xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chợ Lớn ăn Tết to

Ngọc Cúc, ảnh: VINH HIỂN

Không cần chờ đến mùng một tháng giêng, ngay từ ngày Đông chí (thường vào gần cuối tháng 11 âm lịch), người Hoa đã coi như Tết

Tết Đông chí đến, họ chuẩn bị gà, vịt, tôm, cá và nấu ỉ (người Việt thường gọi là chè trôi nước) để cúng. Cúng ỉ với mong muốn gia đình luôn được đoàn viên. Ăn chén chè ỉ nóng, trong tiết trời se se lạnh, ai cũng thấy như Xuân đã đến bên hiên nhà.

img

Không khí Tết rộn ràng từ ngày đưa ông Táo về trời. Người Hoa quan niệm cúng 23 là nhà quan, 24 là nhà dân nhưng nay ai cũng cúng... cho gọn nên chọn trưa 23 tháng chạp như người Việt. Ngoài xấp giấy màu in hình “cò bay ngựa chạy” - phương tiện giúp ông Táo về trời, còn có thèo lèo, quýt (đại cát). Người Hoa không quên thêm miếng đường thẻ và hai cây mía còn nguyên lá. Cúng toàn đồ ngọt để hy vọng ông Táo sẽ tâu những lời tốt lành cho gia đình mình.

Từ cuối tháng 11 âm lịch, khu Chợ Lớn rực rỡ sắc màu của thư pháp, liễn Tết: Như ý cát tường, Kim ngọc mãn đường, Tân xuân đại cát... (dán trong nhà), Ngũ phúc lâm môn (dán hai cửa chính), Đơn môn phát tài (cửa sau), Thượng lạc bình an (cầu thang), Khai xa đại cát (xe cộ). Với những gia đình làm ăn buôn bán tại nhà, nội dung câu đối liễn thường là Nhất bổn vạn lợi, Khai trương hồng phát, Sinh ý hưng long...

Cách đây khoảng nửa thế kỷ, vào buổi chiều 30 Tết, khi con trai trong nhà đi tắm, chính tay người mẹ đặt một bộ quần áo mới, một đôi guốc. Tập tục này nay không còn nữa nhưng tục lệ chiều 30 mua lá bưởi về nấu cho cả nhà tắm gọi là “tẩy trần” vẫn còn nhiều gia đình thực hiện. Tắm xong, mọi người phải mặc quần áo mới, giày dép mới, náo nức đón năm mới.

Có một chi tiết vui: Sau bữa cơm tất niên, tuyệt đối không ai được đòi nợ. Chuyện vay mượn, đòi nợ gác lại đến sau rằm tháng giêng.

Trước giờ giao thừa, gạo phải đổ đầy hũ; nước phải ngập tràn lu, trên lu dán chữ “thường mãn” (luôn đầy). Nhà bếp thì treo đầy lạp xưởng, vịt lạp, thịt lạp, bắp cải... chứng tỏ sự sung túc, đầy đủ. Khi xưa, người mẹ chiên một con cá chép to, bỏ vào hũ gạo đậy lại, đến mùng hai mới lấy ra dùng, ý là tiếng “ngư” (cá) đồng âm với “dư” (dư dả). Giờ thì vẫn có cá nhưng không nhất thiết phải là cá chép mà cá gì cũng được. Cũng không cần bỏ vào hũ gạo mà để luôn vào... tủ lạnh, đến mùng 2 lấy ra cúng khai niên.

Người Việt và người Hoa đều đón giao thừa đúng 0 giờ. Người Việt có mâm ngũ quả “cầu, sung, dừa, đủ, xoài” thì người Hoa có quýt, bánh tổ, bánh hình trái lựu màu vàng (thọ). Tuy ngày nay không còn bắt buộc ăn chay vào mùng một Tết nhưng người Hoa và người Việt ở Chợ Lớn đa số vẫn giữ tập tục này.

Tục lì xì ngày Tết người Việt và người Hoa đều duy trì. Người Việt thì người lớn là phải lì xì cho người nhỏ; còn người Hoa thì phân chia vai vế, tuổi tác khá kỹ; chẳng hạn người chưa lập gia đình thì không được lì xì cho bất kỳ ai.

Mùng hai Tết là ngày “Khai niên”, lễ cúng gồm con gà trống luộc (ngày nay cúng gà gì cũng được), cải xà lách (sinh tài), rau cần (cần mẫn) và hành lá (hanh thông). Sang mùng ba Tết, mọi người thăm viếng bạn bè, chúc Tết, rủ nhau cùng du xuân và đi chúc Tết thầy cô. Món ăn trong 3 ngày Tết của người Hoa không có thịt kho trứng vịt vì họ quan niệm trứng trơn tuột, không hên.

Riêng mùng bảy Tết là ngày “Nhân nhật” (tức sinh nhật cho mọi người). Điển tích xưa ghi người Hoa mua bảy thứ cải xào với nhau để cúng nhưng theo nhiều người Hoa sống ở Chợ Lớn ngày nay mua một cái bánh sinh nhật về dùng chung cho mọi người, hàm ý: lỡ trong năm, sinh nhật của ai đó không được đông đủ người trong nhà dự, thôi thì cúng chung mừng tuổi mới cho đông vui.

Mùng tám Tết được coi là ngày “Khai đăng”, cúng sao nhằm giải hạn, tai ách trong năm mới. Đến ngày mùng chín, người Hoa cúng vía trời với 2 cây mía dài còn cả lá và tháp đường màu hồng. Còn mùng mười, họ cúng vía đất (Thổ Công), lễ vật gồm “tam sên”: 3 con tôm (cua), 3 quả trứng luộc và 3 miếng thịt heo quay hoặc luộc. Người buôn bán, kinh doanh cúng thêm con cá lóc nướng.

Đến rằm tháng giêng là Tết Nguyên Tiêu, Tết mới thật sự kết thúc đối với người Hoa, trong khi người Việt chỉ ăn Tết đến mùng 7 thì hạ nêu, hết Tết.

Người Hoa ở Chợ Lớn ăn Tết từ cuối tháng 11 âm lịch đến tận rằm tháng giêng năm sau.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo