Trong báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016, do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày, có rất nhiều vấn đề nóng, bức xúc liên quan đến vấn đề ATTP.
Tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm diễn ra khá nghiêm trọng ở một số địa phương. Trung bình có 167,8 vụ/năm với 5065,8 người mắc/năm và 27,3 người chết do ngộ độc thực phẩm/năm.
Giai đoạn 2011 – 2016 đã ghi nhận 7 bệnh truyền qua thực phẩm làm mắc 4.012.038 ca bệnh với 123 người chết, trung bình mỗi năm có 668.673 ca bệnh và 21 người chết.
Bệnh ung thư mỗi năm có khoảng 70.000 người chết và hơn 200.000 ca phát hiện mới, trong đó có một phần nguyên nhân từ việc sử dụng thực phẩm không an toàn. "Theo điều tra dịch tễ học của Hiệp hội ung thư thế giới thì có khoảng 35% ca mắc bệnh ung thư có nguồn gốc thực phẩm không an toàn và có thể phòng được" - ông Phan Xuân Dũng cho biết.
Tỷ lệ tồn dư hóa chất vượt ngưỡng cho phép là 8,47% đối với rau; kiểm tra đối với 54.750 lượt hộ nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đã phát hiện 9.056 hộ vi phạm (chiếm 16,54%); kiểm tra 2.064 đợt với 63.230 lượt cơ sở sản xuất, buôn bán thuốc BVTV, phát hiện và xử lý trên 7.434 cơ sở vi phạm (chiếm 11,7%).
Báo cáo giám sát cũng chỉ ra rằng tình trạng vi phạm quy định về ATTP khá phổ biến trong nhiều loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhất là trong sản xuất, kinh doanh rượu, bia và nước giải khát. Nhiều cơ sở sản xuất nước uống đóng chai chưa bảo đảm vệ sinh, chất lượng nguồn nước chưa được kiểm soát tốt; đa phần các cơ sở nấu rượu thủ công, dụng cụ thô sơ không bảo đảm ATTP, tình trạng bán rượu không đăng ký chất lượng, không nhãn mác, nguồn gốc vẫn tràn lan tại nhiều địa phương gây ngộ thực phẩm cấp tính và mãn tính cho người tiêu dùng. ATTP có lúc, có nơi đã đến mức báo động, ở giới hạn đỏ.
" Ở nhiều địa phương tỷ lệ xử lý vi phạm ATTP thấp, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, còn có sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các ngành có liên quan; công tác điều tra, xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP hiệu quả chưa cao do khó khăn trong việc áp dụng các quy định của pháp luật hình sự"- ông Dũng nhấn mạnh.
Để xảy ra tình trạng mất ATTP như trên, trách nhiệm chính trước tiên thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước; tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, người tiêu dùng thực phẩm trong đó trách nhiệm chính thuộc về cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm.