Để nhà nước ta thực sự là nhà nước pháp quyền, trước tiên, luật pháp phải là luật pháp dân chủ. Điều đó sẽ có thể giúp tránh được sự lạm quyền của nhà nước, của quan chức và công chức không ngay ngắn, tránh bị thao túng luật pháp, không sử dụng luật pháp như công cụ khép kín trong thành phần của chủ thể quyền lực. Nguyên tắc tối thượng đặt ra là người dân có thể làm tất cả những gì luật không cấm, còn nhà nước chỉ làm những gì luật cho phép, được thừa nhận rộng rãi trong nhà nước pháp quyền và luật pháp dân chủ.
Xưa nay, quyền lực là một vấn đề nhạy cảm, một con dao hai lưỡi. Ở đâu có quyền lực ở đó có người đến luồn cúi, cầu cạnh, bớt xén... Khi quyền lực không được kiểm soát hay kiểm soát không có hiệu quả thì thật tai hại.
Ông ĐẬU ANH TUẤN, Trưởng Ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam:
Phải vì lợi ích của cả nền kinh tế
Việc sàng lọc, loại bỏ các điều kiện kinh doanh không hợp lý, vi phạm pháp luật không còn đường lùi nữa. Trong “cuộc chiến” này, dư địa để tham nhũng chính sách cũng bị loại bỏ dần.
Xu hướng rất cần được cổ vũ là sự vào cuộc của Bộ Công Thương khi quyết định bãi bỏ quy định dán nhãn năng lượng hay Thông tư 37/2015/TT-BCT quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyde và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo (formaldehyde) trong sản phẩm dệt may. Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp (DN), quy định kiểm tra hàm lượng formaldehyde và amin thơm trong sản phẩm dệt may vừa mất thời gian vừa tốn kém do phát sinh thêm phí giám định hàm lượng formaldehyde khoảng 2 triệu đồng/mẫu vải. Mỗi lô hàng nhập về làm mẫu có khi chỉ 5-10 m vải nhưng kiểm định từ 7-10 ngày, chi phí 10 USD. Chi phí thực hiện quá lớn nhưng lợi ích quản lý rất ít và ảnh hưởng đến sản xuất, khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Quy định bỏ visa cũng là một hình thức chống tham nhũng chính sách. Đối tượng được hưởng lợi là cả ngành du lịch, tạo ra cơ hội kinh doanh rất nhiều từ hiệu ứng khách quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn. Việc bãi bỏ những quy định nêu trên có thể làm giảm nguồn thu của một số lĩnh vực nhưng lợi ích thu được sẽ lớn hơn. Chính phủ kiến tạo phát triển là phải có chính sách thúc đẩy phát triển, lấy lợi ích cộng đồng, lợi ích của cả nền kinh tế là trọng tâm.
TS LÊ ĐĂNG DOANH, chuyên gia kinh tế cao cấp:
Rà soát lại hệ thống văn bản
Biểu hiện của tham nhũng chính sách là hiện tượng khi ban hành chính sách gài các quy định để có thể lạm dụng cho lợi ích nhóm. Hiện tượng này rất nhiều. Tôi lấy ví dụ quy định về DN đủ điều kiện xuất khẩu gạo của Bộ Công Thương áp dụng cả một giai đoạn dài khiến cho một đất nước có lợi thế về nông nghiệp, xuất khẩu gạo lớn trên thế giới nhưng lại chỉ một số ít DN được xuất khẩu gạo. Có doanh nhân phải sang Singapore thành lập công ty để được xuất khẩu gạo chứ không thể xuất từ Việt Nam.
Để chống tham nhũng chính sách, trước hết cần giao một đơn vị, ví dụ như Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương, rà soát lại hệ thống văn bản và nhận diện đâu là những quy định cho lợi ích nhóm, có khả năng lợi dụng tham nhũng chính sách để đề xuất chỉnh sửa. Tôi thấy những vấn đề này còn nhiều lắm. Như quy hoạch đô thị, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến là xây nhà cao tầng như thế trong nội đô không phù hợp nhưng giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội nói tất cả đều đúng quy trình.
Thủ tướng Chính phủ đã đề cập thẳng thắn đến vấn đề chống tham nhũng chính sách là rất tiến bộ nhưng để xác định rõ và thay đổi nó cần phải có quyết tâm rất cao.
Ông PHAN ĐỨC HIẾU, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương:
Thay đổi tư duy quản lý
Hậu quả của tham nhũng chính sách là rất lớn, không chỉ giới hạn ở số tiền trực tiếp xã hội mất hoặc phải chi trả cho cá nhân, tổ chức có liên quan mà nó có thể kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, làm gia tăng chi phí và rủi ro cho hoạt động kinh doanh nói chung, tạo ra sự méo mó, cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến độc quyền gây ảnh hưởng đến lợi ích người tiêu dùng; làm triệt tiêu sáng kiến, sáng tạo trong kinh doanh, thậm trí triệt tiêu cả DN làm ăn chân chính; khuyến khích kinh doanh thân hữu, không minh bạch…
Để chống tham nhũng chính sách, trước hết cần phải thay đổi tư duy quản lý và nhận thức về vai trò của chính sách, pháp luật. Cần giảm ngay việc lạm dụng chính sách, pháp luật để nhà nước can thiệp thô bạo hoặc áp đặt ý chí chủ quan của mình vào mọi quan hệ đời sống kinh tế - xã hội. Thứ nữa là phải nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quá trình xây dựng, quyết định và thông qua chính sách. Cũng cần thiết lập cơ chế “kiện quy định”; theo đó, đối tượng bị tác động bất lợi bởi chính sách có thể khởi kiện cơ quan ban hành chính sách đó. T.Hà ghi