Về mức đề xuất cụ thể, JPA cho rằng nên lấy chi phí trực tiếp của chuyến bay để làm căn cứ xây dựng giá sàn. Đây là các loại chi phí cơ bản mà tất cả hãng hàng không phải trả, bao gồm chi phí thuê máy bay, xăng dầu, chi phí nhân công (tổ lái, tiếp viên…), chi phí phục vụ chuyến bay… Theo tính toán của JPA, chi phí cho chặng bay Hà Nội - TP HCM khoảng trên 1,1 triệu đồng/chuyến bay; từ đó hãng đề xuất mức bán thấp nhất trên chặng Hà Nội - TP HCM là 1,1 triệu đồng/vé/chiều. Cần nói thêm làm theo quy định mức trần hiện nay, các hãng được bán không cao hơn 3,2 triệu đồng/vé/chiều chặng Hà Nội - TP HCM nhưng theo một nguồn tin có thẩm quyền, giá bán trung bình của VNA chỉ khoảng 700.000 đồng/vé/chiều.
VJ không công bố mức giá trung bình cả năm như VNA mà điều chỉnh tăng, giảm tùy thời điểm. Ví dụ, từ tháng 3 đến tháng 4-2016, giá bán trung bình của VJ trên đường bay này khoảng 916.000 đồng/vé/chiều. Hãng này cũng tung ra nhiều chương trình khuyến mãi giá 5.000 đồng với số lượng vài triệu vé trong mỗi lần mở bán.
Vấn đề quy định sàn giá vé máy bay đã âm ỉ từ nhiều năm, đến nay bùng lên do sức cạnh tranh trên thị trường quá nóng. Với việc chỉ áp mức trần, sau 6 năm hoạt động, hãng hàng không giá rẻ VJ đã giành được 41% thị phần khách nội địa, đuổi sát mức 42% của hãng dẫn đầu là VNA và không ngừng mở rộng quy mô và mạng bay trong tương lai. Sự tăng tải rất nhanh của VJ kéo theo sức cạnh tranh về giá cước vận chuyển.
TS LƯƠNG HOÀI NAM, chuyên gia hàng không:
Cần giảm tối đa sự can thiệp của nhà nước
Phương thức quản lý giá vé máy bay bằng khung giá (có giá sàn và giá trần) trên tất cả mọi đường bay nội địa đã lạc hậu so với thực tiễn thế giới và cũng không hoàn toàn phù hợp với cách hiểu cần xác lập đối với các luật của Việt Nam. Mỹ đã tự do hóa giá vé máy bay từ năm 1978, giá vé máy bay nội địa Mỹ do các hãng hàng không tự quyết định theo quy luật cung - cầu và cạnh tranh. Việc của nhà nước là tạo ra sự cạnh tranh và bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh, còn giá vé máy bay hãng hàng không toàn quyền quyết định và tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh. Quan điểm quản lý này đã lan sang châu Âu (từ thập kỷ 90), châu Á. Đến nay, hiếm có nước nào còn quản lý giá vé máy bay nội địa bằng giá trần như Việt Nam. Giá sàn lại càng hiếm hơn.
Cách quản lý giá vé máy bay nội địa ở nước ta nên thay đổi theo hướng hội nhập, “thị trường hoá”, giảm tối đa sự can thiệp của các cơ quan quản lý nhà nước.
Ông NGUYỄN TIẾN THỎA, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Thẩm định giá:
Không nên quy định giá sàn
Quy định giá sàn đối với cước vận tải hàng không là không cần thiết, càng có cạnh tranh người tiêu dùng càng được hưởng lợi. Còn hoạt động khuyến mại đã có Luật Thương mại và Luật Cạnh tranh điều chỉnh, ngăn ngừa cạnh tranh, bán phá giá thâu tóm đối thủ.
Thông thường, DN đề xuất giá sàn là để bảo vệ quyền lợi của chính họ. Về vấn đề này đã có Luật Kiểm soát cạnh tranh rồi, DN nào vi phạm thì bị phạt. Còn cơ quan quản lý nhà nước khi quyết định quản lý bằng giá sàn hay giá trần phải bảo đảm bảo vệ quyền lợi của cả 3 bên: người tiêu dùng, nhà nước và DN.