Chánh án trả lời về dùng tiền tham nhũng thu hồi để bồi thường

28 Tháng 10, 2016 | 12:12

(NLĐO)- Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình trả lời về lo ngại nếu sinh ra nguồn quỹ sử dụng tiền thu được từ tội phạm tham nhũng để bồi thường oan sai thì các cán bộ sẽ ỉ lại vì đã có nguồn tiền bồi thường.


Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội

Sáng 28-10, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình đã trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội để làm rõ thêm về đề nghị lấy tiền tham nhũng để bồi thường oan sai được ông nêu ra trong phiên thảo luận tổ về Luật Bồi thường nhà nước chiều 27-10.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình cho hay nguyên lý chung được đặt ra là tất cả các loại tiền có được từ tội phạm để phục vụ cho cuộc đấu tranh chống tội phạm và để trang trải cho những rủi ro của cuộc đấu tranh này. Nhưng mặt khác, chúng ta phấn đấu cho một xã hội không tội phạm chứ không phấn đấu để thu được nhiều tiền từ nguồn đấy.

“Theo quy định của mình là người ta cho sung công quỹ, vào ngân sách, còn nhiều nước người ta không thế và lấy tiền đó để nuôi bộ máy. Đất nước không giàu nghèo gì chuyện ấy. Không dùng tiền ấy để nuôi bộ máy hay đầu tư, không trông cậy vào tiền ấy”- ông Nguyễn Hoà Bình nói.

Cung cấp thêm thông tin, Chánh án TAND Nguyễn Hoà Bình cho hay các khoản tiền thu được từ tội phạm không phải chỉ để chi cho bồi thường oan sai, mà còn phục vụ cho tổ chức và đấu tranh. Nhu cầu của đấu tranh là rất nhiều, thậm chí ngân sách nhà nước còn phải bỏ ra thêm nữa để mua phương tiện, trang bị cho Bộ Công an, cho cơ quan điều tra...

Trước lo ngại nếu sinh ra nguồn quỹ sử dụng tiền thu được từ tội phạm tham nhũng để bồi thường thì các cán bộ sẽ ỉ lại vì đã có nguồn tiền bồi thường, ông Nguyễn Hoà Bình khẳng định: “Không phải chỉ có tiền. Những cán bộ đã được phong các chức danh tư pháp, người ta có tự trọng của người ta, có cái sĩ diện của người ta. Không phải chỉ có chuyện bồi hoàn tiền là quan trọng nhất, mà còn có công danh, sự nghiệp, rồi còn có kỷ luật, nhất là những kỷ luật chuyên môn”.

Ông Bình cũng cho hay hiện đang xây dựng quy chế về kỷ luật nội bộ theo tinh thần rất chặt chẽ. Theo đó, xác định rõ mức nào đó thì sẽ không được phân án để làm tiếp, mức nào thì sẽ không được tái bổ nhiệm, và đến mức nào đó thì sẽ tước lại chức danh tư pháp, thậm chí bị kỷ luật.

Với việc đại biểu đề nghị Toà án chỉ đạo xem xét việc bồi thường cho ông Huỳnh Văn Nén, Chánh án Nguyễn Hoà Bình cho rằng chúng ta không nên so sánh giữa vụ nọ với vụ kia mà cần so sánh xem có đúng luật không vì toà chỉ tuân thủ pháp luật và dựa vào pháp luật, luật bất cập thì sửa đổi, bổ sung. “Toà không dựa vào vụ nọ để xử vụ kia, như thế là tạo tiền lệ không bao giờ có điểm dừng”- ông Bình nói.

Ph.Nhung - Ng.Quyết

Viết bình luận

CHUYÊN TRANG PHỤ NỮ

Email: phunu@nld.com.vn

NHẬN EMAIL MỚI HÀNG NGÀY

Đăng ký nhận tin mỗi ngày từ chuyên phụ nữ

Giấy phép số 115/GP- BTTTT cấp ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Tổng Biên tập: TÔ ĐÌNH TUÂN
Địa chỉ: 123 - 127 Võ Văn Tần, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3 - TPHCM, Điện thoại: 028-3930.6262 / 028-3930.5376, Fax: 028-3930.4707. Email: toasoan@nld.com.vn
Bản quyền thuộc về Báo Người Lao Động. Các website khác đã được chúng tôi đồng ý cho khai thác thông tin, khi đăng lại phải ghi rõ nguồn: Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn).