xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bộ trưởng GD-ĐT nhận lỗi

Hoàng lan anh

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận thừa nhận chưa cân nhắc hết tính phức tạp và hiệu ứng ngược của những giải pháp xét tuyển vừa qua

Chiều 21-8, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Vũ Luận đã báo cáo với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc triển khai công tác xét tuyển ĐH, CĐ đợt 1. Bộ trưởng đã chính thức nhận trách nhiệm về những bất cập trong đợt xét tuyển vừa qua.

Áy náy, nhận trách nhiệm

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận trong quá trình tổ chức xét tuyển đã phát sinh những vướng mắc làm ảnh hưởng tới một bộ phận thí sinh (TS). Nguyên nhân do phương pháp thực hiện chưa tốt; việc cung cấp thông tin cho TS chưa đầy đủ; do ngưỡng nhận hồ sơ xét tuyển của các trường đồng loạt để quá thấp mà không có sự phân tầng theo chất lượng đào tạo.

Đợt xét tuyển ĐH, CĐ đầu tiên gây nhiều khó khăn cho thí sinhẢnh: TẤN THẠNH
Đợt xét tuyển ĐH, CĐ đầu tiên gây nhiều khó khăn cho thí sinhẢnh: TẤN THẠNH

“Xét tuyển ĐH, CĐ đợt 1 đã bộc lộ một số bất cập. Thứ nhất là để TS đăng ký 4 ngành, được điều chỉnh nguyện vọng trong thời gian tới 20 ngày. Thứ hai là quy định liên quan đến hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) chưa được hợp lý, tạo ra sự lo lắng, căng thẳng cho nhiều TS và phụ huynh. Tình trạng đi lại chầu chực tại các trường ĐH gây nên sự tốn kém, phiền hà, lo lắng trong xã hội. Nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, trong đó có phần trách nhiệm lớn của Bộ GD-ĐT là chưa cân nhắc hết tính phức tạp và hiệu ứng ngược của những giải pháp khi thiết kế tạo điều thuận lợi cho TS. Thay mặt Bộ GD-ĐT, tôi xin nhận trách nhiệm” - ông Luận nói.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cũng nhìn nhận có những vấn đề mà Bộ GD-ĐT không lường trước được như tâm lý của người nhà và TS luôn muốn đến trường để rút - nộp hồ sơ. “Bởi vậy, đã có rất nhiều TS phải đi xa vất vả, điều này khiến chúng tôi rất áy náy” - ông Ga bày tỏ.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận những cố gắng của Bộ GD-ĐT cũng như đóng góp của người dân, chính quyền các cấp và toàn thể xã hội trong việc tổ chức kỳ thi quốc gia THPT về cơ bản đạt mục tiêu như chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, việc sử dụng kết quả kỳ thi vẫn chưa tốt. Mục tiêu ban đầu của kỳ thi là tạo thuận lợi, công bằng cho thí sinh nhưng còn để nhiều người dân và TS phiền hà, rất vất vả, hoang mang.

Sẽ xây dựng lại quy chế tuyển sinh

Đánh giá sau đợt xét tuyển đầu tiên, PGS Văn Như Cương, Chủ tịch HĐQT Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), cho rằng kỳ thi này đã thất bại hoàn toàn vì không đạt được các mục tiêu đề ra là tiết kiệm, giảm căng thẳng cho học sinh cũng như lựa chọn được TS phù hợp với từng trường. “Hàng chục ngàn phụ huynh, học sinh kéo nhau về thành phố ăn chực nằm chờ cả tuần liền, tốn kém tiền bạc để chờ rút - nộp hồ sơ thì không thể coi là tiết kiệm” - PGS Cương đánh giá.

Tiến sĩ Trần Mạnh Dũng, Trưởng Phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng, cho rằng cần điều chỉnh ĐKXT hợp lý hơn, ví dụ rút ngắn thời gian xét tuyển xuống 10 ngày hoặc cho phép ĐKXT trực tuyến để giảm căng thẳng cho cả các trường và TS. Cũng theo ông Dũng, những năm tiếp theo nên hạn chế số nguyện vọng/đợt để tránh gây rối loạn.

Để những kỳ xét tuyển sau thực sự có thể giảm áp lực cho TS và phụ huynh, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng lại quy chế tuyển sinh cho phù hợp, hài hòa giữa quyền tự chủ của các trường và lợi ích của TS. Đặc biệt, bộ sẽ tham khảo tâm lý, nhu cầu của thí sinh và xã hội.

Về việc này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh sẽ chỉ đạo các trường ĐH, CĐ nhanh chóng công bố kết quả xét tuyển đợt 1, đồng thời công bố ngay chỉ tiêu còn lại trong đợt 2 cũng như kết quả xét tuyển khi các trường có đủ hồ sơ đăng ký của TS.

“Việc sử dụng hệ thống quản lý thi quốc gia sẽ hạn chế tối đa các tiêu cực trong quá trình xét tuyển vì không một đơn vị nào có thể thay đổi dữ liệu thi của TS” - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói.

 

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, đến hết ngày 20-8, có gần 570.000 thí sinh ĐKXT vào các trường ĐH, CĐ. Trong đó, khoảng 43.000 TS thay đổi nguyện vọng, chiếm 8,1%, chủ yếu tập trung ở 30 trường tốp trên.

 

Thuê xe cấp cứu đi... rút hồ sơ

Ngày 21-8, ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Tĩnh, xác nhận vào ngày 20-8, xe cấp cứu đơn vị này có chở một TS từ Hà Tĩnh ra Hà Nội để làm thủ tục ĐKXT. Người thuê xe là chị N.T.T, ở khối 5, phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh. Được biết, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia vừa qua, con chị T. là TS T.C.C đạt 25,75 điểm và đăng ký nguyện vọng 1 vào Học viện An ninh. Đến gần 11 giờ ngày 20-8 (ngày xét tuyển nguyện vọng 1 cuối cùng), gia đình TS C. quyết định ra Hà Nội gấp để đến Học viện An ninh rút hồ sơ cho kịp thời gian nộp vào Trường ĐH Bách khoa (trước 17 giờ cùng ngày). Để không bị trễ, gia đình chị T. gọi điện thoại tới Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Tĩnh thuê xe, báo thông tin giả chở người nhà bị bệnh. Nhờ cách này mà TS C. đã kịp giờ rút và nộp hồ sơ nhưng ngược lại, tốn 4,8 triệu đồng thuê xe cấp cứu cho quãng đường trên 350 km.H.Vũ

 

 

Điều chỉnh để đợt 2 bớt rối

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những điều chỉnh cho đợt 2, được cho là có lợi cho thí sinh

YẾN ANH

Ngày 21-8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có công văn gửi các trường ĐH, hướng dẫn đăng ký xét tuyển (ĐKXT) trong đợt 2 nguyện vọng bổ sung để tránh tình trạng “rối như tơ vò”.

Đăng ký theo mã vạch

Ở đợt 1, thí sinh (TS) muốn ĐKXT phải nộp hồ sơ bao gồm phiếu ĐKXT có ghi rõ đợt xét tuyển cùng bản gốc giấy chứng nhận kết quả thi ghi rõ đợt xét tuyển và điểm của tất cả các môn thi mà TS đã đăng ký dự thi có đóng dấu đỏ của trường chủ trì cụm thi. Tuy nhiên, ở đợt xét tuyển lần 2, bắt đầu từ ngày 25-8, TS chỉ cần sử dụng số mã vạch của mỗi giấy chứng nhận kết quả thi để ĐKXT vào một trường duy nhất và có thể lựa chọn gửi phiếu ĐKXT tại sở GD-ĐT hoặc trường THPT do sở này quy định; qua đường bưu điện bằng hình thức chuyển phát nhanh hoặc nộp tại trường ĐH, CĐ mà TS có nguyện vọng ĐKXT.

Theo quy định, với 3 giấy chứng nhận kết quả thi sử dụng cho đợt xét tuyển bổ sung với 3 mã vạch khác nhau, TS có thể đăng ký tối đa 3 trường, mỗi trường đăng ký tối đa 4 ngành (hoặc nhóm ngành), nguyện vọng được xếp thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4. Mỗi nguyện vọng cần chỉ rõ ngành ĐKXT và tổ hợp môn thi dùng để xét tuyển. Với cách thức này, nếu đợt 2 không trúng tuyển, TS không phải đến các trường rút chứng nhận kết quả thi để đăng ký đợt tiếp theo. Chỉ đến khi trúng tuyển, TS mang theo giấy chứng nhận kết quả thi để làm thủ tục nhập học tại trường. “Trong đợt 2 sẽ không có việc điều chỉnh các nguyện vọng đăng ký như đợt 1. TS chỉ đăng ký bằng một phiếu ĐKXT lấy trên mạng, gửi về các trường qua sở GD-ĐT, các trường THPT nơi các em học tập. Chúng tôi bảo đảm những thông tin này sẽ được chuyển về nơi các TS có nguyện vọng đăng ký” - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định.

Ngoài gỡ rối ĐKXT, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các sở GD-ĐT trong thời gian quy định đối với mỗi đợt ĐKXT, tổ chức tiếp nhận ĐKXT, chuyển dữ liệu ĐKXT của thí sinh cho các trường ĐH, CĐ và lưu giữ phiếu ĐKXT. Riêng các trường ĐH, CĐ vẫn phải thường xuyên cập nhật thông tin ĐKXT và danh sách TS vào dữ liệu ĐKXT của trường mình. Các trường cũng có trách nhiệm tổ chức xét tuyển, công bố kết quả trúng tuyển trên trang thông tin điện tử của trường và chuyển giấy báo trúng tuyển cho TS.

Không phải “ngược xuôi”

Cách xét tuyển này tạo nhiều thuận lợi hơn cho TS. Phụ huynh và người nhà không phải vất vả ngược xuôi về các thành phố lớn để rút - nộp hồ sơ gây nên tình trạng quá tải, căng thẳng như đã từng xảy ra ở đợt 1.

Tuy nhiên, PGS Văn Như Cương, Chủ tịch HĐQT Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), đặt câu hỏi: Tại sao Bộ GD-ĐT không áp dụng cách xét tuyển này ngay trong đợt 1 để khỏi biến cuộc đua vào ĐH trở thành sàn chứng khoán của các TS, phụ huynh? PGS Lê Trọng Thắng, Trường ĐH Mỏ - Địa chất, cũng cho rằng cách xét tuyển này nên dùng trong đợt 1 thì hợp lý hơn. “Quan điểm của tôi hơi ngược Bộ GD-ĐT, tức là đợt 1 TS chỉ có một nguyện vọng vào một trường và không được rút hồ sơ. Ai trượt thì nộp hồ sơ vào đợt 2, lúc ấy sẽ được rút hồ sơ thoải mái để xét tuyển vào trường khác nếu không có cơ hội” - ông Thắng nói.

Lý giải việc này, lãnh đạo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết việc đăng ký xét tuyển theo mã vạch chỉ thực hiện được ở đợt xét tuyển bổ sung chứ không thể áp dụng cho đợt 1 vốn cho phép TS được rút - nộp hồ sơ, thay đổi nguyện vọng không giới hạn số lần.

Câu trả lời chưa khiến các chuyên gia hài lòng bởi dữ liệu kết quả thi nằm ở kho dữ liệu của Bộ GD-ĐT. “Vấn đề này hoàn toàn có thể dùng công nghệ thông tin xử lý, tại sao lại bắt các thí sinh đến tận nơi để rút hồ sơ? Ngay cả khi Bộ GD-ĐT chữa cháy bằng văn bản hướng dẫn rút hồ sơ tại sở GD-ĐT thì cũng đã muộn rồi, tất cả học sinh đều muốn đến tận các trường để yên tâm là hồ sơ của mình đã được nộp” - PGS Văn Như Cương nhận định.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo