xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đánh giá đúng vai trò của nhân dân

Văn Duẩn - Nguyễn Quyết

Thành tựu của đất nước trong những năm qua, trước hết và quyết định nhất là vai trò, sự đóng góp và niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ

Sáng 23-3, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về 6 báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, QH, Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao và Kiểm toán Nhà nước. Nhiều đại biểu (ĐB) QH cho rằng nhìn vào các báo cáo thì thấy hồng phúc cho nhân dân quá, trong khi thực tế vẫn còn tình trạng tham nhũng, oan sai; lo lắng về bảo vệ chủ quyền đất nước; chất lượng hoạt động của QH…

Tham nhũng từ bộ máy nhà nước

Nhận xét về báo cáo của Chính phủ, ĐB Võ Thị Dung (TP HCM) cho rằng vấn đề chống tham nhũng chưa được đề cập đầy đủ. “Chính phủ cần đánh giá rõ hiệu quả trong phòng chống tham nhũng, bởi tham nhũng là từ bộ máy nhà nước chứ không phải do dân và bộ máy của Chính phủ đánh giá vấn đề này như thế nào?” - bà Dung đặt câu hỏi.

Bà Dung cho biết khi nhận khiếu nại của cử tri, phải về cơ sở tìm hiểu, lấy ý kiến của cơ quan chức năng, của người dân. Nhưng khi gửi tới tòa án tối cao thì nhận được trả lời “không có gì mới”. “Đó là sự quan liêu quá lớn. Hệ thống cơ quan nhà nước ở nhiều nơi không thể bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của người dân. Vừa qua phát hiện một số vụ án oan sai chỉ là bề nổi, thực tế có thể còn rất nhiều vụ” - bà Dung lo ngại.

Trong khi đó, ĐB Lê Thanh Hải, nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM, nhìn nhận các báo cáo chưa đề cập đúng mức vai trò của nhân dân. Theo ông Hải, bản chất chế độ ta là của dân, do dân, vì dân và 5 năm qua cho thấy vai trò của nhân dân là vô cùng quan trọng. “Thành tựu của đất nước trong những năm qua, trước hết và quyết định nhất là vai trò, sự đóng góp của nhân dân, niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ. Cần đánh giá đúng mức vai trò của người dân chứ không chỉ là lời cảm ơn” - ông Lê Thanh Hải nói.

 

Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH Thân Đức Nam đóng góp ý kiến về chất lượng hoạt động của Quốc hội vào ngày 23-3Ảnh: NGUYỄN NAM
Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH Thân Đức Nam đóng góp ý kiến về chất lượng hoạt động của Quốc hội vào ngày 23-3Ảnh: NGUYỄN NAM

 

Giám sát: “Cưỡi ngựa xem hoa”

Đánh giá về công tác thảo luận, góp ý các báo cáo, ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) không bằng lòng: “Chỉ trong một buổi nhưng góp ý đến 6 báo cáo thì làm sao nói hết được. Nhiều đánh giá chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”, như hoạt động giám sát của QH”. Ông Nghĩa đưa ra dẫn chứng, hoạt động giám sát oan sai của QH là chuyên đề lớn và địa phương cử rất nhiều ban ngành báo cáo. “Nhưng trưởng đoàn giám sát của QH không đưa ra được kết luận gì làm cho địa phương bức xúc phản ứng, “thôi lần sau không dành thời gian cho các ông nữa” - ông Nghĩa thuật lại.

Đề cập đến các con số “đẹp”: Giải quyết thành công các vụ việc khiếu nại, tố cáo đạt tỉ lệ 98,5%, gần 100% từ các báo cáo của tòa án, viện kiểm sát, Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Đà Nẵng bình luận: “Nếu thế thì hồng phúc cho nhân dân, cho đất nước. Nhưng tôi e rằng nghe như vậy người dân không chịu được đâu. Oan sai nhiều lắm, đơn thư nhiều lắm, sao báo cáo lại tròn trĩnh vậy? Cần phải kiểm điểm nghiêm túc thẩm phán, điều tra viên, kiểm sát viên làm sai. Cử tri mong muốn công tác giám sát của QH phải đổi mới mạnh mẽ hơn, không thể để tình trạng này mãi được”.

Cùng lo lắng như ông Nghĩa, ĐB Huỳnh Thành (Gia Lai) nhận xét: “Thực tế có nhiều cuộc giám sát của trung ương đi hàng chục ô tô nhưng chỉ giám sát có vài ba phút thì làm sao sâu sát được”. ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) nói thẳng: “Hiện vấn đề cử tri không hài lòng về QH nhất chính là vai trò giám sát, ngoài ra QH chưa thực sự gần dân”.

Phải đánh giá đại biểu Quốc hội

Tiếp tục “mổ xẻ” những vấn đề mà QH “chưa làm được”, ông Huỳnh Nghĩa cho rằng QH là cơ quan quyền lực cao nhất nhưng chưa nghiêm!. “Luật Lao động đã quy định về độ tuổi lao động nhưng nghị định của Chính phủ quy định độ tuổi cao hơn lại không thấy QH lên tiếng” - ông Nghĩa bày tỏ.

Ông Nghĩa nêu việc một số nhân sự quá tuổi quy định ở trung ương được giới thiệu làm ĐBQH khóa XIV, trong khi ĐB ở địa phương bị giới hạn tuổi là không công bằng. Hướng về phía Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa, kiến nghị ông Sơn phải phản ánh vấn đề này. Ông Nghĩa kiến nghị QH khóa XIV cần phải chọn ra được ĐB chuyên trách có đức, có tâm và có tài. “Khóa XIII có ĐB phát biểu rất hay, nhưng có ĐB chuyên trách phát biểu chỉ nhằm lên truyền hình để cử tri biết chứ nội dung nghe rất chán” - ông Nghĩa nhận xét.

Đồng tình, Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH Thân Đức Nam nói: “Cơ chế và điều kiện để nâng cao chất lượng hoạt động của ĐBQH chuyên trách, nhất là việc xây dựng luật và giám sát chuyên đề cần được đánh giá kỹ hơn trong báo cáo của QH”.

Giải đáp ngay vấn đề này, Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cho biết ở nhiều nước, ĐBQH chuyên trách không bị giới hạn tuổi nếu còn sức khỏe, năng lực và có nguyện vọng. “Thượng nghị sĩ John McCain của Mỹ chắc đã gần 80 tuổi” - ông Sơn ví dụ và cho rằng cũng nên xem xét nâng trần thêm 5 tuổi với ĐB chuyên trách vì phần lớn họ là những người am hiểu, hoạt động chuyên sâu và có nhiều đóng góp để nâng cao chất lượng của hoạt động nghị trường.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) góp ý cần có đánh giá về hoạt động cụ thể của ĐBQH. “Tổng kết các ủy ban, các đoàn ĐBQH, Ủy ban Thường vụ QH nhưng hạt nhân là ĐBQH lại không tổng kết. Cử tri, người dân gửi gắm ĐBQH và muốn biết trong nhiệm kỳ 5 năm họ làm được gì, đã thực hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân đến đâu…” - ông Quyền nói.

Ông Quyền đề nghị phải “tính điểm” ĐBQH hoàn thành tốt, chưa hoàn thành nhiệm vụ, nhất là ĐB tái cử. “Không thể có chuyện 100% ĐBQH đều đã hoàn thành nhiệm vụ” - ông khẳng định.

 

Chưa an tâm với tình hình kinh tế - xã hội

ĐB Bùi Đức Thụ (Lai Châu), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng 5 năm qua, tình hình kinh tế - xã hội đã đạt được nhiều thành tựu tương đối toàn diện song vẫn còn bất ổn, đặc biệt là cân đối tài chính hết sức căng thẳng. “Chi tăng nhất là chi cho an sinh xã hội nhưng kéo theo đó là nợ công tăng, đến cuối 2015 tăng 62,2% GDP; nợ Chính phủ vượt trần 50,3%” - ông Thụ dẫn chứng.

“Soi” vào báo cáo của Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) mong muốn Chính phủ nhiệm kỳ tới phải là một Chính phủ kiến tạo, thúc đẩy, hành động để cho các thành phần kinh tế phát triển. “Nếu Chính phủ và các bộ, ngành vẫn quanh quẩn xử lý hoạt động kinh doanh của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước thì khó khăn còn kéo dài”- ông Phúc nói.

 

Bảo vệ chủ quyền: Có cảm giác né tránh gì đó!

Thảo luận tại Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai, ĐB Dương Trung Quốc đã dành phần lớn thời gian phát biểu của mình để chia sẻ những băn khoăn về chủ quyền quốc gia. “Bảo vệ chủ quyền trước hết phải qua giáo dục thế hệ trẻ. Thế nhưng, nhìn vào sách giáo khoa (SGK), chiến tranh biên giới 1979 chỉ được nhắc 11 dòng. Về biển đảo, các vị nói là có nêu nhưng thực tế làm sử tôi biết, việc đảo bị chiếm chưa được nêu trong SGK, có chăng chỉ ở một vài địa phương đưa vào chương trình học” - ông Quốc bức xúc.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho hay ông đã trực tiếp gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu vấn đề này. “Sau đó, Thủ tướng đã chỉ đạo ngay Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) nhưng bộ này có làm đâu. Gần đây, Bộ GD-ĐT có hứa đưa nội dung Trung Quốc chiếm đảo của Việt Nam vào SGK nhưng bao giờ đưa vào thì không ai rõ” - ông Quốc đặt vấn đề.

Ông Dương Trung Quốc phân tích nội trị là quan trọng, cốt lõi của lòng dân, tạo sự cố kết trong dân để bảo vệ chủ quyền quốc gia. “Báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri của MTTQ đã nêu rõ lo lắng về chủ quyền nhưng báo cáo của Chính phủ vẫn chưa rõ ràng, có cảm giác né tránh gì đó. Đối với tình hình biển Đông, thế giới còn sốt ruột nhưng người ta thấy Việt Nam hình như còn bình chân như vại. Chỉ vài câu nói của người phát ngôn Bộ Ngoại giao là chưa đủ” - nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ.

Vấn đề chủ quyền chưa được đề cập tương xứng trong báo cáo tổng kết nhiệm kỳ, vẫn chỉ nêu lướt qua. “QH biết những nỗ lực của Chính phủ nhưng người dân làm sao biết vì thiếu thông tin. Trong khi đó, lòng dân là yếu tố đầu tiên và quyết định trong bảo vệ chủ quyền” - ông Quốc nói.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo