xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đại lộ Mai Chí Thọ bao giờ hết lún?

Bài và ảnh: Thành Đồng

Sau nhiều lần sửa chữa mà vẫn lún, mới đây, đại lộ Mai Chí Thọ lại được xới tung lên để khắc phục. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại sẽ không hiệu quả và tốn kém nếu không có phương án khảo sát, đo đạc địa chất kỹ lưỡng

Hơn 1 tháng qua, trên đại lộ Mai Chí Thọ đoạn qua địa bàn quận 2, TP HCM, đơn vị thi công triển khai khắc phục tình trạng lún mặt đường. Không cạo lớp nhựa bị biến dạng trên mặt đường như những lần sửa chữa trước, lần này, Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông - đô thị TP HCM (đơn vị chủ đầu tư) cho xới lớp nhựa trên mặt đường lên để thay thế bằng bê-tông xi-măng cho làn đường chính; đồng thời kết hợp sử dụng bê-tông nhựa polymer cho các vị trí còn lại.

Sửa rồi lại lún

Đại lộ Mai Chí Thọ được đưa vào sử dụng từ tháng 8-2010 và chỉ một thời gian sau đã bị lún, trồi nhựa mặt đường. Gần đây, tình trạng lún mặt đường có dấu hiệu ngày càng nghiêm trọng, xuất hiện nhiều rãnh sâu, có đoạn sâu hơn 30 cm, chia cắt mặt đường thành những làn khác nhau, ảnh hưởng lớn đến an toàn giao thông. Khi có nhiều cơn mưa kéo dài, mặt đường xuất hiện nhiều vũng nước ngay tại các vị trí bị hằn lún khiến việc lưu thông càng thêm khó khăn.

Một đoạn trên đại lộ Mai Chí Thọ đang được xới lên để chống lún
Một đoạn trên đại lộ Mai Chí Thọ đang được xới lên để chống lún

Trong 4 năm qua, chủ đầu tư đã không ít lần lên kế hoạch sửa chữa nhưng chỉ một thời gian ngắn, đường lại lún và ngày một nghiêm trọng hơn. Năm 2011, sau khi đưa vào sử dụng được 1 năm thì xuất hiện lún, đơn vị đầu tư đã cho nạo lớp nhựa phía mặt đường bị biến dạng và trải lên lớp nhựa mới. Đến năm 2012, trình trạng lún lại tái diễn. Đây là lần thứ ba đơn vị đầu tư và đơn vị thi công tiến hành khắc phục bằng biện pháp mới.

Tại nhiều hội thảo bàn về nguyên nhân của tình trạng này, đơn vị quản lý cho rằng nguyên nhân lún là do xe quá tải lưu thông vào tuyến đại lộ này. Tuy nhiên, tình trạng xe quá tải lưu thông không chỉ trên đại lộ Mai Chí Thọ mà còn ở nhiều tuyến khác, như đường Nguyễn Văn Linh, xa lộ Hà Nội... nhưng ở những nơi đó thì không bị lún.

Do chất lượng kém

Theo nhiều chuyên gia cầu đường, lượng xe tải nặng ở khu vực cảng Cát Lái ra vào thường xuyên trên tuyến đại lộ này (khoảng 22.000 lượt/ngày đêm) nên hiện tượng sụt, lún mặt đường là khó tránh khỏi. Tuy vậy, nguyên nhân chủ yếu là do công trình kém chất lượng, trong đó một phần do hàm lượng polymer trong kết cấu lớp bê-tông nhựa không đủ khiến chất lượng các lớp bê-tông không đủ độ bền khi có lượng xe lớn lưu thông qua, từ đó phá vỡ lớp kết cấu của mặt đường.

“Vì sao một số tuyến đường được làm từ hàng chục năm trước với lượng xe lưu thông thường xuyên nhưng không bị lún, sụt?” - một chuyên gia giao thông đặt câu hỏi.

GS Phạm Huy Khang, Trưởng Bộ môn Đường ô tô và Sân bay Trường ĐH Giao thông Vận tải (TP HCM), phân tích nguyên nhân khiến đoạn đường này lún, sụt liên tiếp trong thời gian qua là do xe vượt tải lưu thông quá lớn, dẫn đến ứng suất truyền xuống nền gây ra biến dạng. Điều này cũng có nghĩa là cần xem xét lại công tác thiết kế, thu thập số liệu...

Còn theo ông Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP HCM, xe quá tải chỉ là một nguyên nhân gây lún trồi mặt đường bê-tông nhựa, nguyên nhân chính khiến đường lún là hàm lượng polymer trong kết cấu lớp bê-tông nhựa thiếu, từ đó làm cho chất lượng các lớp bê-tông này không bền.

Trong khi đó, TS Phạm Sanh - chuyên gia giao thông - nhận định công tác khảo sát thí nghiệm địa chất nền đất yếu quá sơ sài, công tác điều tra dự báo lượng xe sai sót (đặc biệt là xe tải nặng) dẫn đến thiết kế sai tiêu chuẩn, thiết kế lại sử dụng các phương pháp và thông số không phù hợp là nguyên nhân chính dẫn đến sụt, lún. Ngoài ra, do ảnh hưởng xe quá tải hoặc một số loại vỏ xe không đúng chuẩn đã làm cho một vài con đường mới làm đã hư hỏng ngay, dễ gây tai nạn giao thông, lãng phí...

“Phải đánh giá, thẩm định lại toàn bộ hồ sơ khảo sát, hồ sơ thiết kế, các số liệu thử nghiệm và kiểm định, các hồ sơ giám sát nghiệm thu thi công... Nếu không xem xét lại công tác khảo sát thí nghiệm địa chất, tính toán lại lượng xe lưu thông, tải trọng thực tế rồi mới tiến hành sửa chữa thì sau mỗi lần khắc phục sẽ lại lún, gây lãng phí ngân sách” - TS Phạm Sanh kiến nghị.

Đại lộ Mai Chí Thọ là công trình trọng điểm trong hệ thống hạ tầng giao thông đô thị TP HCM.

 

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo