xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ấn tượng và biểu tượng đô thị

Nguyễn Minh Hòa

Khi chúng ta đến một thành phố nào đó, điều đầu tiên đập vào mắt và gây ra cảm xúc mạnh hoặc một nhận thức lạ thì đó là ấn tượng

1. Ấn tượng có thể mang đến từ một công trình kiến trúc hoành tráng như tòa tháp chọc trời cao 828 mét có tên Burj Khalifa ở Dubai, những kiểu bố cục trang trí kỳ lạ như Las Vegas, một loại công nghệ kỹ thuật mới được phô diễn dưới hình thức thiết kế lạ mắt như vườn cây nhân tạo khổng lồ ở Singapore nhưng cũng có thể là một lối sống mà ta chưa từng gặp như kiểu đục cơ thể móc các loại xích sắt của người Hindu.

Nhưng những ấn tượng mạnh mang lại chưa chắc đã là biểu tượng của thành phố, quốc gia, dân tộc đó. Sân vận động tổ chim ở Bắc Kinh chắc chắn mang lại cho du khách sự ngạc nhiên về lối kiến trúc tân kỳ, lạ thường nhưng nếu hỏi người Trung Quốc rằng đó có phải là biểu tượng của Bắc Kinh không thì câu trả lời sẽ là không! Với Bắc Kinh, biểu tượng có thể là Tử Cấm Thành hay Di Hòa Viên.

Khoảng 10 năm trở lại đây, ở các thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Bình Dương... rất nhiều chủ đầu tư, nhà tư vấn kiến trúc khi xây một công trình cao tầng với hình dạng khác lạ thì thường hay tuyên ngôn rằng nó sẽ là biểu tượng của thành phố, biểu tượng của quốc gia. Còn nhớ cách nay khoảng 6 năm, khi tòa nhà Bitexco khánh thành, những người kiến tạo ra nó kỳ vọng rằng tòa nhà sẽ trở thành biểu tượng của thành phố vì được mô phỏng từ đóa hoa sen nhưng năm tháng qua đi, rốt cuộc nó chỉ là một công trình có kết cấu lạ xuất hiện ở khu trung tâm 930 ha vốn mang nặng phong cách kiến trúc thuộc địa chứ không được coi là biểu tượng đại diện cho TP HCM.

Trên thế giới cũng có tình trạng tương tự, nhiều công trình kiến trúc to hoành tráng, hay cao nhất ngưởng, được đầu tư hàng chục tỉ USD nhưng vẫn không trở thành biểu tượng. Số công trình kiến trúc hiện đại trở thành biểu tượng được người dân thừa nhận không nhiều, chẳng hạn như tháp Effel ở Paris, tòa tháp đôi Petronas của Kuala Lumpur, tháp truyền hình Minh châu Phương Đông của Thượng Hải... Rõ ràng, một công trình trở thành biểu tượng hay không hoàn toàn không phụ thuộc vào một quyết định hành chính, vào số tiền bỏ ra nhiều hay ít và càng không phụ thuộc vào qui mô hoành tráng, chiều cao chọc thủng trời xanh...

2. Một thành phố có bao nhiêu biểu tượng, xin thưa là có nhiều hơn một. Bởi một thành phố có tuổi đời lâu dài, có nghĩa là nó có tiến trình trải qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, mỗi giai đoạn lịch sử lại có những biểu tượng mang dấu ấn của thời đại đó. TP HCM trải qua nhiều thời kỳ cho nên có biểu tượng của thời nhà Nguyễn (rất tiếc đến nay không còn công trình nào), sau đó là thời Pháp thuộc như nhà hát lớn, bưu điện, tòa nhà UBND TP; thời Việt Nam Cộng Hòa như dinh Độc Lập, thương xá Tax, do vậy đừng áp đặt chỉ cái này mới là biểu tượng đô thị. Hơn thế nữa, Sài Gòn - TP HCM là một thành phố đa văn hóa, đa tộc người, đa tôn giáo cho nên mỗi cộng đồng lại có những biểu tượng riêng của mình. Nếu người Hoa có chùa Bà Thiên Hậu, người Việt có chùa Vĩnh Nghiêm (và nhiều đình, chùa khác) thì người Khmer có chùa Chantaransay (ánh trăng), người Hồi giáo có thánh đường Musulman...

Điều đầu tiên và có lẽ là quan trọng nhất, một công trình trở thành biểu tượng khi nó gắn liền với “ký ức” của nhiều thế hệ, có những công trình gắn với ký ức của mọi người trong xã hội. Bà con Việt kiều mỗi khi nhớ về TP HCM là nhớ về chợ Bến Thành, nơi mà ai ai từ nhỏ đến khi về già cũng có dăm ba lần đến đó với cha mẹ và người thân. Những biểu tượng như thế khiến người ta khôn nguôi nhớ về mảnh đất một thời gắn bó với biết bao kỷ niệm.

Thứ nữa, biểu tượng của một thành phố thường gắn với những câu chuyện, những sự kiện đã diễn ra ở nơi đó cùng với số phận của con người, của thời đại. Tháp Rùa, Chùa Một Cột, Văn Miếu ở thủ đô Hà Nội trở thành biểu tượng vì nó được gắn với những huyền thoại dựng nước và giữ nước, cho dù nó quá nhỏ bé so với những công trình khác.

Biểu tượng của một thành phố còn gắn với niềm tự hào và cả những tín điều được gửi gắm. Những ai đến Brussels, dù ít hay nhiều ngày cũng bằng mọi cách phải đến thăm chú bé đứng tè có tên là Manneken Pis bằng đồng chỉ cao 61 cm. Xung quanh chuyện chú bé này có rất nhiều dị bản khác nhau nhưng người dân Bỉ rất tự hào về cậu và họ thích nhất câu chuyện về hành động tè của cậu đã cứu cả thành phố, nhờ đó mà vô tình dập tắt ngòi nổ của quân Tây Ban Nha định tàn phá thành phố Brussels trước khi rút đi, do vậy cậu bé là biểu tượng của tinh thần yêu chuộng hòa bình... Hình ảnh Sư tử biển bên bờ vịnh Marina của Singapore, Thạt Luổng của Lào, Tháp Chăm ở miền Trung Việt Nam đều có tầm vóc thật nhỏ bé nhưng là biểu tưởng thật sự của thành phố, quốc gia, vùng miền.

3. Nếu tính tỉ lệ thì hầu hết các biểu tượng của quốc gia, thành phố đều thuộc về những biểu tượng vừa và nhỏ, các biểu tượng lớn, cực lớn không phải chiếm ưu thế; và nếu có thì nó ít gắn với nhân văn, với nghệ thuật mà gắn với những lịch sử của máu và nước mắt như Kim Tự Tháp của Ai Cập, Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc...

Cuộc đua biểu tượng bằng chiều cao nhất, quy mô hoàng tráng nhất của Việt Nam sẽ không bao giờ lại với thế giới. Nó nhanh chóng bị lạc hậu và chẳng mang lại ý nghĩa gì, thậm chí bị hạ thấp nếu đó là sản phẩm của một nước nghèo muốn “hơn người” bằng tư duy xưa cũ. Những sản phẩm kiến trúc, mỹ thuật đi cùng năm tháng đều nằm ở tầm vóc tinh thần chứ không nằm ở quy mô vật chất.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo