xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ẩn họa rình rập du khách

THÚY PHƯƠNG - QUANG NHẬT

Không chỉ trên sông nước miền Nam, tại một số địa phương ở miền Trung cũng có nhiều tàu, thuyền thiếu an toàn nhưng vẫn ngày đêm chở khách

Hồ Phú Ninh (Quảng Nam) là hồ thủy lợi sâu và rộng nhất miền Trung (diện tích mặt nước hơn 3.400 ha). Nhiều năm qua, lòng hồ được đưa vào khai thác du lịch sinh thái. Do các phương tiện đưa khách thiếu an toàn nên đã xảy ra nhiều vụ tai nạn chết người.
 
img
Áo phao của một thuyền du lịch trên sông Hương được chất thành đống
và để xa chỗ ngồi của du khách. Ảnh: QUANG NHẬT
 
Thuyền hết “đát” vẫn không sợ
 
Khu Du lịch sinh thái hồ Phú Ninh do doanh nghiệp Hùng Cường làm chủ, chủ yếu kinh doanh du lịch trên lòng hồ; cho du khách thuê thuyền, ghe dạo quanh hồ... Ngoài doanh nghiệp Hùng Cường, tại đây còn có rất nhiều thuyền nan của người dân cũng tranh nhau chở khách. Không một chiếc thuyền tự phát nào được cấp phép hoạt động.
 
Ngày 24-5, trung tá Nguyễn Hồng Thịnh, Trưởng Công an huyện Phú Ninh, cho biết: “Doanh nghiệp Hùng Cường có 5 chiếc thuyền chở khách. Qua đợt kiểm tra vào ngày 30-4 và 1-5 vừa qua, chúng tôi phát hiện toàn bộ những chiếc thuyền này đã hết hạn đăng ký hoạt động. Chúng tôi đã phối hợp với CSGT Đường thủy tỉnh Quảng Nam lập biên bản và yêu cầu doanh nghiệp Hùng Cường đăng ký lại cho số thuyền này”.
 
Cùng ngày, ông Võ Quốc Lĩnh, đăng kiểm viên của Phòng Đăng kiểm Thủy bộ Quảng Nam, xác nhận: “Khu Du lịch sinh thái Phú Ninh có 5 chiếc thuyền chở khách nhưng đều đã quá hạn sử dụng (từ tháng 2-2010). Chúng tôi đã nhiều lần liên hệ doanh nghiệp Hùng Cường để làm thủ tục đăng kiểm lại 5 chiếc thuyền nhưng doanh nghiệp này không phản hồi. Theo kết quả kiểm tra gần nhất, số thuyền trên đã xuống cấp, rất nguy hiểm nếu chở khách”.
 
Trong 8 năm qua, đã xảy ra nhiều vụ thuyền chở khách gặp nạn trên hồ Phú Ninh, làm ít nhất 12 người chết. Kể từ sau vụ chìm thuyền nan làm 6 người thiệt mạng vào chiều 15-7-2007, công an địa phương đã tịch thu 34 chiếc thuyền nan chở khách tự phát của người dân, hầu hết đều đã cũ, không được cấp phép hoạt động, không có phao cứu sinh…
 
Theo ông Đặng Bá Dự, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Chỉ thị 39/CT-UBND nghiêm cấm các loại thuyền nan đi lại trong lòng hồ, nếu phát hiện thì tịch thu và tiêu hủy. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, vẫn còn nhiều thuyền nan “ngoài luồng” bon bon chở khách dạo quanh hồ.
 
img
Thuyền trên hồ Phú Ninh đã hết hạn đăng ký sử dụng từ lâu
nhưng vẫn chở du khách hằng ngày. Ảnh: THÚY PHƯƠNG
  
Áo phao được… “giấu” kỹ!
 
Trong khi đó, trên sông Hương (Thừa Thiên - Huế), nhiều du thuyền hoạt động nhưng thiếu trang bị áo phao cho khách. Đa số áo phao được “giấu” kỹ, để cách xa chỗ ngồi của khách.
 
Ngày 24-5, chúng tôi mua vé lên một du thuyền xuất phát từ bến thuyền Tòa Khâm. Trên thuyền, 22 hành khách được xếp ghế ngồi, nhiều khách ra ngồi trước mũi thuyền để tiện ngắm cảnh và chụp hình. Nhìn quanh không thấy áo phao, một số du khách Mỹ thắc mắc với hướng dẫn viên. Hướng dẫn viên chỉ về phía sau thuyền (ngăn cách bởi một bức tường kính, để làm bếp) và cho biết áo phao nằm ở đó!
 
Thấy du khách ái ngại, người lái thuyền trấn an: “Tôi chạy thuyền đã hơn 20 năm rồi mà có chuyện gì xảy ra đâu. Áo phao chỉ dùng để đối phó lực lượng kiểm tra thôi. Đi du lịch ai mà mang áo phao làm gì”. Anh Kiểng, một du khách đến từ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ngán ngẩm: “Áo phao mà cất kỹ như thế làm sao ứng cứu kịp nếu chìm thuyền”.
 
Theo quy định, thuyền đơn được phép chở tối đa 15 người, thuyền đôi chở tối đa từ 35 - 40 người và số lượng áo phao phải đáp ứng đầy đủ. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, tình trạng thiếu áo phao và sắp xếp áo phao không đúng quy định còn phổ biến tại nhiều du thuyền trên sông Hương. Ngoài ra, hầu như du thuyền nào cũng trang bị bếp gas để nấu nướng nhưng không hề có thiết bị chữa cháy.
 
Ông Trần Minh Vũ, Trưởng Bến thuyền Du lịch Tòa Khâm, cho biết hiện có 114 thuyền du lịch đăng ký hoạt động qua bến. Trước khi xuất bến, bến Tòa Khâm đều kiểm tra các giấy tờ về đăng kiểm, an toàn… mới cho rời bến. Về quy định người tham gia giao thông đường thủy phải mặc áo phao, ông Vũ cho rằng: “Tôi chưa nghe quy định việc du khách đi du lịch mà phải mặc áo phao (!).
 

Phiêu lưu với đò ngang

 
Theo đăng ký, 12 chiếc thuyền của HTX Du lịch Thanh niên xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ được phép chở khách qua lại hồ Truồi để lên tham quan Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã. Thế nhưng, khi khách có nhu cầu vào tham quan thắng cảnh dọc con suối trong rừng, những thuyền này đều đáp ứng (khoảng 1 giờ chạy trên sông nước). Nhiều du khách cho rằng đò ngang mà đưa vào khai thác du lịch như vậy là thiếu an toàn.
 
Ông Đào Văn Quy, Phó Chủ nhiệm HTX Du lịch Thanh niên Lộc Hòa, cho biết hình thức tham quan này là do du khách yêu cầu và tự thỏa thuận với chủ đò chứ không thông qua HTX.

Q.Nhật

VỤ CHÌM TÀU DÌN KÝ

Các cơ quan quản lý không phải chịu trách nhiệm!

 

Ngày 25-5, một đoàn của Bộ GTVT do ông Cao Kim Phụng, Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, dẫn đầu đoàn đến làm việc tại Sở GTVT tỉnh Bình Dương. Các phóng viên của khoảng 10 cơ quan báo chí đến dự họp nhưng không được vào và yêu cầu chờ thông tin ngay sau buổi họp. Tuy nhiên, sau buổi họp ông Phụng chỉ trao đổi ngắn với báo chí.

 
Cuộc họp sáng nay ngoài cơ quan chức năng của tỉnh Bình Dương còn có Cục Đăng kiểm Việt Nam, Vụ An toàn giao thông, Vụ Vận tải, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia. Theo ông Phụng, qua sự cố Dìn Ký cuộc họp nhằm xem lại những qui định, văn bản liên quan... chỗ nào  thiếu sót thì kiến nghị sửa đổi, ban hành, bổ sung. Tối cùng ngày, thượng tá Phạm Xuân Trường, Chánh Văn phòng Công an tỉnh Bình Dương, nói với phóng viên Báo Người Lao Động trong vụ này không thể xem xét trách nhiệm hình sự cơ quan chức năng.
 
Thượng tá Trường dẫn chứng như việc tàu hết hạn đăng kiểm nhưng vẫn lưu hành và xảy ra “thảm kịch” là do phía Dìn Ký chậm thực hiện nghĩa vụ đăng kiểm. Về vấn đề quản lý bến tàu hay các vấn đề quản lý khác cũng vậy! Riêng về Sở GTVT tỉnh Bình Dương, thượng tá Trường cho rằng sở đã kiểm tra, xử phạt  và yêu cầu Dìn Ký khắc phục vi phạm nhiều lần nhưng Dìn Ký không thực hiện thì Dìn Ký phải chịu trách nhiệm hoàn toàn.
 

Cùng ngày, tàu Dìn Ký đã được lai dắt thành công về cảng Bà Lụa để bắt đầu khám nghiệm. Theo ghi nhận ban đầu, các khu vực phòng ăn và các thiết bị trên tàu bị hư hại nặng, tàu có một lỗ thủng khá to hiện chưa rõ nguyên nhân và thời điểm thủng.

Nh.Phú

 
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo