xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cổ tích mùa Vu lan

Bài và ảnh: THU HỒNG

Chồng mất sớm, dù không con cái nhưng một phụ nữ vẫn ở vậy chăm sóc 3 người thân đã già yếu của chồng. Bị khối u hành hạ suốt 50 năm, một cụ bà không dám mổ vì sợ chết, không ai lo cho mẹ… Sự hiếu thuận hiếm thấy của họ khiến cuộc đời càng thêm ý nghĩa

Chồng mất, một mình chị Lê Thị Mỹ Phương cần mẫn làm thuê cưu mang cả gia đình anh - một ông bác, một bà dì và người mẹ chồng đau ốm thường xuyên. Vậy mà 4 năm nay, người dân khu phố 3, phường 15, quận Gò Vấp, TP HCM chưa bao giờ nghe chị than phiền hay to tiếng.

Thương dâu hơn cả con ruột

Mấy ngày nay, mẹ chồng chị Phương - bà Nguyễn Thị Lan, gần 70 tuổi - phải điều trị tại Bệnh viện Đa khoa quận Gò Vấp do tai biến. Trên giường bệnh, bà Lan cười tít mắt khi tôi hỏi về cô con dâu. “Tôi thương con Phương còn hơn con ruột” - giọng ngọng nghịu nhưng bà cố thốt lên rồi lại khóc khi nhìn sang chị Phương đang chuẩn bị cơm cho mình: “Nó cực lắm”.

Nằm giường bệnh sát bên, bà Lê Thị Khuyến xuýt xoa: “Phương chăm sóc mẹ chồng còn hơn cả mẹ ruột. Đêm nào cô ấy cũng thức đến khuya, chờ mẹ chồng gần ngủ rồi mặc tã. Khi mẹ chồng đi vệ sinh, cô ấy tỉ mỉ lau đi lau lại vì sợ bà ngứa ngáy”.

Chị Lê Thị Mỹ Phương chăm sóc mẹ chồng ở bệnh viện
Chị Lê Thị Mỹ Phương chăm sóc mẹ chồng ở bệnh viện

Vừa đút cơm cho mẹ, chị Phương vừa nhớ lại: “Lần này mẹ tôi bị tai biến nhẹ, có thể cử động tay chân và nói chuyện được. Lần tai biến năm 2013 khiến bà liệt nửa người, không thể đi đứng. Đó là khoảng thời gian không thể quên với 2 mẹ con”.

Chị Phương cho biết mấy ngày trước, bà Lan còn đẩy xe đạp với vài ổ bánh ra chợ bán. Đột nhiên bệnh ập đến, bà rất buồn vì sợ trở nên tàn phế, thành gánh nặng cho con dâu. Thấy con dâu vất vả lo cho mình, có khi bà bỏ ăn hoặc giả vờ té lúc tập đi để chị nản chí. Song, chị Phương vẫn tìm mọi giá giúp mẹ đi đứng. Tám tháng ròng, chị nghỉ việc ở nhà chăm sóc cho mẹ, từ lo vật lý trị liệu, châm cứu đến tìm mua thuốc nam…

Trên tờ lịch ngay giường bệnh của bà Lan chi chít những dòng chữ: “Thuốc nấu 2 giờ rưỡi, 5 phân còn 2 phân”, “Tuần này mua thêm thịt gà hầm canh”, “Nhắc mẹ uống thêm thuốc cảm”... Mỗi sáng, chị Phương dậy sớm 15 phút để cùng mẹ chồng tập đi. Được vài bước, bà lại tỏ ra chán nản, chị liền “dọa”: “Mẹ có muốn nằm mãi không?”. Vậy là bà bước tiếp…

“Từ 15 phút, tôi “dụ” mẹ tập đi 30 phút rồi 1 giờ. Nghe mấy cô y tá bảo nên tìm quả banh nhỏ để bà mân mê cho đôi tay linh hoạt, tôi liền tìm mua... Niềm vui vỡ òa khi sáng nọ, tôi thấy mẹ ngồi dậy nhóm lửa nấu nước. Tôi ôm chầm bà rồi mẹ con khóc hu hu” - chị Phương xúc động.

Vượt qua nỗi đau chồng chất

Chị Phương quê ở Bình Dương, gia đình có đến 8 anh chị em. Cha mẹ làm nông, nhà nghèo nên năm 14 tuổi, chị nghỉ học lên quận Gò Vấp phụ bán thịt bò. Xinh đẹp, nết na, được nhiều người để ý nhưng chị lại thương anh bỏ mối thịt gà Nguyễn Trung Linh. Ba năm sau, chị theo anh về tổ ấm ở chợ Xóm Mới, quận Gò Vấp - nơi có bác chồng không vợ con, dì chồng cũng ở góa và mẹ chồng.

Sau 4 năm chung sống, anh Linh phát hiện mình bị tiểu đường và vô sinh. Do khó khăn, căn nhà nhỏ của họ phải gán nợ ngân hàng. Vừa chữa trị cho chồng vừa phải thuê nhà lo cho 3 người già ở khiến chị Phương gặp bộn bề khó khăn. Anh Linh tự ái, nhiều lần yêu cầu vợ ký đơn ly hôn. Chị Phương nhớ lại: “Tôi phải xé đơn đến 10 lần thì anh mới chịu thôi. Tôi nói với chồng: “Em lấy anh thì sẽ theo anh đến cuối đời dù có như thế nào đi nữa. Em thương chồng thì sẽ thương cả nhà chồng. Anh có đuổi, em cũng không đi”.

Cụ Lê Thị Tư bên bàn thờ cha mẹ
Cụ Lê Thị Tư bên bàn thờ cha mẹ

Năm 2010, anh Linh đột ngột ra đi vì tai nạn giao thông. Trước đó 3 tháng, mẹ ruột chị Phương mất vì bệnh. Chị khóc ngày khóc đêm, ngỡ như mắt đã mù và phải điều trị chứng suy nhược thần kinh do mất ngủ. Bốn tháng sau, bác chồng chị phát bệnh ung thư. Suốt 1 tháng trong bệnh viện, một tay chị chăm sóc đỡ đần, tắm giặt… đến khi ông nhắm mắt.

Nỗi đau cứ chất chồng, nhiều người xung quanh nghĩ chị Phương sẽ gục ngã nên kháo nhau: “Sớm muộn gì cô ấy cũng bỏ 2 bà già về nhà cha mẹ ruột”. Thế nhưng, chị đã khiến nhiều người ngỡ ngàng lẫn thán phục. Chị thuê một chỗ ở thoải mái hơn dù giá cao bởi “người già tù túng thì dễ sinh bệnh”. Chị xắn tay xin giúp việc nhà nhiều nơi, chạy hết chỗ này đến chỗ khác để lo cho mẹ và dì chồng.

Bốn năm kể từ ngày chồng mất, những lời nghi ngờ hoàn toàn tan biến. Thay vào đó, nhiều người tốt bụng gần xa lần lượt đến thăm rồi hỗ trợ 2 người già. Gạo, muối hằng tháng cũng có mạnh thường quân giúp. Mỗi sáng thứ ba, năm và bảy, nhà thờ gần đó cho người mang cơm đến tận nhà. Mùa Vu lan này, nhà chị Phương cứ rộn ràng người ghé thăm, tặng phiếu gạo, quà…

Theo chị Phương từ bệnh viện về nhà, tôi gặp dì chồng chị - bà Nguyễn Thị Sen, 70 tuổi, cũng từng bị tai biến - đang lom khom nấu nước. Thấy cháu dâu, bà vội ra đón, hớn hở như trẻ ngóng mẹ đi chợ về. “Phương khéo lắm, lại thương 2 bà già. Từ ngày chồng mất, nó chưa bao giờ làm chúng tôi buồn lòng. Tôi không con nhưng dù có cũng thương nó hơn con ruột” - bà thổ lộ.

Trong căn nhà nhỏ, đập vào mắt chúng tôi là chiếc bàn thờ với 5 di ảnh những người quá cố bên chồng chị Phương. Mỗi năm có đến 5 đám giỗ, tuy không rình rang, mâm cao cỗ đầy nhưng chị luôn nhớ làm. “Giờ còn mẹ và dì, tôi sẽ sống với họ đến hết đời” - chị Phương quả quyết.

Cắn răng chịu đựng bệnh tật

Trong căn nhà cấp 4 xuống cấp ở một con hẻm nhỏ trên đường Huỳnh Văn Lũy, phường Phú Lợi, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, cụ Lê Thị Tư (85 tuổi) giờ thui thủi một mình. Dù mẹ cụ Tư đã mất 5 năm nay - thọ ngót 100 tuổi - nhưng lòng hiếu thảo như chuyện cổ tích của cụ vẫn được nhiều người nhắc tới.

Nhà cụ Tư vốn có đến 6 anh chị em. Năm 1945, khi nạn đói hoành hành, cha cụ không chịu thấu những trận sốt rét ác tính nên qua đời. Cả 5 anh chị em cũng bị cái đói và bom đạn cướp đi, để lại mẹ con cụ bươn chải trong chiến tranh.

Năm 18 tuổi, cụ Tư theo mẹ gánh bánh dầu đi khắp nơi bán. Sợ bom rơi đạn lạc, hàng xóm khuyên 2 mẹ con nên ở nhà mở quán bún chả bán. Hồi ấy, cụ Tư đẹp lắm, lại giỏi giang, có chữ nghĩa, nết na nên được nhiều người thương. “Có một ông ở Bến Tre lên Bình Dương, tình cờ ăn bún rồi ngỏ lời yêu thương tôi. Sau đó, ông ấy viết thư mấy lần xin rước tôi về quê hưởng cuộc sống giàu sang nhưng tôi từ chối vì không thể bỏ mẹ một mình” - cụ nhớ lại.

Bán bún chả được gần 10 năm, vì người ta ăn thiếu nhiều quá nên mẹ con cụ Tư dẹp tiệm, dắt díu nhau vào rừng mua củi, than về bán. Gần 30 tuổi, cô gái gánh than tiếp tục từ chối nhiều lời dạm ngỏ vì “phải lo cho mẹ”.

“Năm 35 tuổi, tôi phát hiện cục bướu trên mặt bằng hạt đậu nhưng nhà nghèo, lo mưu sinh nên mặc kệ. Hơn 40 tuổi, bướu to dần, hàng xóm khuyên tôi nên mổ bỏ vì “để vậy ai thèm lấy”. Đắn đo hơn 1 tháng, tôi khăn gói lên Sài Gòn khám bệnh. Ở bệnh viện, có người khuyên nên để vậy, mổ sẽ không sống được bao lâu. Vậy là tôi bỏ về bởi nếu mổ, chết thì không ai lo cho mẹ?” - cụ Tư hồi tưởng.

Ngót 50 năm nay, cụ Tư cắn răng chịu đựng đau đớn, không dám mổ bỏ khối u bởi “nếu có mệnh hệ gì thì ai lo cho mẹ?”. Giờ bướu đã bít gần nửa khuôn mặt cụ, kéo xệ xuống tận cổ. Hai bàn tay cụ co quắp, các ngón đã mất hơn nửa do di chứng của những lần điều trị bướu.

Không gì quý bằng cha mẹ

Dù tuổi cao lại bệnh tật nhưng cụ Tư vẫn còn minh mẫn. Cụ kể: “Hồi mẹ còn sống, thấy tôi tủi thân, bà tìm một thầy lang về chữa trị. Thầy hơ thuốc rồi đốt bàn tay, bàn chân tôi… Bệnh không hết mà các ngón tay, chân của tôi cứ rụng dần. Thấy vậy, người xung quanh ai cũng sợ, cho là tôi bị bệnh hủi”.

Quá tủi hổ, đã 3 lần cụ Tư gom quần áo, viết thư để lại cho mẹ, định sẽ bỏ làng ra đi. Thế nhưng, thấy người mẹ lom khom ngóng con mà nước mắt lưng tròng, cụ lại không nỡ.

Không để người ta khinh khi, cụ Tư trút hết chữ nghĩa đã học ra dạy học trò. 40 năm dạy học nuôi mẹ già, bao lớp học trò đã đi qua, nay có người hơn 60 tuổi, con cháu đùm đề vẫn nhớ bài học vỡ lòng cụ Tư dạy: “Trên đời, không gì quý bằng cha mẹ”.

Hai năm nay, cụ Tư phải sống nhờ trợ cấp của chính quyền địa phương, các mạnh thường quân, học trò cũ… Căn nhà cấp 4 đã xuống cấp trầm trọng. Nhìn bàn thờ cha mẹ, cụ nghẹn ngào: “Tường nứt toác thế này, nếu mưa gió làm sập nhà thì lấy chỗ đâu thờ ông bà, cha mẹ? Cục bướu dạo này hành dữ quá, nếu tôi mất đi thì không biết ai nhang khói cho ông bà, cha mẹ đây…”. 

Tấm gương hiếu thảo

Bà Nguyễn Thị Thư, hàng xóm của chị Lê Thị Mỹ Phương, thán phục: “Muốn dạy con ngoan, hiếu thảo thì cứ theo gương cô Phương. Từ ngày chồng mất, cô ấy tất bật đi làm rồi về chăm sóc 2 bà già, không màng gì cho riêng mình”.

Hôm đến nhà cụ Lê Thị Tư, chúng tôi tình cờ gặp bà Nguyễn Thị Tâm - gần 60 tuổi, học trò của cụ - ghé thăm, đem theo gạo, mắm và một phong bì nhỏ. “Chiến tranh loạn lạc, nếu không có cô Tư dạy chữ thì chúng tôi không thể được như ngày nay. Bài học lớn nhất mà cô dạy chúng tôi là học làm người. Không ở đâu xa, nhìn cách cô chăm sóc mẹ, chúng tôi hết sức thấm thía” - bà Tâm xúc động.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo