xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cù nhầy bồi thường oan sai

NGUYỄN QUYẾT

Từ vụ việc ông Huỳnh Văn Nén, giới luật sư cho rằng trình tự, thủ tục thẩm định, chi trả tiền bồi thường phức tạp, phải qua nhiều cấp có thẩm quyền xem xét là nguyên nhân làm chậm việc chi trả tiền bồi thường oan sai

Liên quan đến việc thương lượng bồi thường của “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén với TAND tỉnh Bình Thuận chưa thể đi đến thống nhất cuối cùng dù hết hạn bồi thường, giới chuyên môn cho rằng vụ việc sẽ cù nhầy và ông Nén sẽ mất nhiều thời gian, công sức để… đáo tụng đình. Vì sao như vậy?

Tại sao kéo dài?

Không chỉ vụ ông Huỳnh Văn Nén, thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ án oan mà người bị oan sai phải chịu nhiều thiệt hại như bị giam, mất danh dự, dang dở việc học, mất việc, thậm chí gia đình tan nát. Sau khi được minh oan, người bị oan sai rất vất vả đòi bồi thường.

Lý giải vì sao việc giải quyết bồi thường các vụ án oan thường kéo dài, ông Nguyễn Văn Bốn, Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước - Bộ Tư pháp, cho rằng nguyên nhân chủ yếu là không thống nhất được về số tiền bồi thường. “Người yêu cầu bồi thường thường đưa ra con số rất cao, một số mục bồi thường tính toán cao hơn thực tế. Trong khi đó, cơ quan nhà nước phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Tiền bồi thường không phải từ túi của những người gây ra oan sai mà là tiền nhà nước nên chi phải tính đúng, đủ theo quy định” - ông Nguyễn Văn Bốn nêu rõ.

Sau 3 lần thương lượng bồi thường bất thành, ông Huỳnh Văn Nén (thứ hai từ phải sang) sẽ kiện ra tòa Ảnh: LÊ TRƯỜNG
Sau 3 lần thương lượng bồi thường bất thành, ông Huỳnh Văn Nén (thứ hai từ phải sang) sẽ kiện ra tòa Ảnh: LÊ TRƯỜNG

Trong thực tế, một trong những lý do khiến các vụ bồi thường bị chậm chạp là cơ quan bồi thường yêu cầu phải có đầy đủ giấy tờ, hóa đơn, chứng từ để làm cơ sở chứng minh thiệt hại trong quá trình giải quyết bồi thường hoặc nhiều thiệt hại. Về vấn đề này, người đứng đầu Cục Bồi thường nhà nước cho đây là một trong những vấn đề cần được khắc phục sớm, theo hướng lượng hóa tất cả các khoản thiệt hại. Theo ông Bốn, hiện nay đã lượng hóa một số chi phí bồi thường như: bồi thường dựa trên số ngày ngồi tù, đền bù thiệt hại do tổn thất tinh thần, đền bù do mất thu nhập… Tuy nhiên, có nhiều khoản chi phí khác vẫn chưa thể lượng hóa được. Chính vì thế, phía người yêu cầu thường đòi cao còn cơ quan đền bù lại không chấp nhận nên kéo dài. Với các vụ án oan mà có yêu cầu bồi thường với số tiền rất lớn, lên tới hàng chục tỉ đồng thì việc thỏa thuận, xác minh yêu cầu đòi bồi thường mất nhiều thời gian, công sức của các cơ quan liên quan.

Trong khi đó, giới luật sư nhận định một trong những nguyên nhân khiến bồi thường oan sai kéo dài, có độ vênh lớn giữa hai bên là do có kẽ hở của pháp luật. Luật sư Trần Văn Toàn (Đoàn Luật sư Hà Nội) chỉ rõ: Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước quy định về trình tự, thủ tục giải quyết bồi thường chưa chặt chẽ, đầy đủ cùng với thủ tục hành chính rất rườm rà, thời hạn giải quyết không phù hợp, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho người bị thiệt hại cũng như cơ quan có trách nhiệm bồi thường. Từ các vụ đòi bồi thường oan sai thời gian gần đây, luật sư Toàn nhận xét trình tự, thủ tục thẩm định, chi trả tiền bồi thường rất phức tạp, phải qua nhiều cấp có thẩm quyền xem xét nên đã làm chậm việc chi trả tiền bồi thường, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người bị thiệt hại.

Né tránh, đùn đẩy trách nhiệm

Bộ Tư pháp nhìn nhận hiện nay vẫn tồn tại hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong việc giải quyết đền bù của các cơ quan có trách nhiệm bồi thường. Còn theo Cục Bồi thường nhà nước, một trong những bất cập, khập khiễng hiện nay trong Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước là việc để cho cơ quan nhà nước làm sai được thỏa thuận với người bị oan sai về số tiền bồi thường. Chính vì thế, quá trình đàm phán nhiều vụ việc diễn ra rất dài và chưa đem lại sự hài lòng cho người bị oan sai.

Từ thực tiễn trên, ông Nguyễn Văn Bốn cho rằng dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (sửa đổi) sắp tới đây sẽ có nhiều thay đổi dựa trên cơ sở thực tiễn. Các thiệt hại được nhà nước bồi thường cũng rất cụ thể, minh bạch theo hướng những cái gì thiệt hại trong thực tế sẽ đều được bồi thường và quy định rõ trong luật. Một số thiệt hại cũng sẽ được quy định thêm và việc bổ sung quy định về xác minh thiệt hại sẽ tạo điều kiện cho cơ quan giải quyết nhanh việc đền bù.

“Bên cạnh đó, thủ tục hành chính trong quá trình giải quyết bồi thường sẽ có nhiều cải cách. Đơn cử như luật hiện hành quy định giải quyết trong thời gian trên 100 ngày thì dự thảo lần này chúng tôi đề xuất giảm còn trên dưới 70 ngày” - ông Bốn nhấn mạnh.

Giải quyết 258 vụ việc bồi thường

Theo tổng kết của Bộ Tư pháp, sau 6 năm thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước, từ ngày 1-1-2010 đến 31-12-2015, các cơ quan hữu trách đã thụ lý, giải quyết 258 vụ việc yêu cầu bồi thường. Trong đó, đã giải quyết xong 204 vụ (đạt 79%) với tổng số tiền nhà nước phải bồi thường là trên 111 tỉ đồng. Tuy nhiên, do Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước hiện hành bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, chưa dự liệu và lượng hóa các khoản thiệt hại được bồi thường trong thực tế nên thiếu căn cứ xác định mức bồi thường, gây khó khăn cho quá trình thương lượng, giải quyết bồi thường.

Gia đình ông Nén sẽ khởi kiện

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ngày 3-9, ông Huỳnh Trung Nghĩa (anh rể của “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén, là người có quyền lợi liên quan trong vụ án oan này) cho biết ông Nén và gia đình đang nhờ luật sư tiến hành các thủ tục pháp lý để khởi kiện TAND tỉnh Bình Thuận. Lý do khởi kiện là do cuộc thương lượng bồi thường oan sai lần thứ ba vào ngày 31-8 giữa TAND tỉnh Bình Thuận và ông Nén bất thành.

Theo ông Nghĩa, tổng số tiền ông Nén yêu cầu bồi thường là 18 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau 3 lần thương lượng, TAND tỉnh Bình Thuận chỉ chấp nhận số tiền bồi thường là 10,5 tỉ đồng. “Có một số khoản tòa bồi thường quá thấp so với thực tế chúng tôi bỏ ra. Ví dụ: Trong suốt 14 năm đi kêu oan cho Nén, cha vợ tôi là ông Huỳnh Văn Truyện, tôi và ông Nguyễn Thận đã bán rất nhiều tài sản, đất đai để làm lộ phí đi lại, ăn ở. Tổng số tài sản mất đi ít nhất 8 tỉ đồng nhưng tòa chỉ đưa ra mức bồi thường 1,5 tỉ đồng. Thậm chí, chúng tôi yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần cho mẹ của ông Nén là bà Đặng Thị Hường (đã mất năm 2014) trong suốt 15 năm thăm nuôi con bị tù, cũng không được chấp nhận. Đó là chưa kể việc Nén còn phải được bồi thường oan sai trong “kỳ án vườn điều” nữa…” - ông Nghĩa bày tỏ.

Ông Nghĩa nói rằng TAND tỉnh Bình Thuận là một trong những cơ quan tố tụng gây oan sai cho ông Huỳnh Văn Nén và làm khổ nhiều người trong suốt 17 năm trời đi kêu oan nhưng khi thương lượng bồi thường thì đã thiếu thiện chí.

L.Trường

Ý kiến

Ông TRẦN TIẾN DŨNG, Thứ trưởng Bộ Tư pháp:

Giải quyết lâu vì quy trình dài

Thời gian qua, một số vụ án đòi bồi thường oan sai mà thời gian giải quyết lâu là vì quy trình dài, phải qua nhiều tầng nấc trung gian. Chính vì thế, dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (sửa đổi) - đang tiếp tục lấy ý kiến - khắc phục những hạn chế trên; đồng thời quy định thêm và lượng hóa một số thiệt hại được bồi thường mà Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước hiện hành chưa quy định để phù hợp với Bộ Luật Dân sự.

Ông HOÀNG THẾ LIÊN, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp:

Quá nhiều quy định phi lý

Chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền mà đã là nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân thì không thể áp đặt ý chí với dân. Trên thực tiễn, việc bồi thường oan sai còn mang tính áp đặt. Chẳng hạn, trong thương lượng bồi thường, theo quan hệ dân sự, gồm có bên bồi thường là cơ quan gây thiệt hại và bên đòi bồi thường nhưng thực tế, khi thương lượng thì có thêm những thành phần khác do phía bồi thường đưa vào. Trụ sở giải quyết đúng ra là ở UBND xã, phường nơi người đòi bồi thường cư trú chứ không phải tại cơ quan gây thiệt hại. Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành và cả dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước chưa làm rõ vấn đề quan trọng, đó là việc cơ quan gây thiệt hại ra quyết định bồi thường nhưng sau đó lại phải qua thẩm định tài chính của cơ quan chức năng khác. Giả sử nếu cơ quan thẩm định tài chính không đồng ý thì lại phải thương lượng lại? Phải giải quyết những bất hợp lý của luật, đề cao quyền con người.

N.Quyết - K.Nam ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo