Ông Vadym Skybitskiy, quan chức tình báo quốc phòng Ukraine, tố thêm các lực lượng Nga vào cuối tháng 10 diễn tập không kích tại lãnh thổ Ukraine. Trước đó 1 tháng, Nga cũng tập trận quy mô lớn ở Crimea. Ở chiều ngược lại, Nga cho biết vừa bắt 2 binh sĩ đào ngũ khỏi lực lượng vũ trang Ukraine và vượt biên vào nước láng giềng. Lực lượng biên phòng Nga ở khu Rostov-on-Don hôm 30-11 cho biết 2 binh sĩ Ukraine đào ngũ do không còn muốn chiến đấu. Hiện phía Ukraine chưa có bình luận gì về vụ việc.
Lo ngại “hành vi của Nga ở khu vực”, ông Aleksandr Turchynov, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh quốc gia Ukraine (NSDC), hôm 30-11 cho biết Kiev đang thương thảo với NATO về việc tuần tra ở biển Đen. Liệt kê một loạt động thái quân sự gần đây của Nga như tăng cường phòng thủ ở tỉnh Kaliningrad, Địa Trung Hải và triển khai quân đến Syria, ông Turchynov nhận định: “Tất cả những điều này đòi hỏi phải có hành động phản ứng thích hợp, chủ yếu là từ phía NATO”.
Không tìm kiếm kẻ thù
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 1-12 đọc thông điệp liên bang lần thứ 13 trước lưỡng viện quốc hội, tập trung vào chính sách đối nội và các mối quan hệ song phương quan trọng.
Theo đài RT, phần nội dung đối nội của thông điệp dài gần 70 phút này đề cập một loạt vấn đề liên quan đến chăm sóc sức khỏe, giáo dục, kinh tế, cải cách hành chính… Đáng chú ý, ông chủ Điện Kremlin đánh giá kinh tế Nga đang trì trệ vì những nguyên nhân bên trong hơn là tác động từ bên ngoài, như thiếu nguồn lực đầu tư, công nghệ hiện đại, nhân lực, sự cạnh tranh trong lúc môi trường kinh doanh còn nhiều vấn đề. Ông Putin dự báo GDP đất nước sẽ giảm 0,2% trong năm 2016, so với mức giảm 3,7% năm trước đó. Dù vậy, nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh kinh tế đất nước đang trên đường hồi phục, thể hiện qua sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp và một số lĩnh vực công nghiệp. Vì thế, ông cam kết chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ những lĩnh vực còn khó khăn, giảm thói quan liêu và cải thiện môi trường kinh doanh để thúc đẩy tăng trưởng.
Về đối ngoại, ông Putin nhấn mạnh sẵn sàng đối thoại với các đối tác quốc tế nhưng không cho phép họ xâm phạm lợi ích đất nước hoặc can thiệp vào chuyện ra quyết định của mình. Ngoài ra, ông nói thêm Moscow không muốn liên quan đến bất kỳ cuộc đối đầu địa - chính trị nào nhưng sẵn sàng tham gia giải quyết các cuộc khủng hoảng toàn cầu và khu vực khi cần. “Chúng tôi không tìm kiếm kẻ thù và chưa bao giờ tìm kiếm kẻ thù. Chúng tôi cần bạn bè” - ông Putin cho biết. Nhà lãnh đạo Nga cũng hy vọng quan hệ với Mỹ được bình thường hóa và hai nước cùng bắt tay chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Trước mắt, Moscow sẵn sàng hợp tác với chính quyền mới ở Washington sau khi ông Donald Trump nhậm chức vào đầu năm tới.
Thông điệp trên được đọc giữa lúc kinh tế Nga đón nhận một số thông tin lạc quan. Trước hết, việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Moscow đồng ý giảm sản lượng khai thác hôm 30-11 hứa hẹn giúp giá dầu phục hồi, tác động tích cực đến kinh tế Nga vốn có nguồn thu ngân sách đáng kể đến từ xuất khẩu dầu. Bằng chứng là giá trị đồng rúp đã tăng theo sau quyết định trên.
Hoàng Phương