xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trung Quốc “lấy thịt đè người”

HUỆ BÌNH

Việc xây thêm cảng mới chứng tỏ Trung Quốc quyết đánh bắt cá ở những vùng biển mà Tòa Trọng tài Thường trực phán quyết họ không có quyền lịch sử đối với các tài nguyên

Chính phủ Nhật Bản hôm 6-8 gửi công hàm phản đối Trung Quốc vì đưa 6 tàu tuần duyên và khoảng 230 tàu cá tới gần vùng biển Tokyo xem là lãnh hải quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.

Tokyo cứng rắn

Các tàu tuần duyên Trung Quốc bị phát hiện trong vùng tiếp giáp lúc 8 giờ 5 phút cùng ngày (giờ địa phương). Lập tức, Bộ Ngoại giao Nhật Bản lên án hành động đơn phương leo thang căng thẳng này, đồng thời yêu cầu tàu Trung Quốc rời đi ngay.

“Nhật Bản không bao giờ chấp nhận hành động đưa tàu của Trung Quốc tới gần Senkaku vì hành động này sẽ làm leo thang căng thẳng trong khu vực” - Bộ Ngoại giao Nhật Bản nêu rõ.

Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết 3 trong số 6 tàu tuần duyên của Trung Quốc nói trên dường như được trang bị vũ khí.

Tàu tuần duyên Trung Quốc neo tại biển Hoa Đông ngày 6-8 Ảnh: AP
Tàu tuần duyên Trung Quốc neo tại biển Hoa Đông ngày 6-8 Ảnh: AP

Trước đó một ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Shinsuke Sugiyama triệu Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Trình Vĩnh Hoa nhằm phản đối mạnh mẽ tàu tuần duyên Trung Quốc đi vào vùng biển Tokyo coi là lãnh hải của mình quanh quần đảo trên.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới, xấu đi do những tranh cãi về chủ quyền lãnh thổ, những vấn đề lịch sử và sự cạnh tranh ảnh hưởng tại khu vực.

Trung Quốc hôm 5-8 cáo buộc tân Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada “diễn giải sai lệch lịch sử” sau khi bà Inada từ chối nói về việc liệu quân đội Nhật có thảm sát dân thường Trung Quốc trong Thế chiến II hay không. Bộ Quốc phòng Trung Quốc lớn tiếng nói hành động của bà Inada “thách thức trật tự quốc tế” vì đã làm sống lại chủ nghĩa quân phiệt. “Nếu lịch sử bị phủ nhận, quan hệ Trung - Nhật không có tương lai” - Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố.

Đây cũng được xem là phản ứng của Bắc Kinh trước những lời lẽ cứng rắn của bà Inada trong ngày làm việc đầu tiên trên cương vị bộ trưởng quốc phòng hôm 4-8: “Trung Quốc nhanh chóng gia tăng hoạt động ở các vùng biển và không phận xung quanh Nhật Bản và sẽ tiếp tục ý đồ thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực”. Giới quan sát nhận định bà Inada có ý chỉ trích Trung Quốc xây đảo nhân tạo phi pháp ở biển Đông.

Mưu đồ bành trướng

Quan ngại của bà Inada không phải không có cơ sở khi tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng ngày 6-8 đưa tin Trung Quốc đã khai trương một cảng cá mới tên Á Châu - cảng cá lớn nhất ở tỉnh Hải Nam và gần quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) nhất.

Nhật báo Hải Nam cho biết cảng trên hiện có thể phục vụ 800 tàu thuyền và con số này dự kiến tăng lên 2.000 chiếc khi dự án hoàn thành với tổng kinh phí lên tới 450 triệu USD. Trước đó, hồi tháng 6, chính quyền Hải Nam cũng thông báo họ sẽ xây một cảng lớn khác ở bờ biển phía Tây Nam hòn đảo. Sau khi hoàn thành vào đầu năm 2018, cảng dự kiến có sức chứa ít nhất 600 tàu cỡ 300 tấn.

Bên cạnh xây cảng lớn hơn, Trung Quốc từ lâu đã hỗ trợ tài chính cho ngư dân để họ có thể đóng các tàu lớn, có khả năng đi xa hơn hòng hiện thực hóa tham vọng trở thành một cường quốc biển.

Theo các nhà phân tích, các cảng cá lớn nhằm phục vụ mưu đồ bành trướng của Trung Quốc ở biển Đông. Ông Lâm Dũng Tân, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu biển Đông tại Hải Nam, nhận định với các cảng cá lớn, ngư dân có thể muốn đóng các tàu cá lớn hơn, có khả năng đi xa hơn và đối đầu với tàu tuần duyên từ các nước khác khi đánh bắt cá ở biển Đông.

Tương tự, ông M.Taylor Fravel, giáo sư tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), nhận định việc mở thêm các cảng mới chứng tỏ Trung Quốc quyết đánh bắt cá ở những vùng biển mà Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague - Hà Lan phán quyết nước này không có quyền lịch sử đối với các tài nguyên. “Điều này có thể giúp gia tăng sự hiện diện của Trung Quốc ở biển Đông - bước đi đầu tiên tiến tới tham vọng giành quyền kiểm soát” - ông Fravel nói thêm.

Một kịch bản như thế chắc chắn khiến các nước láng giềng của Bắc Kinh thêm lo ngại. Đối mặt nguy cơ tàu cá Trung Quốc hiện diện bên trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), Bộ trưởng Nông nghiệp Malaysia Ahmad Shabery Cheek đã phát đi thông điệp cảnh báo đến Bắc Kinh: Nước này đang cân nhắc học tập “biện pháp mạnh tay” mà Indonesia thực hiện trong 2 năm qua là đánh chìm tàu cá nước ngoài hoạt động trái phép.

Theo ông Cheek, Malaysia sẽ đánh chìm tàu nhằm tạo ra các rạn san hô nhân tạo để bảo vệ môi trường biển. Trong khi đó, vào dịp quốc khánh ngày 17-8 tới, Indonesia sẽ đánh chìm 71 tàu nước ngoài bị cáo buộc đánh bắt cá trái phép.

Nhật - Philippines hợp tác về biển Đông

Theo hãng Kyodo, trong chuyến công du Philippines 3 ngày vào tuần sau, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida sẽ khẳng định sự hợp tác với người đồng cấp Philippines Perfecto Yasay trong việc kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết được PCA đưa ra hôm 12-7. Bắc Kinh cho đến giờ vẫn bác bỏ phán quyết trên, đồng thời tìm cách gây sức ép để buộc nước khác ủng hộ lập trường của mình.

Mới nhất, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 5-8 yêu cầu Singapore “tôn trọng” lập trường của Bắc Kinh đối với phán quyết của PCA. Lời lẽ này được xem là nhằm phản ứng nhận định của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại buổi chiêu đãi do Phòng Thương mại Mỹ và Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN tổ chức ở thủ đô Washington hôm 2-8. Khi đó, ông Lý Hiển Long nói ông không nghĩ là Bắc Kinh chịu thay đổi chính sách ở biển Đông sau phán quyết của PCA.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo