xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thủ tướng Angela Merkel và Việt Nam

Dương Ngọc

Thủ tướng Angela Merkel sắp rời chính trường sau 16 năm lèo lái "con thuyền" nước Đức một cách bình tĩnh, ổn định qua những đợt khủng hoảng toàn cầu.

Với Việt Nam, giai đoạn nữ Thủ tướng đầu tiên của nước Đức cầm quyền ghi dấu sự phát triển mạnh mẽ trong quan hệ hai nước

Tuyên bố Hà Nội về việc thiết lập Đối tác chiến lược Việt Nam - Đức được ký ngày 11-10-2011 nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Đức Angela Merkel là dấu mốc quan trọng định hình quan hệ Việt Nam - Đức phát triển mạnh mẽ trong gần 10 năm trở lại đây.

Cảm nhận "sự năng động không tưởng tượng nổi"

Nhiều cơ chế hợp tác như cuộc họp Nhóm Điều hành chiến lược, Đối thoại cấp cao về kinh tế, Tham vấn Chính phủ về hợp tác phát triển, Đối thoại về nhà nước pháp quyền, Ủy ban Hợp tác khoa học - công nghệ... đã được kích hoạt và mở rộng, bảo đảm tính hiệu quả và chất lượng của mọi mặt hợp tác.

Sau khi Thủ tướng Angela Merkel cùng nhiều tập đoàn hàng đầu Đức dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt - Đức ngày 12-10-2011 ở TP HCM, hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại giữa hai nước được đẩy mạnh sôi động hơn. Nhờ đó, kim ngạch thương mại hai nước kể từ năm 2010 đến nay đã tăng gấp đôi, đạt hơn 10 tỉ USD với mức tăng trung bình trên 10 %/năm.

Thủ tướng Angela Merkel và Việt Nam - Ảnh 1.

Thủ tướng Angela Merkel tiếp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Đức và dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 vào tháng 7-2017 ở Hamburg .Ảnh: TTXVN

Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu, chiếm 19% xuất khẩu của Việt Nam sang EU (bằng cả Anh và Pháp cộng lại); và cũng là cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hóa Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu.

Là nước đứng thứ 18 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, hiện hơn 300 doanh nghiệp Đức đang triển khai 361 dự án hợp tác trong các lĩnh vực cơ khí, chế tạo máy, logistics, hóa chất, năng lượng tái tạo… với tổng vốn đầu tư hơn 2 tỉ USD. Ở chiều ngược lại, đến nay Việt Nam đã có 35 dự án đầu tư vào Đức với trị giá hơn 250 triệu USD trong các lĩnh vực tài chính - ngân hàng, tin học, nhà hàng, khách sạn...

Thủ tướng Angela Merkel khẳng định rằng ở Việt Nam, bà có thể cảm nhận một sự năng động không tưởng tượng nổi. Bà cũng cho rằng với việc bắt đầu những cải cách kinh tế thị trường, Việt Nam đã bước vào con đường khó khăn để hiện đại hóa và bà muốn cổ vũ Chính phủ Việt Nam tiếp tục đi theo con đường mở cửa và tự do hóa đã được mở ra (phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt - Đức năm 2011 được Thông tấn xã Đức German News Agency DPA ghi lại).

Trong nhiều năm, Chính phủ của bà Merkel đã ủng hộ EU sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, sớm khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU nhằm tăng cường trao đổi kinh tế, thương mại giữa hai nước. Hiện nay, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) đi vào triển khai, hứa hẹn sẽ tạo ra những cơ hội mới to lớn cho doanh nghiệp hai nước về trao đổi thương mại và đầu tư.

Sự ủng hộ quý báu

Trong chuyến thăm Việt Nam, Thủ tướng Đức đã trao đổi về hợp tác nhiều mặt, xoay quanh Tuyên bố chung. "Việt Nam đã qua một chặng đường phát triển rất ấn tượng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là phát triển trong tương lai, làm sao phải tạo được nhiều công ăn việc làm, tạo được đội ngũ lao động có trình độ cao" - bà Merkel nói.

Trong 3 thập niên trở lại đây, với nguồn ODA trị giá hơn 2 tỉ USD, Đức luôn đồng hành với công cuộc phát triển của Việt Nam thông qua các chương trình hợp tác lớn như cải cách kinh tế, xây dựng chiến lược tăng trưởng xanh, đào tạo nghề, luật pháp…

"Những bài học chia sẻ kinh nghiệm về mô hình phát triển, khai thác năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường, hệ thống đào tạo nghề song hành nổi tiếng thế giới của Đức… là hành trang quý giá góp phần giúp Việt Nam hoàn thiện các cơ chế chính sách, phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn thiên nhiên và đào tạo nguồn nhân lực…, từ đó góp phần hỗ trợ Việt Nam hoàn thành trước thời hạn những mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và đang tiến tới các mục tiêu phát triển bền vững"- Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá.

Thủ tướng Angela Merkel và Việt Nam - Ảnh 2.

Thủ tướng Angela Merkel đến dự lễ động thổ Nhà máy Sản xuất thiết bị y khoa B.Braun ở Khu Công nghiệp Thanh Oai (TP Hà Nội) trong chuyến thăm Việt Nam năm 2011 .Ảnh: TTXVN

Năm 2017, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Đức và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại TP Hamburg từ ngày 5 đến ngày 8-7 trong năm Đức làm Chủ tịch. Báo chí Đức khi đó nhấn mạnh đến việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham gia hội nghị mặc dù Việt Nam không nằm trong G20.

Với tư cách là chủ nhà APEC 2017, Việt Nam được mời tham dự các hội nghị và cuộc họp trong khuôn khổ G20 với đại diện 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới, tham gia thảo luận tại tất cả phiên họp của Hội nghị Thượng đỉnh và đóng góp ý kiến cho dự thảo Tuyên bố chung của hội nghị. Những hoạt động này đã truyền thông điệp về đất nước Việt Nam phát triển năng động, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. 

Đến cuối tháng 9-2021, Chính phủ Đức đã viện trợ Việt Nam 3,45 triệu liều vắc-xin AstraZeneca để hỗ trợ Việt Nam chống dịch Covid-19. Trước đó, Chính phủ Đức cũng đã thông báo tặng Việt Nam lô trang thiết bị y tế gồm 75 máy thở, 15 màn hình điều trị bệnh và 20.000 máy đo nồng độ ôxy.

Trong điện đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính gần đây, Thủ tướng Angela Merkel đánh giá cao tinh thần đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau của hai nước trong đại dịch, khẳng định chủ trương tăng cường hợp tác với Việt Nam trong phòng chống Covid-19 đồng thời vui vẻ nhận lời sang thăm Việt Nam.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo