữ nào có thể diễn tả hết lời xin lỗi của tôi”.

Mạng xã hội đã trở thành công cụ mạnh mẽ giúp tỉ phú này ngăn chặn thảm kịch QZ8501 trở nên tồi tệ thêm. Chỉ trong 3 ngày, ông Fernandes có ít nhất 17 chia sẻ trên  Twitter liên quan đến QZ8501. Ông cũng chứng minh lời nói đi đôi với hành động khi vội vã đến TP Surabaya - Indonesia hôm 28-12 ngay sau khi máy bay mất tích.

Hành động của ông Fernandes được đánh giá cao hơn CEO hãng hàng không Malaysia Airlines, ông Ahmad Jauhari Yahya. Khi chiếc máy bay MH370 bị mất tích hồi tháng 3-2014, ông Yahya cùng giới lãnh đạo công ty bị chỉ trích vì chậm trễ thông tin và sau đó lại công bố những chi tiết mâu thuẫn.

Xuân Mai

 

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo