xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vị đắng từ đầu tư Trung Quốc (*): "Quả bom nợ" 10 tỉ USD trên vịnh Bengal

ĐỖ QUYÊN

Các quan chức ngoại giao từ Mỹ, Úc và những nước Đông Nam Á đều bày tỏ lo ngại Trung Quốc muốn xây một cảng có lợi thế về kinh tế cũng như chiến lược trên vịnh Bengal

Thị trấn Kyaukpyu nằm quanh một cảng cá nhỏ trên vịnh Bengal, phảng phất không khí của một vùng đất đang đón đợi thần tài gõ cửa.

Lo ngại

Trong khu chợ ven biển, những quầy hàng ăm ắp hải sản mới đánh bắt về từ thuyền đánh cá. Các quầy bán đồ chơi hay điện thoại thông minh la liệt hàng Trung Quốc. Cách đó không xa, gia súc gặm cỏ giữa các tòa nhà trông như những khu văn phòng cao tầng và khách sạn đã thế chỗ những ngôi nhà gỗ xưa cũ. Đôi chỗ còn xuất hiện các nhà hàng sang trọng trên tầng thượng và thậm chí có cả một sân golf.

Theo Bloomberg, giá đất đã tăng vọt tại thị trấn 50.000 dân của Myanmar này trước khi dự án trị giá 10 tỉ USD để xây dựng một cảng nước sâu và một khu công nghiệp do Trung Quốc tài trợ bắt đầu triển khai. Kế hoạch đầu tư vào Kyaukpyu lớn hơn gấp 7 lần các cảng do Trung Quốc xây dựng ở Sri Lanka và Cameroon. Song điều đó đang đẩy thị trấn vùng sâu, vùng xa này vào tâm điểm tranh cãi ở Myanmar và khắp châu Á về việc ai mới thực sự hưởng lợi từ chiến lược Vành đai và Con đường đầy tham vọng của Bắc Kinh.

Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế tại Washington Greg Poling nhận định khoản đầu tư khổng lồ vào cảng này cùng với những dự án hiện tại và tương lai ở Myanmar có thể dẫn tới tình trạng sập bẫy nợ.

Các kế hoạch phát triển đón đầu dự án có dấu hiệu chững lại, nhất là từ khi chính phủ Myanmar lựa chọn CITIC Group - tập đoàn đầu tư nhà nước đầu tiên của Trung Quốc cũng là đơn vị xây cảng cách đây 3 năm. Công ty này đề xuất lấy 70% cổ phần trong dự án, phần còn lại sẽ được chia giữa chính phủ Myanmar và một nhóm các doanh nghiệp địa phương. Công ty Trung Quốc sẽ điều hành khu vực đến 75 năm và tài trợ cho phần của Myanmar.

"Chúng tôi nghe nói tới việc xây cảng từ năm 2015 nhưng tới nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì" - người đứng đầu làng KaBalan, ông Shwe Shwe Maung, cho hay. Ngôi làng có 460 hộ dân nằm trong khu vực được quy hoạch cho khu công nghiệp. "Chúng tôi không biết đích xác tác động của kế hoạch như thế nào nhưng tất cả đều hy vọng nó sẽ mang lại việc làm" - vị trưởng làng nói thêm.

Một số quan chức chính phủ cấp cao sợ rằng một nền kinh tế nhỏ bé như Myanmar có thể sẽ phải vật lộn để trả hàng tỉ USD tiền nợ mà nước này phải vay mượn cho dự án. Theo ông Soe Win, một thành viên của Ủy ban Kinh tế trung ương của Đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) cầm quyền, lãi suất tương đối lớn.

Không giống như những khoản vay từ chính phủ Nhật Bản, những khoản vay từ Trung Quốc đắt đỏ hơn rất nhiều. Chính trị gia hiện là ứng viên sáng giá cho vị trí thống đốc Ngân hàng trung ương của Myanmar này từ chối cung cấp chi tiết về khoản vay đề xuất.

Vị đắng từ đầu tư Trung Quốc (*): Quả bom nợ 10 tỉ USD trên vịnh Bengal - Ảnh 1.

Hoạt động dỡ dầu thô tại ga cảng trên đảo Madae, bang Rakhine - Myanmar để cung cấp cho đường ống dẫn dầu Trung Quốc - Myanmar. Ảnh: PA

Nghi vấn

Thêm nhiều nghi vấn đặt ra xoay quanh việc liệu Myanmar có cần một công trình cồng kềnh như Kyaukpyu, trong khi Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản đang trợ giúp tài chính cho một khu kinh tế 3,28 tỉ USD tại cảng Thilawa, phía Nam TP Yangon. Phải chăng đó đơn giản chỉ là một đường dẫn cho Trung Quốc, do những công ty của nước này điều hành. "Cảng nước sâu này có lợi cho Myanmar không?... Nếu chúng ta có một cảng biển nước sâu nhưng lại không kiểm soát nó thì sẽ có vấn đề lớn" - ông Ken Tun - nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Công ty Năng lượng Parami Myanmar - nghi vấn.

Điều mà giới chức chính phủ Myanmar lo ngại nhất chính là giẫm lên "vết xe đổ" của Sri Lanka. Để cấn trừ khoản nợ hơn 1 tỉ USD, chính quyền Sri Lanka hồi cuối năm 2017 đã phải nhượng quyền sử dụng cảng biển chiến lược Hambantota cho doanh nghiệp Trung Quốc theo hợp đồng thuê 99 năm.

Tuy nhiên, ông Toe Aung Myint - Thư ký thường trực Bộ Thương mại Myanmar, chịu trách nhiệm giám sát ủy ban quản lý dự án - bác bỏ những ý kiến cho rằng cảng Kyaukpyu sẽ gây nợ quá mức. Ông cho biết quá trình xây dựng sẽ được chia ra nhiều giai đoạn. "Myanmar và Sri Lanka không giống nhau. Chỉ khi giai đoạn thứ nhất thành công, chúng tôi mới dựa vào đó để bắt đầu giai đoạn tiếp theo" - ông Toe Aung Myint trấn an.

Song, lo ngại không chỉ dừng lại ở câu chuyện bẫy nợ. Nằm bên rìa phía Đông của vịnh Bengal, thị trấn Kyaukpyu gần như đối diện trực tiếp với căn cứ hải quân INS Varsha của Ấn Độ - nơi hải quân nước này sẽ đồn trú hạm đội tàu ngầm mới. Bloomberg hôm 11-5 dẫn lời một quan chức chính phủ Myanmar nắm rõ các kế hoạch của Trung Quốc cho Kyaukpyu khẳng định các quan chức ngoại giao từ Mỹ, Úc và các nước Đông Nam Á đều bày tỏ lo ngại Bắc Kinh muốn xây một cảng có lợi thế về kinh tế cũng như chiến lược.

Theo chuyên gia về an ninh hàng hải Trung - Ấn thuộc Đại học An ninh Quốc gia của Úc David Brewster, Trung Quốc cần một số phương tiện tiếp cận hoặc các cơ sở bến cảng ở một số vị trí khác nhau trên Ấn Độ Dương và Myanmar sẽ là một nơi lý tưởng để đặt một căn cứ hải quân. Trong khi đó, nếu muốn xây cảng, Naypyidaw hầu như không còn cánh cửa vay tiền nào ngoài Trung Quốc.

Sự nổi giận của Mỹ và châu Âu đối với cách đối xử của chính quyền Myanmar với người thiểu số Rohingya khiến nước này hầu như không còn đồng minh ở các quốc gia phát triển. Thị trấn Kyaukpyu, cách TP Yangon khoảng 400 km về phía Tây Bắc, nằm trong bang Rakhine là nơi hơn 600.000 người Rohingya đã bị đẩy khỏi nhà và phải trốn chạy sang Bangladesh kể từ tháng 8-2017. 

Hối tiếc

Kyaukpyu được đánh giá là một phần quan trọng trong chiến lược "Con đường tơ lụa trên biển" thuộc sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Phía CITIC khẳng định một khi được xây dựng, cảng nước sâu tại đây sẽ đạt công suất 4,9 triệu container mỗi năm, cao hơn công suất hiện tại của cảng container lớn nhất Brazil. Cùng với tuyến đường sắt nối liền Kyaukpyu với Côn Minh, Vân Nam - Trung Quốc, cảng nước sâu sẽ giúp các nhà xuất khẩu ở Vân Nam có đường tắt đến Ấn Độ Dương, không phải đi qua vùng biển Đông và eo biển Malacca đông đúc.

"Chúng tôi sẽ rất hạnh phúc nếu họ dùng cảng Kyaukpyu làm cảng thương mại. Song nếu họ chuyển nó thành căn cứ quân sự, chúng tôi sẽ vô cùng hối tiếc" - ông Soe Win chia sẻ.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 10-5
Kỳ tới: Philippines lo mất đất

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo