xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cứu san hô

Thu Sương

Trong khi nhiều tỉnh ven biển miền Trung đang đối mặt với tình trạng biển “ngoạm” do san hô bảo vệ bờ biển bị khai thác triệt để thì san hô tại vùng biển Rạn Trào (tỉnh Khánh Hòa) được người dân bảo vệ nghiêm ngặt

img
Khu Bảo vệ hệ sinh thái Rạn Trào, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa Ảnh: Thu Sương
Nằm phía Tây Nam vịnh Vân Phong, vùng biển Rạn Trào (thuộc xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh - Khánh Hòa) có tính đa dạng sinh học khá cao: 82 loài san hô, 69 loài cá rạn, 6 loài cỏ biển, 5 loài cây ngập mặn… Đặc biệt, vùng biển có mật độ bao phủ san hô khá lớn trong cả nước, trải dài trên 15 km vùng biển xã Vạn Hưng.

Bên bờ tuyệt chủng

Chính vì sự phong phú đó, hơn 10 năm trước, san hô đối với người dân xã Vạn Hưng là một nguồn tài nguyên chẳng bao giờ cạn kiệt và không mấy giá trị, ngoài công dụng… đắp đìa nuôi tôm, nuôi ốc. Thậm chí, một đơn vị quân đội đã khai thác hết một vùng san hô rộng lớn đem lên Tây Nguyên chỉ để… bón cây cà phê. Chính vì vậy, san hô tại Rạn Trào được khai thác vô tư. Ngoài ra, các hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản của người dân khiến môi trường bị ô nhiễm cũng tiếp tay cho việc hủy diệt san hô.

Rầm rộ nhất là khi san hô được dùng như nguyên liệu chế biến vôi hay dùng thay xi măng làm vật liệu xây dựng và thị trường chuộng san hô để làm cảnh, người dân trong cũng như ngoài địa phương đua nhau khai thác. Và đó  cũng là lúc san hô gần như vắng bóng tại Rạn Trào. “Từng đoàn thuyền đầy xà beng đến nạy san hô chở đi, nhiều vùng san hô gần như trống lốc, rạn san hô phía Nam đã thành san hô chết. Tôm cá cứ dần ít hẳn, cả ngàn hộ dân trong xã đánh bắt, nuôi trồng hải sản bắt đầu làm ăn sa sút” - ông Nguyễn Cường, một người dân địa phương, nhớ lại.

Khu bảo tồn “có một không hai”

Năm 2001, với  sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD - tổ chức phi chính phủ), Khu Bảo vệ hệ sinh thái Rạn Trào (Khu Bảo vệ Rạn Trào) đã ra đời để “cứu” san hô và đa dạng sinh học vùng biển này. Tham gia công tác bảo vệ và quản lý không ai khác chính là hàng ngàn hộ dân của xã Vạn Ninh. Họ cùng nhau xây dựng quy chế khu bảo vệ, cũng như bầu ra hai nhóm nòng cốt: nhóm hạt nhân thực hiện việc tuần tra, phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, ngăn chặn những hành vi xâm phạm; nhóm tuyên truyền có nhiệm vụ phổ biến, nâng cao kiến thức bảo vệ vùng biển cho người dân địa phương.
img
San hô biển Rạn Trào - mái nhà của nhiều loài sinh vật quý (Ảnh do Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng cung cấp)

“Khi phát hiện tàu dùng chất nổ đánh bắt cá hoặc bẻ san hô trong vùng cấm, chúng tôi một mặt cảnh báo họ, một mặt báo về cho Đồn Biên phòng 362 hoặc đội thanh tra của huyện… Không ít lần anh em bị thương tích nặng do những người khai thác trái phép tấn công” - ông Nguyễn Văn Chim, thành viên nhóm hạt nhân, kể. Khu bảo vệ được người dân khoanh vùng có phạm vi khoảng 54 ha, gồm 28 ha san hô và 26 ha vùng đệm. Họ được MCD hướng dẫn và hỗ trợ trong công tác đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản để không xâm phạm cũng như giảm thiểu tác động tiêu cực vào khu bảo vệ này. “San hô sống tốt, có nơi, cành san, hô cao đến 70 cm và những rạn san hô rộng đến 3 - 4 km. Nhiều năm trở lại đây, không còn tiếng mìn nổ để khai thác thủy sản tại vùng biển Rạn Trào” - ông Nguyễn Văn Chim tự hào khi nói về hiệu quả của Khu Bảo vệ Rạn Trào.

Không chỉ bảo vệ, người dân ở đây đã mày mò và chiết ghép thành công san hô, tạo hiệu quả trong việc phục hồi các rạn san hô, trong khi khá nhiều nước Đông Nam Á đã từng thử nghiệm phương pháp chiết ghép nhưng đều thất bại.

Hiệu quả lớn

Theo ông Lê Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, mô hình Khu Bảo vệ Rạn Trào là một thắng lợi trong việc cộng đồng tham gia bảo vệ hệ sinh thái. 28 ha san hô gần như đã chết, nay sống và phát triển tốt, các loài thủy hải sản đã phát triển đa dạng trở lại. Quan trọng nhất là người dân đã hiểu được tầm quan trọng của san hô nói riêng, đa dạng sinh học nói chung nên ra sức bảo vệ.

Giữa năm 2011, huyện Vạn Ninh đã ra quy chế  quản lý Khu Bảo vệ Rạn Trào để củng cố tính pháp lý cũng như kiện toàn bộ máy quản lý, hoạt động. Quy chế mới của huyện có thêm ban quản lý khu bảo vệ với sự tham gia của lãnh đạo huyện cũng như các đơn vị chức năng. Nhưng lực lượng chủ chốt của khu bảo vệ vẫn là tất cả những người dân xã Vạn Ninh. Bên cạnh đó, diện tích khu bảo vệ cũng tăng lên 100 ha, với vùng lõi bảo vệ vẫn là 28 ha san hô. Đây là khu bảo tồn biển đầu tiên và duy nhất cả nước, do chính cộng đồng địa phương lập ra và quản lý. Ông Thắng cũng cho biết sắp tới, Khu Bảo vệ Rạn Trào  sẽ thực hiện thí điểm chương trình du lịch sinh thái cộng đồng bằng cách tổ chức các tour du lịch tham quan rạn san hô. Toàn bộ chi phí thu được từ hoạt động du lịch được sử dụng cho các hoạt động của khu bảo vệ.

Độ bao phủ san hô cao nhất Việt Nam

Khảo sát năm 2000 của Viện Hải dương học Nha Trang cho thấy vùng biển Rạn Trào chỉ có 0,3 cá thể thủy sinh/m2; đến năm 2006, khảo sát lại cá thể thủy sinh, kết quả đã đạt 3 cá thể/m2. Hiện nay, Rạn Trào được các chuyên gia đánh giá là có độ bao phủ san hô cao nhất Việt Nam: Tỉ lệ trên 60% với 13 rạn san hô lớn, nhỏ. Các bãi san hô này ngoài tác dụng chắn sóng bảo vệ bờ biển còn là “mái nhà” của nhiều loài sinh vật quý hiếm như cá ngựa, hải sâm, bào ngư, hải quỳ…

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo