xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bi hài đời trưởng thôn

TUẤN MINH - TRẦN THƯỜNG - HỒNG ÁNH

Không quyền cao chức trọng, lương bổng cũng chẳng đáng là bao nhưng nhiều trưởng thôn (ấp/xóm/khu phố) trên khắp cả nước vẫn ngày ngày cần mẫn “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Gắn với những con người bình dị này là vô số câu chuyện ít ai ngờ

Dù năm nay đã 63 tuổi nhưng ông Nguyễn Huy Báu - trưởng thôn Nhuệ Thôn, xã Thuần Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa - vẫn luôn hăng say việc làng, việc nước.

Hết lòng vì 2 chữ tín nhiệm

Sinh ra trong thời kháng chiến chống Mỹ, vừa đủ tuổi là ông Báu lên đường nhập ngũ. Năm 1976, ông bị thương và chuyển về địa phương điều trị. Lúc này, ông mới ngoài 25 tuổi và được người dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn Nhuệ Thôn.

“Từ khi nhận nhiệm vụ, lúc nào tôi cũng bề bộn công việc, từ việc nước cho đến những chuyện nhỏ nhặt nhất trong thôn như giải quyết tranh cãi mất con gà, con vịt… Cứ có chuyện, người ta lại gọi trưởng thôn. Nhiều khi tới bữa cơm, tôi cũng không kịp ăn vì vừa nâng bát đã có người gọi. Nửa đêm về sáng, cứ trong thôn có việc là tôi lại co chân chạy” - ông Báu tâm sự.

Đã 38 năm trôi qua, ông Nguyễn Huy Báu (cầm micro) luôn được người dân thôn Nhuệ Thôn, xã Thuần Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa tín nhiệm Ảnh: TUẤN MINH

Đã 38 năm trôi qua, ông Nguyễn Huy Báu (cầm micro) luôn được người dân thôn Nhuệ Thôn, xã Thuần Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa tín nhiệm. Ảnh: TUẤN MINH

Vì tận tình với công việc nên tính đến nay đã 38 năm, cứ đến đợt bầu trưởng thôn là người dân lại tin tưởng chọn ông Báu. “Nhiều lúc thấy mình già lắm rồi, muốn nghỉ ngơi nhưng dân họ vẫn cứ tín nhiệm. Với lại, lớp trẻ giờ đây chẳng ai muốn làm cái chức này, việc ngập đầu nhưng lương, chế độ không có, mỗi tháng chỉ được mấy trăm ngàn đồng tiền hỗ trợ. Vì thế, tôi tâm niệm nếu dân còn tín nhiệm, mình còn sức khỏe thì tôi sẽ tiếp tục cống hiến” - ông bộc bạch.

Cũng vì 2 chữ “tín nhiệm” của người dân mà ông Trần Ngọc Sơn - trưởng thôn Tân Phú, xã Tam Phú, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam - đã tự động viên mình vượt qua những áp lực để làm hết trách nhiệm. Ông Sơn cho biết công việc trưởng thôn không nặng nề nhưng phải có tính kiên nhẫn, chịu đựng tốt mới làm được, nhất là khi phổ biến, triển khai các chủ trương của Đảng, nhà nước. Điều làm ông đau đầu nhất khi làm trưởng thôn là mỗi khi bầu chọn hộ nghèo để hưởng chế độ của nhà nước. “Ai cũng muốn... nghèo, muốn lợi cho mình nên khi bình bầu, tôi luôn chịu cảnh trách móc, mắng chửi vì họ cho rằng trưởng thôn bầu chọn không công bằng” - ông than.

Tuy nhiên, ông Sơn cũng quan niệm làm trưởng thôn dù có người thương, người ghét nhưng điều quan trọng là hiểu được dân. “Phải làm tốt công tác tuyên truyền, tạo được lòng tin cho người dân chứ 9 người 10 ý, ai cũng muốn quyền lợi về mình nên rất phức tạp. Bởi thế, người ta mới nói dân vận không tốt là dân giận” - ông giãi bày.

Tự dưng mang họa

Làm trưởng thôn ngoài việc căng mình với nhiệm vụ mà nhà nước giao phó, người “vác tù và hàng tổng” còn phải đối mặt với vô vàn khó khăn, rắc rối và cả những chuyện cười ra nước mắt.

Là người có thâm niên gần 10 năm làm trưởng thôn, ông Nguyễn Thanh Ba - nguyên trưởng thôn 2, làng Thanh Sơn, xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa - vẫn còn nhớ nhiều kỷ niệm “khiếp vía”. “Có lần, gia đình tôi đang ngồi ăn cơm thì một người trong thôn chạy đến nhà hùng hổ chửi bới. Anh ta ném cả gạch đá vào mâm cơm làm cả gia đình náo loạn. Phải kiềm chế rồi khuyên giải, tôi mới biết nguyên nhân là do gia đình anh ta không đóng tiền điện và bị cắt điện nên đến nhà tôi làm loạn. Sau khi được tôi mời vào nhà uống nước, phân tích thấu đáo, anh ta vui vẻ ra về” - ông nhớ lại.

Nhà thơ bất đắc dĩ - ông Trần Ngọc Sơn - trưởng thôn Tân Phú, xã Tam Phú, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam Ảnh: TRẦN THƯỜNG

Nhà thơ bất đắc dĩ - ông Trần Ngọc Sơn - trưởng thôn Tân Phú, xã Tam Phú, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: TRẦN THƯỜNG

Ông Ba cho biết làm trưởng thôn không chỉ vất vả mà nhiều lúc còn bị thù hằn, oán hận và mang phiền toái về cho gia đình, vợ con. Ông kể có lần vì 2 đứa trẻ tranh nhau một tổ chim dẫn đến 2 gia đình lao vào đánh đấm loạn xạ. Ông đến can ngăn thì bị một người đánh trọng thương phải nhập viện.

“Sau lần đó, gia đình nhất quyết không cho tôi làm trưởng thôn nữa nhưng vì người dân tín nhiệm nên tôi vẫn tiếp tục làm. Đến năm 2006, do vết thương tái phát, con cái đi làm ăn xa hết nên tôi xin nghỉ” - ông Ba nói.

Khổ vì cưới hỏi, tiệc tùng

Tiếp xúc với nhiều trưởng thôn, cứ mỗi lần đề cập chuyện quyền lợi, lương bổng, chúng tôi đều nhận được những nụ cười xuề xòa của họ. Có lẽ câu nói “không đủ để đi ăn cưới nữa” đã lột tả hết mọi việc.

Bà Nguyễn Thị Lưu, 68 tuổi, có 31 năm làm trưởng thôn Tuy Dương, xã An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên nhưng lương hiện nay chỉ hơn 1,4 triệu đồng. “Tháng 4 âm lịch vừa qua, trong thôn có đến 12 đám cưới. Đám nào cũng phải đi quà 200.000 đồng, tôi phải mượn tiền hưu của ông nhà để đi chứ lương mình sao đủ? Đó là chưa kể các khoản đi thăm bệnh, tang chế…” - bà kể.

Theo bà Lưu, chuyện lo tiền trang trải những chi phí nêu trên không quan trọng vì dù sao cũng là hàng xóm láng giềng. Điều bà ngán nhất là phải “chạy sô” ăn tiệc. “Có ngày hết đám giỗ nhà nọ lại đến đám cúng nhà kia, chưa xong đã tới đám cưới nhà này. Ăn sao nổi, mà không đi thì họ bảo mình bên trọng bên khinh, đến tối về cứ rã rời” - bà Lưu tâm sự.

Cũng khổ vì bị mời liên tục, trưởng thôn Tỉnh Thủy, xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam - ông Nguyễn Như Khiết, thổ lộ: “Biết rằng người ta quý mình mới mời nên tôi không thể không đi. Mà đi đám tiệc nào thì cũng vậy, lẽ nào đến tay không nên khi thì tiền mặt, trái cây, lúc chai rượu. Tiền lương thì ba cọc ba đồng nên nhiều khi tôi phải ngửa tay xin tiền vợ con, cũng ngại lắm!” .

Nịnh vợ bằng thơ

Đi sớm về muộn lại hay làm việc bao đồng nên chuyện các trưởng thôn bị bạn đời cằn nhằn là điều không tránh khỏi. Để làm dịu cơn giận của vợ trong một lần về quá muộn, trưởng thôn Tân Phú, xã Tam Phú, TP Tam Kỳ - ông Trần Ngọc Sơn - đã “xuất khẩu thành thơ”: Đi làm cán bộ cũng vui/ Ngày qua tháng lại tối thui mới về/ Về nhà vợ trách con chê/ Đi làm cán bộ sao về nửa đêm?/ Tiền phụ cấp chẳng có thêm/ Chỉ mấy trăm bạc đưa em đỡ nghèo…

Kỳ tới: Nữ lão tướng miền sơn cước

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo