Tiền chưa chắc mua được an toàn

16 Tháng 02, 2019 | 03:00

Dự án Chi phí chiến tranh của Trường ĐH Brown (Mỹ) ước tính Washington chi khoảng 5.900 tỉ USD cho cuộc chiến chống khủng bố trong giai đoạn từ năm tài chính 2001 đến 2019.

Con số này gồm hơn 2.000 tỉ USD cho các chiến dịch ở nước ngoài, 924 tỉ USD cho an ninh nội địa và 353 tỉ USD phí chăm sóc y tế cho binh sĩ Mỹ làm nhiệm vụ tại các vùng xung đột ở nước ngoài.

Tất nhiên, cuộc chiến chống khủng bố không hồi kết cũng khiến lực lượng vũ trang Mỹ bị dàn mỏng. Binh sĩ nước này đang hoạt động tại 40% số quốc gia trên thế giới và phụ trách 65 chương trình huấn luyện an ninh riêng biệt tại nhiều nước, dẫn đến nỗi lo về năng lực sẵn sàng chiến đấu.

Tiền chưa chắc mua được an toàn - Ảnh 1.

Quân đội Mỹ đang hoạt động tại 40% quốc gia trên thế giới Ảnh: THE NATIONAL INTEREST

Washington đang triển khai quân nhân, chuyên gia huấn luyện và cố vấn quân sự tới quá nhiều nơi đến nỗi ngay cả các nghị sĩ trong nước cũng không nắm rõ quân đội được sử dụng như thế nào, đang làm gì và hoạt động ở đâu. Thực tế là sau vụ 4 lính đặc nhiệm Mỹ bị sát hại bởi một nhóm có liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng gần biên giới Niger - Mali gần đây, không ít nghị sĩ bất ngờ về chuyện binh sĩ Mỹ có mặt ở Niger.

Khoản tiền 5.900 tỉ USD nói trên lẽ ra phải "mua" được cho người Mỹ mức độ an ninh kha khá. Tuy nhiên, một cuộc khảo sát của Viện Charles Koch/trang RealClearDefense (Mỹ) hồi năm 2017 cho thấy 43% người dân và 41% cựu chiến binh đánh giá chính sách đối ngoại của Washington trong 20 năm qua khiến nước này trở nên kém an toàn hơn.

Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), số lượng tay súng thánh chiến Salafi đã tăng 270% kể từ năm 2001. Năm 2018, có 67 nhóm thánh chiến hoạt động khắp thế giới, tăng 180% kể từ năm 2001. Số lượng tay súng tham gia các nhóm này có thể lên đến 280.000 người, mức cao nhất trong 40 năm qua. Điều trớ trêu là nhiều tay súng trong số này đang hoạt động ở các quốc gia từng bị Mỹ can thiệp quân sự hoặc ném bom trong 17 năm qua - Iraq, Afghanistan và Libya.

Tất cả điều này dẫn đến thắc mắc: Chiến lược chống khủng bố của Washington có cải thiện an ninh cho người Mỹ như mong muốn hay chỉ tạo ra nhiều phần tử khủng bố hơn so với con số bị tiêu diệt, "đốt" tiền thuế của người dân và khiến nguồn lực của quân đội Mỹ thêm căng thẳng. Chúng ta sẽ chỉ biết được câu trả lời khi Tổng thống Donald Trump ra lệnh đánh giá chính sách hiện tại một cách trung thực và toàn diện.

Daniel DePetris, chuyên gia tổ chức chính sách đối ngoại Defense Priorities (Mỹ)

Viết bình luận

CHUYÊN TRANG PHỤ NỮ

Email: phunu@nld.com.vn

NHẬN EMAIL MỚI HÀNG NGÀY

Đăng ký nhận tin mỗi ngày từ chuyên phụ nữ

Giấy phép số 115/GP- BTTTT cấp ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Tổng Biên tập: TÔ ĐÌNH TUÂN
Địa chỉ: 123 - 127 Võ Văn Tần, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3 - TPHCM, Điện thoại: 028-3930.6262 / 028-3930.5376, Fax: 028-3930.4707. Email: toasoan@nld.com.vn
Bản quyền thuộc về Báo Người Lao Động. Các website khác đã được chúng tôi đồng ý cho khai thác thông tin, khi đăng lại phải ghi rõ nguồn: Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn).