xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bắt ruộng hoang cho vàng

Bài và ảnh: Nguyễn Việt Cường

Trong khi nông dân nhiều nơi chán làm ruộng thì ông Nguyễn Kim Cương nỗ lực biến những cánh đồng hoang cho mùa vàng bội thu với doanh thu tiền tỉ

Về làng Cổ Chẩm (xã Việt Hồng, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) hỏi ông Nguyễn Kim Cương thì ai cũng biết. Nhiều người gọi ông là người cứu những cánh đồng hoang.

Dám nghĩ dám làm

Hỏi đường về nhà ông Cương, một nông dân đang chăm sóc lúa trên đồng bảo: "Chú phải sang bên kia sông. Nhà bác Cương ở bên đấy. Bác Cương chính là người lái đò đấy. Bác Cương đã thuê toàn bộ ruộng bên kia của dân trong xã. Bác ấy giỏi lắm, dám nghĩ dám làm, bắt những cánh đồng hoang đem lại mùa vàng bội thu".

Khi được hỏi nguyên nhân vì sao bà con lại bỏ ruộng, nông dân này nói: "Ở đây, mỗi hộ ít nhiều đều có một vài mảnh ruộng bên ấy. Vì cách trở đò giang, diện tích bên kia sông của mỗi hộ đã ít lại xa nhà nên nhiều người ngại đi lại. Bên cạnh đó, việc cấy lúa không mấy hiệu quả khiến ai cũng chán ruộng và dần dần bỏ hoang, không cấy lúa nữa. Nhà tôi cũng có mấy mảnh ruộng bên đó. Mấy năm nay cũng bỏ không cấy và cho bác ấy thuê. Chúng tôi chỉ cấy ruộng bên này cho gần nhà thôi".

Bắt ruộng hoang cho vàng - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Kim Cương với những mẫu ruộng từng bỏ hoang nay đang “đẻ” ra vàng

Theo chỉ dẫn, tôi đi dọc đường làng chạy thẳng lên đê ra bến đò sông Rạng. Mùa này, sông Rạng hiền hòa. Dưới bến, chủ đò đã cẩn thận ghi lại số điện thoại di động vào chiếc bảng nhỏ, cắm ở đó cho khách tiện liên hệ để qua sông. Tôi bấm điện thoại, có tiếng đàn ông trả lời: "Tôi thấy rồi, tôi sang ngay đây, chú đợi tí nhé". Bên này sông, tôi thấy người chủ đò từ ngôi nhà nhỏ trên bến xuống khởi động máy đưa đò sang sông.

Ông Cương độ tuổi ngoài 50, da ngăm đen, rắn rỏi, phong trần. Trò chuyện với ông, tôi được biết lúc trước nhà ông ở trong làng Cổ Chẩm. Đầu những năm 1990, địa phương vận động nhân dân trong làng sang bên kia sông định cư để sản xuất và đồng thời giãn dân trong làng. Gia đình ông Cương cùng một số hộ nữa sang sông định cư từ đó.

Vì vùng bên kia sông khá rộng nên ngoài những gia đình trong làng đến định cư, địa phương còn chia ruộng cho hàng trăm hộ trong thôn, trong xã để họ sản xuất. Vì vậy, xã lập bến đò để dân hai bên sông qua lại. Sau đó, bến đò dừng hoạt động, mãi đến cuối năm 2016, ông Cương nhận thầu khôi phục lại bến đò để chở khách.

Không sợ "công dã tràng"

Đò cập bến, tôi với ông Cương lên ngôi nhà nhỏ. Ngồi uống nước, chúng tôi trò chuyện về việc ông "cứu" những cánh đồng hoang và bắt nó "đẻ" ra vàng.

Ông Cương kể vùng này được gọi là bãi soi, trước đây rộng vài trăm mẫu. Sau đó có dự án xây dựng nhà máy rác thải về xây dựng đã lấy quá nửa diện tích, chỉ còn lại hơn 80 mẫu ruộng.

Từ những năm 2008, dân trong thôn Cổ Chẩm và các thôn khác lác đác bỏ ruộng không cấy. Ruộng ở đây trũng, mỗi khi mưa bão đến thì toàn bộ diện tích bị ngập, chỉ cấy được một vụ, cộng với cách sông cách đò. Vì vậy, diện tích ruộng bỏ hoang ngày càng nhiều. Đến năm 2012, toàn bộ 80 mẫu ruộng ở đây gần như để hoang.

Nhìn cánh đồng rộng mênh mông bị bỏ hoang, cỏ năn, cỏ lác mọc um tùm, ông Cương không khỏi xót xa. Ông trăn trở nếu được sử dụng toàn bộ diện tích này thì bằng mọi giá sẽ biến nó thành vùng đất trù phú.

Mang trăn trở này trò chuyện với nhiều người thân, bạn bè, có người ủng hộ, khuyến khích; có người can ngăn vì họ cho rằng đồng một vụ cấy lúa thì ăn gì? Vả lại, vì cấy lúa không hiệu quả người ta mới bỏ, nay lại làm những cái người ta đang bỏ không khéo công toi, coi chừng "công dã tràng".

Người can ngăn đưa ra nhiều lý do, ông nghe cũng có lý. Nhưng rồi ông lại nghĩ khác, người dân bỏ ruộng vì mỗi hộ chỉ có vài ba mảnh, diện tích ít, manh mún lại nằm xa nhà, ruộng cấy một vụ không thuận tiện, khó khăn trong canh tác, tốn nhiều chi phí chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và các dịch vụ khác nên phần thu về chẳng đáng bao nhiêu. Vì vậy, người dân mới bỏ ruộng. Còn nếu toàn quyền sử dụng số diện tích này, ông sẽ cải tạo đất, đắp bờ, khoanh vùng điều tiết nước ra vào đồng hợp lý thì sẽ không ngập úng để cấy 2 vụ/năm. Rồi ông sẽ đầu tư máy móc, cơ giới hóa trong sản xuất thì sẽ không mất nhiều công. Chưa kể nếu tìm giống lúa hàng hóa để sản xuất thì chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả kinh tế... Làm được những việc này thì không còn lo gì đồng đất phụ công người, rồi những cánh đồng hoang này sẽ cho vụ mùa bội thu.

Nghĩ vậy, ông Cương bắt tay vào thực hiện kế hoạch. Ông lên làm việc với xã và đến từng hộ dân để trình bày nguyện vọng thuê ruộng công điền của xã và ruộng cấy của dân bỏ không để sản xuất. Lãnh đạo xã Việt Hồng rất đồng tình, người dân cũng đồng ý cho ông Cương thuê đất. Mọi thủ tục về thuê đất được chính quyền và người dân tạo điều kiện thuận lợi nhất. Một thời gian sau, ông chính thức có quyền sử dụng hơn 80 mẫu ruộng hoang.

Ông Cương dẫn tôi ra khu đồng mấy chục mẫu để hoang ngày nào nay đã trở thành cánh đồng trù phú, cho thu hoạch 2 vụ/năm. Toàn bộ cánh đồng nằm dưới chân đê sông Rạng.

Ông Cương chỉ về phía cánh đồng mênh mông và giới thiệu: "Để có được cánh đồng gọn gàng như hôm nay, tôi phải mất rất nhiều ngày tháng với bao công sức, tiền bạc". Cánh đồng trước mặt tôi được ông cải tạo, khoanh vùng theo lô, trên bờ lô trồng hàng ngàn khóm chuối xanh mướt. Vụ lúa nếp chiêm xuân của ông mới thu hoạch xong.

Ông Cương tâm sự: "Để có tiền đầu tư sản xuất trên diện tích 80 mẫu ruộng, tôi phải bán 9 con trâu, đồng thời vay hàng trăm triệu đồng từ ngân hàng để cải tạo, chỉnh trang đồng ruộng. Được cái mọi việc, vợ tôi rất ủng hộ, thậm chí bà ấy còn hăng hái làm hơn tôi nên mọi việc khá thuận lợi".

Ông Cương đã thuê máy múc đào đắp 900 m bờ vùng chính, đắp bờ rộng 3 m, cao 1 m so với chân ruộng. Sau đó, tiếp tục đắp toàn bộ hệ thống mương bao gồm 1 mương chính dài 600 m và 3 con mương ngang, mỗi mương dài hàng trăm mét có sẵn đều được nạo vét hoặc đào mở rộng để điều tiết nước vào, nước ra chống ngập úng. Phát dọn quang cỏ năn, cỏ lác, san gạt bằng phẳng mặt ruộng để cấy lúa.

Suốt mùa khô năm 2013, cả cánh đồng bãi soi như một công trường cải tạo, chỉnh trang đồng ruộng. Sau khi hoàn thành cải tạo, ông Cương chính thức lấy nước đổ ải để cấy vụ chiêm xuân đầu tiên vào năm 2014.

Cho những vụ mùa bội thu

Vụ chiêm xuân năm 2014, ông Cương dành 40 mẫu để trồng lúa, 10 mẫu trồng chuối, ngoài ra xen kẽ trồng mít. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, ông đầu tư gần 200 triệu đồng mua 3 máy cày, 4 máy bơm nước cỡ lớn, 2 máy tuốt lúa.

Ông không cấy lúa tẻ mà tập trung cấy hoàn toàn lúa nếp, với giống lúa chủ đạo là nếp cái hoa vàng và nếp Thái Bình. Khi tôi hỏi vì sao không cấy lúa tẻ mà chuyên lúa nếp, ông Cương lý giải rằng lúa nếp thời gian trồng và thu hoạch ngắn ngày hơn lúa tẻ. Hơn nữa, lúa nếp thương phẩm bán được giá nên thu nhập cũng cao hơn lúa tẻ.

Hằng ngày, ông Cương cùng vợ và các con có mặt trên đồng ruộng, lúc thì phun thuốc, bón phân cho lúa; lúc lại đánh vồng trồng chuối, bơm nước vào đồng, bơm nước tưới chuối, chẳng bao giờ hết việc. Những nỗ lực của ông và các thành viên trong gia đình đã được đền đáp bằng những mùa vàng của lúa.

Ông Cương hồ hởi: "Với riêng cây lúa, vụ đầu trừ chi phí, tôi lãi gần 200 triệu đồng, chưa kể hàng ngàn gốc chuối cũng cho thu lãi vài chục triệu đồng".

Hiện mỗi vụ, ông Nguyễn Kim Cương thu hoạch bình quân khoảng 50 tấn thóc nếp, đạt doanh thu 450 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 300 triệu đồng. Mỗi năm thu hoạch từ lúa, chuối hơn 1 tỉ đồng, trừ chi phí còn lãi gần 700 triệu đồng.

Mong được thuê đất lâu dài

Hiện nay, điều trăn trở nhất của ông Nguyễn Kim Cương là do thời hạn được thuê đất ngắn nên không dám đầu tư phương tiện, máy móc hiện đại hơn để phát triển sản xuất lâu dài. Ông chỉ mong sao nhà nước cùng các cấp chính quyền có chính sách cho thuê đất lâu dài để những người như ông có thêm niềm tin, động lực tiếp tục đầu tư đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập từ cây lúa.

CÁC ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH:

Bắt ruộng hoang cho vàng - Ảnh 4. Bắt ruộng hoang cho vàng - Ảnh 4. Bắt ruộng hoang cho vàng - Ảnh 4. Bắt ruộng hoang cho vàng - Ảnh 4.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo