xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trung Quốc đối mặt pháp luật

HUỆ BÌNH

Một phán quyết chống lại Bắc Kinh sẽ làm sụp đổ mọi tuyên bố chủ quyền của nước này ở biển Đông

Không lâu sau khi Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế (PCA) tại The Hague - Hà Lan thông báo sẽ công bố phán quyết về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông vào ngày 12-7 tới, Bắc Kinh lên tiếng chỉ trích gay gắt.

Phán quyết được chờ đợi

Trong một tuyên bố khá dài ngày 30-6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cáo buộc việc Manila đơn phương đâm đơn kiện là hành động… coi thường luật pháp quốc tế. “Một lần nữa, tôi phải nhấn mạnh PCA không có quyền tài phán trong trường hợp này và không nên tổ chức các phiên điều trần hay đưa ra phán quyết” - ông Hồng nói.

Theo ông Hồng, Bắc Kinh không chấp nhận bất kỳ giải pháp nào của bên thứ ba về vấn đề lãnh thổ và tranh chấp đường biên giới hàng hải. Trong khi đó, Tân Hoa Xã một mực tố PCA là “tổ chức lạm dụng luật pháp”, đưa ra “rất nhiều phán quyết gây tranh cãi”. Hãng tin này còn khẳng định vụ kiện của Philippines chỉ làm vấn đề thêm trầm trọng.

Tại Manila, thư ký truyền thông của tổng thống Philippines, ông Herminio Coloma Jr, cho biết nước này “hy vọng phán quyết công bằng và hợp lý của PCA sẽ thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Anna Richey-Allen, lặp lại rằng Mỹ ủng hộ PCA và giải pháp hòa bình cho tranh chấp biển Đông, bao gồm sử dụng các cơ chế luật pháp quốc tế như PCA.


Ngư dân Philippines sửa chữa tàu đánh cá gần bãi cạn ScarboroughẢnh: REUTERS

Ngư dân Philippines sửa chữa tàu đánh cá gần bãi cạn ScarboroughẢnh: REUTERS

Tuy nhiên, giới chức Mỹ lo ngại Trung Quốc phản ứng trước phán quyết (dự đoán bất lợi cho Bắc Kinh) bằng cách lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Đông như từng làm ở biển Hoa Đông năm 2013 và tăng cường xây dựng, củng cố các đảo nhân tạo. Ngoài áp lực ngoại giao, Mỹ sẽ phản ứng trước hành động như vậy bằng cách tăng cường tuần tra tự do đi lại và hỗ trợ quốc phòng cho những nước Đông Nam Á.

Chính quyền Philippines khởi kiện Bắc Kinh về 15 vấn đề trên biển Đông vào tháng 1-2013. Đến tháng 10-2015, PCA tuyên bố họ có thẩm quyền xử vụ kiện và sẽ ra phán quyết về 7/15 vấn đề nêu trên, bao gồm các tuyên bố chủ quyền về các thực thể chìm dưới mặt nước biển và các bãi đá.

Các phiên điều trần bắt đầu từ tháng 11 cùng năm. Manila cho rằng các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), xâm phạm quyền khai thác tài nguyên và đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines.

Hai kịch bản

Một trong số 15 vấn đề Philippines nêu lên là “đường chín đoạn” do Trung Quốc tự vẽ trên biển Đông từ năm 1953, không chỉ lấn vào vùng biển của các nước Đông Nam Á mà còn “nuốt trọn” hàng trăm đảo, rạn san hô, ngư trường và các mỏ dầu, khí đốt.

“Đường chín đoạn” không nằm trong số 7 vấn đề mà PCA tuyên bố sẽ ra phán quyết song theo báo Nikkei (Nhật Bản), tòa cũng có thể sẽ “sờ” đến tính pháp lý của yêu sách chủ quyền tham lam nhất này của Trung Quốc. Cũng theo Nikkei, phán quyết ngày 12-7 sẽ là lời định đoạt bước đầu đối với chương trình xây đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc trên biển Đông.

Chia sẻ với hãng Reuters, ông Paul Reichler, luật sư chính của Philippines trong vụ kiện kéo dài 3 năm rưỡi qua, tỏ ra tin tưởng sẽ giành chiến thắng. Theo ông, một phán quyết chống lại Trung Quốc sẽ làm sụp đổ mọi tuyên bố chủ quyền của nước này ở biển Đông. “Nếu bác bỏ, Trung Quốc sẽ tự đưa mình ra ngoài vòng pháp luật bất chấp việc phán quyết này không mang tính ràng buộc” - ông Reichler nhấn mạnh. Là luật sư quốc tế người Mỹ nổi tiếng với việc đại diện cho các nước nhỏ đấu lại các cường quốc, ông Reichler cảnh báo “không một ai nên tính tới việc sử dụng vũ lực ở biển Đông”.

Trong bài viết “Biển Đông sau phán quyết The Hague, chuyện gì xảy ra tiếp?” đăng trên tờ The Straits Times (Singapore), GS Hugh White ở Trường ĐH Quốc gia Úc cho rằng sẽ có 2 kịch bản: Trung Quốc sẽ phớt lờ phán quyết của PCA hoặc sẽ tức giận, gia tăng căng thẳng trên biển Đông. Trong kịch bản đầu, Trung Quốc sẽ chỉ phản đối bằng lời nói và không lập tức mở rộng sự hiện diện ở các khu vực tranh chấp. Do đó, khó có thể biết Mỹ làm gì.

Với kịch bản thứ hai, Trung Quốc phản ứng mạnh hơn, như tuyên bố lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Đông hoặc xây đảo nhân tạo và lập căn cứ mới trên bãi cạn Scarborough của Philippines. Nếu vậy, Mỹ - với lực lượng quân sự triển khai rầm rộ gần đây, bao gồm việc điều động 2 siêu tàu sân bay đến vùng biển Philippines - xem ra muốn phát đi thông điệp: Không ngại đụng độ quân sự với Trung Quốc!

Theo GS White, Mỹ hy vọng phán quyết của PCA sẽ gia tăng áp lực về mặt pháp lý và ngoại giao lên Trung Quốc, buộc nước này “nghĩ lại”. Tuy nhiên, những diễn biến mới đây cho thấy điều ngược lại. Trung Quốc vẫn không ngừng o ép ASEAN và thậm chí gây sự với Indonesia.

Lối hành xử hung hăng này, cộng với sức mạnh kinh tế và quân sự hiện nay, có thể khiến Trung Quốc manh động trên biển Đông và đẩy Mỹ vào ngã ba đường: Lùi lại, để mất thế thượng phong vào tay Bắc Kinh hoặc đụng độ vũ trang với các rủi ro về chiến lược và kinh tế. Lựa chọn nào, theo GS White, cũng đều vô cùng nguy hiểm!

Nhật và Indonesia cứng rắn

Trung Quốc đang tỏ thái độ không hài lòng khi chứng kiến Nhật Bản can thiệp quá sâu về tranh chấp ở biển Đông. Đó là nhận định nêu trong báo cáo dài 21 trang được Nhóm Khủng hoảng quốc tế (ICG) công bố ngày 30-6.

Theo báo cáo mang tên “Biển Hoa Đông - Ngăn ngừa xung đột từ những khủng hoảng tiềm tàng”, Tokyo dù không liên quan đến tranh chấp ở biển Đông nhưng lại phản đối mạnh mẽ những hành động đơn phương khiêu khích từ Bắc Kinh. Không chỉ vậy, Nhật Bản đã gia tăng viện trợ cho một số nước Đông Nam Á, đồng thời ủng hộ nỗ lực bảo vệ quyền tự do đi lại ở biển Đông của Mỹ.

Bất chấp Trung Quốc không ít lần cảnh báo Nhật Bản không nên “phản ứng thái quá”, Tokyo vẫn không có dấu hiệu dừng lại. Mới nhất, nước này có ý định đặt hàng khoảng 100 chiến đấu cơ với trị giá lên đến 40 tỉ USD để củng cố sức mạnh quốc phòng. Theo kế hoạch, số máy bay này sẽ được triển khai sớm nhất vào cuối thập kỷ tới.

Không chỉ Nhật Bản, Indonesia cũng ngày càng có lập trường mạnh mẽ trước những hành động khiêu khích của tàu cá, tàu hải cảnh Trung Quốc quanh quần đảo Natuna. Hôm 29-6, Tổng thống Joko Widodo ra lệnh mở rộng hoạt động thăm dò khai thác dầu khí và đánh bắt cá ở vùng biển đang bị Bắc Kinh dòm ngó này.

Song song hoạt động tăng cường tuần tra quanh Natuna, Indonesia còn cảnh báo sẽ mạnh tay với các tàu cá nước ngoài đánh bắt trái phép. Đây được xem là động thái khẳng định chủ quyền của Indonesia và phản đối “đường lưỡi bò” phi lý mà Trung Quốc tự vẽ ra “liếm” đến tận vùng biển quanh Natuna.

Xuân Mai

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo