xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chạy lo “bùa hộ mệnh”

THÀNH ĐỒNG - HẢI LIÊN

Rơ-moóc sau khi được phù phép phải tốn khoảng 120-140 triệu đồng để lo giấy tờ, biển kiểm soát (BKS) và thêm vài triệu đồng để chạy giấy phép lưu hành đặc biệt hoặc biên bản xử phạt vi phạm “ma”…

Ông Long - chủ cơ sở đóng rơ-moóc trên Quốc lộ 1, phường Long Bình, quận 9, TP HCM - giới thiệu cho chúng tôi một người chuyên lo giấy tờ tên Châu. Hôm sau, Long và Châu hẹn gặp chúng tôi ở một quán cà phê gần cầu vượt Sóng Thần để thương lượng chuyện làm giấy tờ cho rơ-moóc đã được phù phép.

Biết hết nhưng làm ngơ

Châu khoe đã từng kết hợp với ông Thanh, chủ cơ sở đóng rơ-moóc gần cầu vượt Sóng Thần, lo giấy tờ cho hàng chục chiếc. “Riêng công ty vận tải Tr.H ở Vũng Tàu đã được tụi này lo hơn 20 “moọc” lùn và “moọc” đứng, tất cả đều có thể chở những mặt hàng lên đến hàng trăm tấn” - anh ta khẳng định.

Châu mở điện thoại cho chúng tôi xem một số hình ảnh rơ-moóc mà anh ta đã lo giấy tờ. “Mỗi “moọc” lo giấy là 140 triệu đồng. Nếu anh đồng ý thì nên làm ngay năm nay vì sang năm, người ta sẽ bỏ việc cấp biển kiểm soát (BKS) cho “moọc” không rõ nguồn gốc. Lúc đó thì không áp số, áp giấy được nữa” - Châu khuyên.

Xe đầu kéo BKS 79D-6289 trọng tải 15,1 tấn, trọng lượng kéo theo cho phép khoảng 38 tấn nhưng dùng rơ-moóc đóng chui chở máy biến thế nặng tới 240 tấn. (Ảnh chụp trên đèo Hải Vân)
Xe đầu kéo BKS 79D-6289 trọng tải 15,1 tấn, trọng lượng kéo theo cho phép khoảng 38 tấn nhưng dùng rơ-moóc đóng chui chở máy biến thế nặng tới 240 tấn. (Ảnh chụp trên đèo Hải Vân)

Theo Châu, khi đóng rơ-moóc xong, phải tìm mua một BKS cũ, sau đó đưa đến đăng kiểm làm bản vẽ mới rồi đi đăng ký lại. “Trước đây, chỉ cần có BKS cũ và bản vẽ là có thể áp BKS mới vì trong sổ đăng ký không ghi kích thước “moọc” nên lo giấy tờ chỉ tốn khoảng 30 triệu đồng. Thời gian qua, do sổ đăng ký phải ghi kích thước, trong khi “moọc” đóng “lụi” không giấy tờ, tiền nghiệm thu bản vẽ cao… nên ra giấy tờ khó hơn. Phải làm sao cho kích thước “moọc” mới đóng giống như kích thước bản vẽ nên khó lắm. Càng phức tạp thì càng tốn nhiều tiền...” - Châu phân bua.

Chúng tôi thắc mắc làm giấy tờ ở đâu, Châu cho biết tại bất kỳ điểm đăng ký nào ở TP HCM. “Tôi tính đóng “moọc” dài 14,5 m, rút ra thêm 7 m thành 21,5 m để chở những mặt hàng nặng chừng 140-240 tấn thì có làm được giấy tờ không?” - tôi hỏi. Châu khẳng định chỉ cần đặt cọc trước một nửa tiền, trong vòng 10 ngày sẽ có đầy đủ giấy tờ. Châu khoe có ông chú làm ở một đội CSGT, dặn chúng tôi nên đăng ký rơ-moóc tại đó. Tuy nhiên, Châu cũng cho biết không lấy số đẹp được vì thời gian quá gấp…

Qua một số tài xế, tôi được giới thiệu với ông Trung, chủ một cơ sở đóng rơ-moóc đồng thời có thể lo luôn giấy tờ. “Tui có thằng bạn ở trạm đăng kiểm nên lo bao nhiêu giấy tờ cũng được nhưng phải báo trước ít nhất 1 tuần. Giá mỗi bộ giấy tờ khoảng 120 triệu đồng, nếu làm thì đưa trước một nửa” - ông ta ra giá.

Chúng tôi thắc mắc rơ-moóc đóng chui làm sao qua mắt được đăng kiểm, ông Trung giải thích: “Chiều dài tối đa của “moọc” rút chừng 21,5 m nhưng khi đi đăng kiểm, phần 7 m để rút mình đóng lại, luồn vào trong và chốt cẩn thận nên chỉ còn 14,5 m, ra giấy tờ cũng 14,5 m. Mấy ông đăng kiểm đều biết hết nhưng chỗ quen biết nên họ làm ngơ. Một số cơ sở dù đóng được “moọc” rút nhưng không ra giấy được vì không có đường dây. Mấy ổng làm rất kín và chỉ có những người thân tín hoặc có đường dây mới lo giấy tờ được”.

Thấy chúng tôi tỏ vẻ nghi ngờ, ông Trung trợn mắt: “Tui đã lo cho biết bao nhiêu người rồi. Mới đây, công ty X.H, công ty Ph.Th nhờ tui lo giấy cho 4 chiếc “moọc”, sau đó họ bán lại cho một công ty của Nhật với giá 1,2 tỉ đồng/chiếc”.

Vào Nam, ra Bắc trót lọt

Để những “hung thần xa lộ” có thể vi vu trên đường, sau khi lo phần đăng kiểm và ra giấy tờ, chủ xe, chủ doanh nghiệp (DN) còn phải tìm cho được giấy phép lưu hành đặc biệt chở hàng quá khổ, quá tải. Để có được “bùa hộ mệnh” này, chủ xe, chủ DN chỉ cần photocopy giấy đăng ký xe, giấy kiểm định rơ-moóc giao cho cò. Các cò này đến Phòng Quản lý đường bộ - Khu Quản lý đường bộ 7 (quận Gò Vấp, TP HCM) để làm giấy phép với giá khoảng 500.000 đồng. Chủ xe, chủ DN không cần có mặt hoặc đưa xe đến đây.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, rơ-moóc BKS 53R-00184 của DN N.L được đóng chui từ một cơ sở. Tuy nhiên, giấy đăng kiểm mà Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 50-04V cấp cho rơ-moóc này vào ngày 19-11-2013 vẫn kết luận: “Phương tiện đạt tiêu chuẩn hiện hành về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường”, cho phép chở tối đa 38 tấn.

Người đàn ông tên Châu này khẳng định có thể lo giấy tờ cho rơ-moóc phù phép với giá 140 triệu đồngẢnh: Hải Liên
Người đàn ông tên Châu này khẳng định có thể lo giấy tờ cho rơ-moóc phù phép với giá 140 triệu đồngẢnh: Hải Liên

Tiếp đó, rơ-moóc BKS 53R-00184 được Khu Quản lý đường bộ 7 cấp giấy phép lưu hành quá khổ, quá tải; cho phép xe đầu kéo BKS 51R-6526 kéo rơ-móc này chở một chuyến hàng dài 17 m, rộng 2,5 m, cao 4,35 m, nặng 32,75 tấn đi từ Tiền Giang ra Hà Nội. Sau khi có được “bùa hộ mệnh” này, DN N.L cho chở một máy biến thế nặng gấp 6 lần tải trọng cho phép.

Cũng tại DN N.L, xe đầu kéo BKS 79D-6289 sản xuất tại Trung Quốc, trọng tải 15,1 tấn, trọng lượng kéo theo khoảng 38 tấn. Tuy vậy, chủ DN dùng đầu kéo này và rơ-moóc BKS 51R-00184 chở những chuyến hàng 140- 240 tấn từ Hà Nội về đến Hà Tĩnh hoặc TP HCM nhưng vẫn không bị cơ quan nào kiểm tra.

Cụ thể, ngày 19-6-2013, DN N.L ký hợp đồng với một công ty vận chuyển 3 máy biến áp, mỗi máy nặng 213 tấn, từ Hà Nội về Hà Tĩnh. Trong vòng 15 ngày, N.L đã dùng xe đầu kéo BKS 79D-6289 kéo

rơ-moóc BKS 51R-00184 vận chuyển các máy biến áp trên đến giao an toàn. Ngày 24-12-2013, N.L cũng dùng xe đầu kéo và rơ-moóc này chở 2 máy biến áp nặng hàng trăm tấn từ Hà Nội về huyện Củ Chi, TP HCM…

Ngày 27-2-2014, DN này tiếp tục cho chở máy biến áp khoảng 221 tấn cũng với lộ trình như trên. Mới đây, ngày 13-4, DN N.L lại dùng xe đầu kéo BKS 79D-6289 và rơ-moóc BKS 51R-00184 chở một máy biến thế gần 100 tấn từ Hà Nội về KCN Linh Xuân, TP HCM. Tất cả các chuyến hàng này đều qua cửa lực lượng chức năng trót lọt.

Mua cả biên bản vi phạm

Một “chiêu” nữa mà giới chủ xe, chủ DN vận tải thường dùng là nhờ cò hoặc dựa vào mối quan hệ với các đội CSGT để xin biên bản vi phạm “ma”. Có biên bản này, khi bị lực lượng chức năng tuýt còi thì tài xế chỉ việc nói rằng bằng lái đang bị giữ và biên bản xử phạt còn có hiệu lực nên không bị xử lý tiếp.

Tân - một cò chuyên lo “bùa hộ mệnh” cho xe quá khổ, quá tải - khẳng định sẽ lo giấy phép lưu hành đặc biệt với giá 400.000 đồng và biên bản vi phạm 500.000 đồng. Tân yêu cầu chúng tôi photocopy giấy đăng ký xe và rơ-moóc, không cần phải đưa phương tiện đến, chỉ sau 1 hôm là sẽ có “bùa”.

Kỳ tới: Mua đường, dẫn trạm

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo