xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bão tan, lại lo lũ nguy hiểm

NHÓM PHÓNG VIÊN

Mặc dù cơn bão số 7 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới sau khi đổ bộ vào đất liền nhưng các địa phương miền Trung vẫn khẩn trương triển khai công tác đối phó những tác động của nó

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, chiều 6-10, sau khi đi vào vùng biển các tỉnh Bình Định - Phú Yên, bão số 7 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25 km, tiếp tục tiến sâu vào đất liền, sau đó suy yếu thành một vùng áp thấp và tan dần.

Khẩn trương phòng lũ

Cùng ngày, ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Phó Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão (PCLB) và Tìm kiếm cứu nạn Trung ương, đã đến thị xã Sông Cầu - Phú Yên để chỉ đạo công tác phòng chống bão số 7.

Trước đó, chính quyền tỉnh Phú Yên đã sơ tán 2.281 hộ với hơn 7.000 người ở vùng trũng thấp, vùng bị triều cường uy hiếp đến nơi an toàn. Tại thôn 2, xã Xuân Hải, thị xã Sông Cầu - được dự báo là nơi tâm bão sẽ đi qua - thanh niên địa phương đã đưa 357 tàu thuyền lên cao và di dời 160 hộ dân ra khỏi vùng triều cường uy hiếp.

img
Người dân xã Xuân Hải, thị xã Sông Cầu - Phú Yên đưa tàu thuyền từ vùng triều cường vào nơi tránh trú. Ảnh: HỒNG ÁNH

Theo ông Cao Đức Phát, điều lo lắng nhất hiện nay là tình trạng lũ sau bão. “Lượng mưa trung bình đo được trong ngày 6-10 chỉ hơn 100 mm. Tuy nhiên, dự báo  mưa lớn sẽ xảy ra ở Tây Nguyên nên có khả năng xuất hiện lũ nguy hiểm như năm 2009” - Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận định.

Tại Bình Định, ông Phạm Văn Trà, Phó trưởng Ban PCLB huyện Phù Mỹ, cho biết các lực lượng chức năng đã di dời 150 hộ dân ở thôn Phú Hòa, xã Mỹ Đức đến nơi an toàn. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra việc chằng chống nhà cửa của nhân dân; neo đậu tàu cá an toàn, tránh va đập tại các âu thuyền.

Các ban PCLB huyện Tuy Phước và TP Quy Nhơn cũng khẩn trương kiểm tra các công trình trọng điểm, vận động người dân vùng triều cường uy hiếp tại các xã ven biển, các hộ dân có nhà cửa không an toàn vào nơi lánh nạn.

Di dời dân, bảo vệ đập

Dù bão số 7 không trực tiếp đổ bộ vào Quảng Ngãi nhưng do hoàn lưu bão mạnh, trong ngày 6-10, toàn tỉnh liên tục có mưa lớn, mực nước trên sông Trà Khúc cũng bắt đầu dâng cao.

Nhằm hạn chế những thiệt hại do bão, lũ gây ra, công tác di dời, sơ tán nhân dân ở những vùng có nguy cơ rủi ro cao đang được các địa phương của tỉnh Quảng Ngãi triển khai khẩn trương. Ông Lê Văn Mùi, Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ, cho biết chính quyền nơi đây đã tổ chức di dời 10 hộ dân nằm trên một cồn cát gần biển ở thôn Thạch Đức, xã Phổ Thạnh; các tàu thuyền cũng đã được neo trú cẩn thận, an toàn; toàn bộ người dân ở những vùng nguy hiểm đã được di dời.

Theo ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My - Quảng Nam, trong khoảng thời gian từ 20  giờ đến 22 giờ ngày 5-10, khu vực thủy điện Sông Tranh 2 đã xảy ra 2 đợt rung chấn. Hai ngày qua, lượng mưa đổ về ít nên nước trong hồ thủy điện Sông Tranh 2 chỉ mới dâng trên mực nước chết thêm 1 m, hiện ở cao trình 141 m. UBND huyện Bắc Trà My đã chỉ đạo các cơ quan chức năng túc trực 24/24 giờ trong các ngày nghỉ để giúp dân ứng phó và bảo vệ tài sản. Ban Quản lý thủy điện Sông Tranh 2 cũng đã lên phương án bảo vệ đập.

Tại Đà Nẵng, ông Trần Văn Trường, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, cho biết cơ quan này đã tăng cường kiểm tra công tác PCLB trên địa bàn 11 xã, các công trình hồ, đập chứa nước và yêu cầu các địa phương tăng cường tuyên truyền về các khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai; đặc biệt là nhân dân sinh sống ở khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở núi, sạt lở ven sông, suối và những vùng thấp lụt.

Nhiều chuyến bay bị hoãn, hủy

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA) cho biết có khoảng 1.900 hành khách bị ảnh hưởng vì điều chỉnh lịch bay để tránh bão số 7.

Nhằm bảo đảm an toàn, VNA đã điều chỉnh lịch khai thác một số chuyến bay đến/đi từ các sân bay khu vực miền Trung gồm: Đà Nẵng, Phù Cát (Bình Định), Chu Lai (Quảng Nam), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Pleiku (Gia Lai), Cam Ranh (Khánh Hòa). Theo đó, tính đến 14 giờ ngày 6-10, có 3 chuyến bay (Hà Nội - Buôn Ma Thuột, Chu Lai - Hà Nội và TPHCM - Quy Nhơn) bị hủy. Ngoài ra, 16 chuyến bay khác từ Hà Nội và TPHCM khai thác muộn hơn đến khu vực miền Trung cũng bị hủy để bố trí lịch bay vào ngày 7-10. Trong ngày hôm nay (7-10), VNA sẽ tăng chuyến để giải tỏa hành khách bị kẹt lại do bão.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo