xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

10 năm thiếu nước

Bài và ảnh: THU HỒNG

Mang tiếng là dân đô thị nhưng hơn 2.000 hộ sống dọc Quốc lộ 1, thuộc 5 xã, thị trấn của huyện Bình Chánh cả chục năm nay bị thiếu nước sạch do chờ mở rộng tuyến đường này

Nhiều hộ dân sống mặt tiền Quốc lộ 1 (QL1) và cả trong hẻm ở 5 xã, thị trấn của huyện Bình Chánh là Tân Kiên, Tân Túc, Tân Quý Tây, An Phú Tây và Bình Chánh  đều không có nước sạch, phải dùng nước giếng khoan.

Xài nước phèn

Đưa chúng tôi đến hồ lọc nước đóng đầy phèn, bà Hồ Thị Bê (ấp 3, xã Tân Kiên) cho biết: “Chúng tôi chờ nước sạch hơn 10 năm nay rồi. Vùng này đầy nước phèn, cứ 10 ngày phải súc và chà rửa phèn trong hồ 1 lần nhưng cũng không dám dùng để nấu ăn”.

Gia đình bà Bê phải khoan 2 giếng sâu tới 180 m nhưng cái nào cũng đầy phèn. “Cách đây vài trăm mét, ở ngã ba Bờ Ngựa, người dân được xài nước sạch do có đường ống nước đi qua. Còn ở đây, nước dùng nấu ăn hay uống thì bà con phải mua” - bà Bê bức xúc.

Hồ lọc nước giếng ở nhà bà Nguyễn Thị Cơ luôn đóng đầy phèn
Hồ lọc nước giếng ở nhà bà Nguyễn Thị Cơ luôn đóng đầy phèn

Gần nhà bà Bê, 4 hộ của gia đình bà Nguyễn Thị Cơ cũng phải xài hồ lọc nước. Bà Cơ ngao ngán: “Nhà nào khoan giếng cũng đều phải xây hồ lọc nước mới xài được. Vậy mà giặt áo quần đôi khi vẫn bị vàng ố. Nhiều hộ đã bỏ tiền kéo đường ống để xài ké nước của trạm bơm Tân Kiên. Trạm này cũng xài giếng khoan nhưng xử lý nước tốt hơn”.

Sống ngay mặt tiền QL1, ông Nguyễn Thanh Tùng (ấp 1, xã An Phú Tây) thở dài: “Mang tiếng là dân đô thị nhưng chẳng khác nào ở nông thôn bởi luôn thiếu nước sạch. Nhà tôi cũng phải khoan giếng sâu gần 200 m, có hồ lọc phèn mà vẫn không ổn vì mùa khô giếng hụt nước, hao điện dữ lắm”.

Dọc QL1 ở khu vực này, nhiều công ty, xí nghiệp đều chung tình cảnh thiếu nước sạch. Đại diện một doanh nghiệp đóng trên địa bàn lo ngại: “Nguồn nước bị phèn ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sản phẩm. Sợ khách hàng chê nên chúng tôi đã đầu tư hệ thống xử lý nước rất tốn kém”.

Chờ dự án

Tại buổi giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP HCM mới đây, ông Nguyễn Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết việc cấp nước cho các hộ dân sống dọc QL1 được đưa vào danh sách ưu tiên số 2 của huyện. Tuy nhiên, do chờ dự án mở rộng QL1 nên ngành nước chưa dám đầu tư tuyến ống.

Trong khi đó, dự án mở rộng QL1 hiện chỉ tiến hành từ xã Tân Kiên đến nút giao Bình Thuận, đoạn còn lại từ nút giao Bình Thuận đến khu vực giáp tỉnh Long An thì chưa nghe nói gì. “Chúng tôi có thể đầu tư ống cấp 3 (300 mm) nhưng sau này dự án mở rộng QL1 triển khai thì phải di dời, rất tốn kém và lãng phí” - ông Bạch Vũ Hải, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco), giải thích.

Theo Khu Quản lý giao thông đô thị số 4 (Khu 4), đơn vị quản lý tuyến QL1 đoạn qua huyện Bình Chánh, dự án mở rộng QL1 tạm chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (xã Tân Kiên - nút giao Bình Thuận) dự kiến thực hiện trong năm 2014 với nguồn vốn 140 tỉ đồng, chưa tính chi phí giải phóng mặt bằng. Hiện UBND TP HCM đã ghi vốn nhưng Khu 4 còn chờ giải phóng mặt bằng (hơn 60% hộ dân chưa giao đất). Riêng giai đoạn 2 của dự án (nút giao Bình Thuận - giáp ranh Long An) thì vẫn chưa có chủ trương từ TP HCM.

Ông Nguyễn Văn Trường cho biết huyện Bình Chánh sẽ cố gắng vận động người dân bàn giao mặt bằng sớm để triển khai mở rộng QL1 trong năm nay. Tuy nhiên, số hộ bị ảnh hưởng không nhỏ, việc giải phóng mặt bằng lại rất khó khăn và mất nhiều thời gian.

Trước nhu cầu cấp thiết của người dân, ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc Công ty CP Cấp nước Chợ Lớn, cho biết công ty sẵn sàng lắp đặt đường ống cấp 3 dọc QL1 đoạn nút giao Bình Thuận - Bùi Thanh Khiết và đoạn Bùi Thanh Khiết - Hoàng Phan Thái ở thị trấn Tân Túc và xã Tân Quý Tây. Tuy nhiên, dự án mở rộng QL1 đoạn này chưa có nên Sawaco sẽ kiến nghị UBND TP HCM chấp thuận chủ trương sử dụng ngân sách hỗ trợ chi phí di dời tuyến ống cấp nước khi thực hiện dự án. 

Quận 12: Chỉ 38% cư dân dùng nước sạch

Nghị quyết 38/2013 của HĐND TP HCM đề ra mục tiêu 100% tỉ lệ dân đô thị được cấp nước sạch và 100% tỉ lệ dân nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh trong năm 2014. Tuy nhiên, đến nay, chỉ 38% cư dân quận 12 được cấp nước sạch. Đây là quận có tỉ lệ cấp nước sạch thấp nhất so với các quận ở TP HCM.

Theo ông Nguyễn Tương Minh, Phó Chủ tịch UBND quận 12, nước ngầm trên địa bàn không bảo đảm vệ sinh, nhiều nơi nhiễm phèn nặng. Để đạt chỉ tiêu của Nghị quyết 38, năm 2014, quận phải lắp thêm 66.000 đồng hồ nước, tổng chi phí dự kiến khoảng 72 tỉ đồng. Trong khi đó, đại diện Sở Kế hoạch - Đầu tư TP HCM cho biết đầu năm nay, toàn TP chỉ được ghi vốn 39 tỉ đồng cho mục tiêu cấp nước sạch.

Ông Nguyễn Tấn Tuyến, Phó Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP HCM, cho rằng đây là nhiệm vụ nặng nề với quận 12. Năm 2012-2013, tỉ lệ hộ dân được cấp nước sạch của quận chỉ tăng 10%; riêng năm nay, quận phải cấp nước đến 62% hộ còn lại là rất khó. “Chúng ta sẽ nỗ lực và dùng tất cả giải pháp để cấp nước sạch cho người dân chứ không phải chạy theo mục tiêu nào. Do đó, quận cần có những giải pháp cụ thể” - ông Tuyến đề nghị.

Ông Nguyễn Tương Minh cho biết đã đề nghị Công ty TNHH MTV Trung An lắp đặt đồng hồ nước cho hộ có nhà ở ổn định nhưng chưa có số nhà song vẫn còn vướng. Theo ông Bạch Vũ Hải, không nhất thiết phải có số nhà, chỉ cần có giấy phép xây dựng hoặc xây dựng tạm, thậm chí chỉ cần xác nhận của công an địa phương là lắp đồng hồ nước được rồi.T.Sương

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo