Nga hoặc Trung Quốc chắc chắn là bài toán khó với ông Trump. Tuy nhiên, theo trang Politico, những kẻ thù nguy hiểm nhất của nhà lãnh đạo này lại đến từ chính bên trong chính quyền mới ở Washington. Khác với các vị tổng thống Mỹ thời hiện đại, ông Trump bước vào Nhà Trắng mà không có một chút kinh nghiệm chính trường nào cũng như không biết cách sử dụng các đòn bẩy của bên hành pháp để đạt được mục tiêu đề ra.
Kể từ khi nhậm chức hôm 20-1, gần như ngày nào ông Trump cũng phải đối mặt tình trạng rò rỉ thông tin về các quyết sách gây tranh cãi của mình. Đơn cử, truyền thông đã nhanh chóng tiết lộ bản dự thảo sắc lệnh, theo đó ra lệnh Cơ quan Tình báo trung ương (CIA) xem xét lại những phương thức thẩm vấn bị xem là tra tấn. Mới đây hơn, những chi tiết không hay ho trong các cuộc điện đàm giữa ông Trump với 2 nhà lãnh đạo Mexico và Úc bị rò rỉ cho giới truyền thông chỉ vài ngày sau đó. Không loại trừ khả năng trong số những nguồn tin có không ít quan chức Mỹ đang lo ngại hoặc muốn phản ứng đường lối ngoại giao phi truyền thống của ông Trump. Trong một diễn biến đáng chú ý, hơn 1.000 viên chức Bộ Ngoại giao đã ký tên vào Bản ghi nhớ công kích lệnh cấm người tị nạn từ một số quốc gia Hồi giáo vào Mỹ của ông Trump.
Ngoại giao phi ngoại giao
“Tổng thống Donald Trump đang nhanh chóng trở thành nhà ngoại giao phi ngoại giao và khó đoán định nhất thế giới” - đài CNN mô tả người đứng đầu nước Mỹ như vậy hôm 2-2.
Chỉ trong vòng 1 tuần, ông Trump gây xôn xao với thông tin cắt ngang điện đàm với Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull vì tức giận một thỏa thuận tiếp nhận người tị nạn và dọa đưa quân đội tới Mexico “xử lý bọn xấu” khi trao đổi với tổng thống nước láng giềng - dù cả 2 tin đều đã bị bác bỏ. Tối 2-2, tới lượt Israel chưng hửng khi chính quyền ông Trump đột nhiên đổi giọng: Cảnh báo hoạt động mới trong chương trình tái định cư ở Bờ Tây có thể cản trở tiến trình hòa bình với Palestine. Sau nhiều diễn biến ám chỉ sự ủng hộ dành cho Tel Aviv, tuyên bố mới nhất của Nhà Trắng có thể khiến chuyến thăm Washington của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sau 2 tuần nữa trở nên gập ghềnh hơn.
Làm các nhà lãnh đạo thế giới đau đầu có vẻ là đặc trưng phong cách ngoại giao của ông Trump, ít ra là đến lúc này. Thủ tướng Anh Theresa May sau khi trở thành nguyên thủ đầu tiên thăm Nhà Trắng trong nhiệm kỳ của ông Trump đã rơi vào cơn bão chỉ trích chính trị khi về nước. Nguyên nhân là do ông chủ nhà vừa tiễn bà không lâu hôm 27-1 đã ký ngay sắc lệnh hạn chế nhập cảnh đối với công dân 7 nước có đa số dân theo Hồi giáo. Sắc lệnh “giông tố” này cũng được cho là làm tăng nhiệt mối căng thẳng giữa ông Trump và Thủ tướng Đức A. Merkel, người bị nhà lãnh đạo Mỹ chê bai vì rộng cửa tiếp nhận người tị nạn.
“Tôi nghĩ chúng ta sẽ phải làm quen với điều này” - cựu Thủ tướng Úc Kevin Rudd nói với đài CNN, sau khi nhận xét kiểu ngoại giao của nhà lãnh đạo Mỹ “rất khác những người tiền nhiệm gần đây”. Theo CNN, ông Trump dường như nhìn ngoại giao qua lăng kính giao dịch kinh doanh, tức là phải có kẻ thắng - người thua và ngay cả các đồng minh cũng có thể lợi dụng Mỹ. “Khi các bạn nghe tin tôi có những cuộc điện đàm căng thẳng, đừng lo sợ. Chúng ta phải mạnh mẽ. Chúng ta đang bị mọi quốc gia trên thế giới lợi dụng. Điều này sẽ không xảy ra nữa” - tổng thống Mỹ quả quyết hôm 2-2.
Xây dựng hình ảnh cứng rắn trên trường quốc tế và đề cao triết lý “nước Mỹ trên hết” giúp ông Trump duy trì sự ủng hộ của khối cử tri đã đưa ông trở thành tổng thống. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng ông Trump đang tập trung vào từng mối quan hệ riêng lẻ mà chưa kết nối thành tầm nhìn chiến lược, trong đó các đồng minh giúp lan tỏa rộng hơn sức mạnh và ảnh hưởng của Mỹ. “Chúng ta có luật bất thành văn trong ngoại giao, đó là chỉ nên tranh cãi với bạn bè trong phòng kín, đừng phô bày bất đồng ra trước công chúng” - ông Nicholas Burns, nhà ngoại giao kỳ cựu từng giữ chức thứ trưởng ngoại giao Mỹ, chỉ ra. Theo ông Burns, làm khó đồng minh cũng chính là tự làm khó mình, đặc biệt là khi Mỹ còn cần đến họ ủng hộ chính sách hay thậm chí là đưa quân trợ chiến trong tương lai.
Mỹ Nhung