xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tổng thống Donald Trump vẫn nương tay với Trung Quốc?

Hoàng Phương

Các thị trường tài chính thở phào nhẹ nhõm khi Tổng thống Mỹ không công bố những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn nữa nhằm vào Bắc Kinh

Quan hệ Mỹ - Trung Quốc đang hướng tới bước ngoặt xấu hơn sau khi Tổng thống Donald Trump thông báo một loạt biện pháp nhằm buộc Bắc Kinh phải trả giá vì thay đổi hiện trạng Hồng Kông thông qua dự luật an ninh quốc gia gây tranh cãi.

Các bước đi liên quan đến rút lại các ưu đãi đặc biệt dành cho đặc khu hành chính này không gây nhiều ngạc nhiên. Tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng hôm 29-5, ông Trump cho biết Mỹ sẽ bắt đầu hành động để hủy bỏ các ưu đãi về hải quan và đi lại mà đặc khu này đang được hưởng - điều này về cơ bản đồng nghĩa Washington sẽ đối xử với Hồng Kông tương tự Trung Quốc đại lục. Ông Trump không đề cập chi tiết bất kỳ mục tiêu trừng phạt tiềm tàng nào nhưng nói sự thay đổi chính sách sẽ ảnh hưởng đến một loạt thỏa thuận giữa Mỹ và Hồng Kông, từ dẫn độ cho đến kiểm soát xuất khẩu.

Tổng thống Donald Trump vẫn nương tay với Trung Quốc? - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng hôm 29-5 Ảnh: REUTERS

Ông chủ Nhà Trắng tuyên bố Mỹ sẽ trừng phạt các quan chức ở Trung Quốc và Hồng Kông "liên quan trực tiếp đến việc làm xói mòn sự tự trị của Hồng Kông". Cũng nhằm gây áp lực lên Bắc Kinh, nhà lãnh đạo Mỹ còn ra lệnh mở cuộc điều tra nhằm vào hành vi của các công ty Trung Quốc niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ. Chưa hết, ông còn ra lệnh cấm nhập cảnh đối với những du học sinh Trung Quốc bị Washington xem là mối đe dọa an ninh tiềm tàng. Dù vậy, nhà lãnh đạo Mỹ không cho biết những bước đi nói trên được tiến hành khi nào và theo thứ tự ra sao.

Theo đài CNBC, các thị trường tài chính có phản ứng tích cực với thông báo của ông Donald Trump, qua đó phản ánh sự nhẹ nhõm khi ông không công bố những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn nữa, như đánh thêm thuế lên hàng hóa Trung Quốc hoặc rút khỏi thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Bắc Kinh. Dù vậy, ông Harry Kazianis, Giám đốc Trung tâm Vì lợi ích quốc gia (Mỹ), nhận định nhà lãnh đạo Mỹ dường như muốn xem Bắc Kinh là một đối thủ kiểu chiến tranh lạnh mà Washington phải thách thức và kiềm chế các hành động của nước này. Theo chuyên gia này, một cuộc đối đầu Mỹ - Trung như thế có thể định hướng chính sách đối ngoại của Washington trong thập kỷ tới hoặc sau đó.

Ông Trump đưa ra lời đe dọa mới nhất nói trên vài ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo xác nhận với quốc hội rằng Hồng Kông không còn được hưởng quyền tự trị từ Trung Quốc nên không đủ điều kiện để được hưởng quy chế ưu đãi đặc biệt theo luật pháp Mỹ. Nhờ quy chế này, hàng xuất khẩu từ Hồng Kông sang Mỹ không bị đánh thuế như hàng hóa Trung Quốc khi hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này phát động chiến tranh thương mại.

Phản ứng trước động thái của Tổng thống Mỹ, bà Teresa Chang, lãnh đạo Cơ quan Tư pháp Hồng Kông, hôm 30-5 cho rằng việc nói đặc khu này đang mất quyền tự trị là "hoàn toàn sai lầm". Trong khi đó, ông John Lee, người đứng đầu lực lượng an ninh Hồng Kông, nói chính quyền đặc khu không thể bị đe dọa và sẽ thúc đẩy các đạo luật mới. Truyền thông nhà nước Trung Quốc cùng ngày cảnh báo hành động can thiệp của Mỹ vào chuyện nội bộ nước này sẽ chỉ chuốc lấy thất bại. Bắc Kinh chưa nói rõ sẽ có biện pháp gì để trả đũa Washington như cảnh báo đưa ra trước đó. Ngoài ra, chưa rõ quyết định của ông Trump sẽ tác động ra sao đến hơn 1.300 công ty Mỹ đang hoạt động ở Hồng Kông hoặc vị thế trung tâm tài chính hàng đầu châu Á của đặc khu này. 

Mỹ chấm dứt quan hệ với WHO

Tại cuộc họp báo hôm 29-5, Tổng thống Donald Trump còn có một thông báo gây chú ý khác, theo đó Mỹ sẽ chấm dứt quan hệ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và chấm dứt tài trợ cho cơ quan thuộc Liên Hiệp Quốc này. Theo giới chuyên gia, việc Mỹ rút khỏi WHO sẽ là đòn giáng mạnh lên sự hợp tác quốc tế cần thiết để chống lại dịch Covid-19. "Trong 30 năm làm việc tại WHO, tôi chưa bao giờ chứng kiến tổ chức bị tấn công như vậy. Trong khi Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đang tìm cách đoàn kết thế giới thì Tổng thống Donald Trump lại phá hủy" - ông Lawrence Gostin, Giám đốc trung tâm hợp tác về luật y tế quốc gia và toàn cầu của WHO, nói với báo The Straits Times.

Một số chuyên gia cũng nhận định việc bước đi trên của Mỹ còn là hành động từ bỏ vai trò lãnh đạo, từ đó giảm ảnh hưởng đối với chính sách y tế toàn cầu và mất dần vai trò về tay Trung Quốc. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Y tế Thượng viện Mỹ Lamar Alexander cảnh báo quyết định của ông Trump đe dọa đến các cuộc thử nghiệm lâm sàng cần thiết để phát triển vắc-xin phòng Covid-19, cũng như cản trở sự phối hợp với các nước ngăn chặn các dịch bệnh khác xâm nhập nước Mỹ. Tổng thống Trump trước đó tuyên bố ngừng tài trợ cho WHO vì sai sót trong xử lý cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu, đồng thời cáo buộc cơ quan này bị Trung Quốc kiểm soát. Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng Trung Quốc phớt lờ nghĩa vụ báo cáo cho WHO và gây áp lực buộc cơ quan này lừa dối thế giới về dịch bệnh khiến hơn 6 triệu người nhiễm và 367.000 người thiệt mạng cho đến nay.

Xuân Mai

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo