Ông Lê Như Tiến phân tích đối với ASIAD 18, phương án tốt nhất là trước khi Việt Nam đứng ra đăng cai, Bộ VH-TT-DL cùng các ngành liên quan ngồi bàn với nhau “nát nước” rồi hãy báo cáo Chính phủ và đưa ra Quốc hội. Kinh phí tổ chức phải chốt lại con số cuối cùng, nguồn xã hội hóa và từ nước ngoài, OCA là bao nhiêu và nguồn lực của Việt Nam đến đâu... vì đây là hoạt động mang tầm quốc gia, liên quan đến toàn dân nên cần tính toán thật thấu đáo, kỹ lưỡng ở nhiều cấp. “Nếu thấy có điều kiện, có đủ khả năng làm được thì mới đăng cai. Còn nếu kinh tế khó khăn thì cũng thẳng thắn trình bày với OCA xin rút. Chứ không tính toán kỹ mà cứ quyết tâm tổ chức rồi để nợ công cho con cháu gánh là điều không được. Đăng cai ASIAD 18 là làm quy trình ngược” - ông Tiến nêu.
“Chia sẻ” thế khó đã trót đăng cai ASIAD 18 song ông Lê Như Tiến muốn Bộ VH-TT-DL trả lời cho rõ việc xã hội hóa theo cách thức nào? Nhiều công trình phục vụ đại hội như làng thể thao sau này có thể chuyển đổi công năng phục vụ dân sinh hay không?... “Tất cả mọi việc phải có phương án khả thi, không thể ngẫu hứng và phải gắn chặt trách nhiệm. Phương án rút lui cũng phải tính toán chịu phạt ra sao, ảnh hưởng đến thể thao, hình ảnh nước nhà thế nào? Mọi việc đều phải được Bộ VH-TT-DL và Chính phủ đưa lên bàn cân rồi đưa ra Quốc hội cho ý kiến, nhất là phải lắng nghe góp ý từ phía người dân” - ông Tiến kiến nghị.
GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nhìn nhận: “Tôi thấy việc kêu gọi xã hội hóa cũng rất khó khăn chứ không đơn giản. Nếu tư nhân đầu tư chắc chắn sẽ kèm những điều kiện, đơn cử như công trình xe đạp lòng chảo, nhà đầu tư Hàn Quốc đã ra kèm những điều kiện mà họ có lợi, thậm chí được kinh doanh cá cược… mà chúng ta không thể chấp nhận được”.
Xin cắt giảm cơ sở vật chất?
Theo Phó Chủ tịch VOC, ông Hoàng Vĩnh Giang, về nguyên tắc, Việt Nam vẫn phải xây dựng đầy đủ các công trình, hạng mục thể thao như đã cam kết trong hợp đồng đăng cai ASIAD với OCA. Tuy vậy, theo ông Giang, nếu tình hình kinh tế có khó khăn thì có thể xin phép chỉ xây dựng những công trình thật sự cần thiết, còn lại là tận dụng cơ sở hạ tầng đã có.
Về xã hội hóa cơ sở vật chất, ông Hoàng Vĩnh Giang cho rằng: “Nếu Bộ VH-TT-DL hay Chính phủ đứng ra huy động các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào các công trình với một số ưu đãi về thuê đất, thuế... thì chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư”. Giải thích cho việc ASIAD 18 có mức đầu tư thấp kỷ lục so với các ASIAD gần đây, ông Giang cho hay sở dĩ Việt Nam chạy đua đăng cai là vì OCA đồng ý giảm xuống khoảng 30 môn trong chương trình thi đấu của đại hội trong khi trước đây là 35-36 môn, thậm chí ở Quảng Châu 2010 là 42 môn, vậy nên thuận lợi cho Việt Nam. Nhiều môn thể thao theo quy định phải có trong ASIAD nhưng Việt Nam sẽ không cần phải tổ chức vì ở nước ta hiện nay chưa phát triển ở phong trào, đội ngũ VĐV và cơ sở vật chất như: đua ngựa, 5 môn phối hợp hiện đại, hockey, bóng bầu dục...
Cũng theo ông Giang, trong hợp đồng đăng cai tổ chức ASIAD 18 với OCA, Việt Nam đã cam kết xây mới một số công trình để đáp ứng được yêu cầu tổ chức ASIAD, như: sân đua xe đạp lòng chảo, nhà thi đấu đa năng, 1 cụm sân tennis, làng vận động viên, 1 trường bắn súng song có thuận lợi là SEA Games 22 đã xây mới toàn bộ các công trình, trong đó đáng kể nhất là Khu Liên hợp thể thao quốc gia đã đáp ứng được 80% nhu cầu của ASIAD 18.