xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đạo và đời qua hình tượng con khỉ

VU GIA

Một khi hình tượng con khỉ đã đi vào đời sống con người thì nó cũng đi vào trong đạo bởi có con người mới có tôn giáo

Khỉ là tên gọi chỉ về những loài động vật thuộc lớp thú, bộ linh trưởng. Trong kho tàng văn học dân gian của dân tộc có nhiều câu nói về khỉ. Trong nghệ thuật xiếc, người ta thấy khỉ đi xe đạp, giã gạo, gánh nước… Trong võ thuật có “hầu quyền”. Người xưa dựa vào các tư thế của con khỉ đang leo trèo, nhảy nhót, đánh nhau… để sáng tạo nên bộ quyền này.

“Tâm như khỉ vượn”

Trong hội họa, từ xưa, con khỉ cũng được các họa sư chọn đưa vào danh tác của mình.

Khỉ còn gọi là “hầu” nên theo quan niệm dân gian, những bức tranh vẽ khỉ thường ví như lời chúc tụng phong tước phong hầu. Vẽ con khỉ trèo lên cây phong có ý mừng phong hầu phong ấn - chữ “phong” này ngoài nghĩa “vua phong đất đai và bổng lộc cho bầy tôi” còn có nghĩa “đóng kín lại (niêm phong)” nên có những hưu quan trí sĩ được tặng bức tranh cũng ngầm nói theo ngôn ngữ hiện đại là mừng cho việc “hạ cánh an toàn”. Nếu bức tranh vẽ con khỉ trèo lên cây tùng mà có khỉ con trên lưng khỉ mẹ là lời chúc đời đời phong hầu; vẽ con khỉ trên lưng ngựa, bên cạnh có con ong là lời chúc “mã thượng phong hầu” (phong hầu ngay lập tức)…

Một khi hình tượng con khỉ đã đi vào đời sống con người thì nó cũng đi vào trong đạo bởi có con người mới có tôn giáo. Với đạo Phật, như chúng ta đã biết, khoảng thế kỷ thứ VI, Bồ Đề Đạt Ma đưa phép Thiền của đạo Phật từ Ấn Độ vào Trung Hoa và ngài trở thành Sơ Tổ Thiền tông Trung Hoa. Từng bước, Thiền tông có mặt ở nhiều quốc gia. Thiền tông quan tâm đến kinh nghiệm chứng ngộ, đả phá mạnh nhất mọi nghi thức tôn giáo và mọi lý luận về giáo pháp. Thiền tông chỉ khuyên hành giả tọa thiền (ja. zazen) để kiến tính, được coi là con đường ngắn nhất, đồng thời cũng là con đường khó nhất. Những nét đặc trưng của Thiền tông có thể tóm tắt như sau:

教 外 別 傳  (Giáo ngoại biệt truyền - truyền giáo pháp ngoài kinh điển)

不 立 文 字 (Bất lập văn tự - không lập văn tự)

直 指 人 心 (Trực chỉ nhân tâm - chỉ thẳng tâm người)

見 性 成 佛 (Kiến tính thành Phật - thấy chân tính thành Phật).

Theo quan niệm của đạo Phật, con người vốn có thân và tâm. Thân tâm an lạc là mong ước của con người nhưng hầu như ai sống trên đời cũng quan tâm tới thân mà ít nhớ tới tâm. Có lẽ đời là thế nên dường như tôn giáo nào, triết thuyết nào cũng có nhắc tới chữ “tâm” (Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài - Kiều).

 

Các bậc đại giác ví “tâm như khỉ vượn” rất khó chế ngự, “giống như một con khỉ bay nhảy trong rừng sâu…”Ảnh: Kỳ Nam
Các bậc đại giác ví “tâm như khỉ vượn” rất khó chế ngự, “giống như một con khỉ bay nhảy trong rừng sâu…”Ảnh: Kỳ Nam

 

Theo bài kệ trên thì yếu chỉ của Đạt Ma tổ sư nhấn mạnh tới chữ “tâm” (Trực chỉ nhân tâm) nhưng làm sao nhận biết được tâm mình? Người ta ví tâm như viên ngọc còn thân như chiếc hộp đựng ngọc, nếu càng chăm sóc chiếc hộp (thân) thì sẽ không thấy sự lấp lánh của viên ngọc (tâm); ngược lại, ai biết tâm và chăm sóc tâm thì tâm sẽ phát sáng. Và khi nói tới thiền, tới tâm, các bậc đại giác thường nhắc tới hình tượng con khỉ bởi người sống trong cõi Ta bà nhận biết tâm trong cuộc sống đã khó, giữ được tâm trong Thiền định càng khó gấp vạn lần hơn.

Các bậc đại giác ví “tâm như khỉ vượn” rất khó chế ngự, “giống như một con khỉ bay nhảy trong rừng sâu, khi thì chụp cành này rồi buông bỏ lại chụp cành khác, rồi chạy chụp cành khác nữa” (kinh Anguttara Nikàya). Trong Tam bộ nhất bái, Hư Vân thiền sư (1840-1959) tự thuyết lúc trẻ, ông cũng “tâm nhiều tham cầu như khỉ vượn nhảy nhót hái trái cây”… Nói chung, với đạo Phật, “xuất gia là để trị cái tâm lăng xăng như khỉ” như ngài Quảng Khâm (1892-1986) từng nghiệm ra trong quãng đời tu tập của mình.

Qua một số công án Thiền, ta thấy không dễ gì “thuần hóa” được cái tâm của mình khi tâm đã động. Một khi “tâm như khỉ vượn” thì con người chỉ còn cách từng bước thân thiện với nó để thuần hóa nó, chứ muốn ngăn chặn ngay, thuần hóa ngay có chăng là ảo tưởng.

Chớ cậy khỏe làm càn!

Truyện cổ Phật giáo có một truyện, tôi thấy có ý nghĩa cho bài viết đầu Xuân này. Truyện kể rằng có con khỉ hàng xóm với con quạ. Quạ sinh được một con, cưng như trứng mỏng. Gần đó, có con rắn thường lân la tới chơi. Một hôm, con rắn qua chơi như mọi lần thì không có quạ mẹ ở nhà. Rắn nuốt chửng quạ con rồi lánh ra xa.

Quạ mẹ kiếm mồi trở về, thấy quạ con không còn trong tổ và thấy một ít lông cùng vết máu. Quạ mẹ biết rắn đã ăn thịt con mình, đau khổ vô cùng, kêu than không ngớt. Quạ mẹ rất muốn trả thù nhưng biết sức mình có hạn, không phải đối thủ của rắn.

Khỉ biết chuyện, quát tháo: “Con rắn độc tâm địa tàn ác, táng tận lương tâm, chuyên gây nghiệp sát sinh, lười biếng không biết kiếm sống theo chính nghiệp, thấy ai yếu hơn mình thì nhe răng uy hiếp, giết hại, thật đáng giận cho cảnh ỷ mạnh hiếp yếu này!”. Khỉ đi tìm rắn và giết rắn trả thù giúp quạ mẹ.

Nghe được câu chuyện, Đức Phật nói rằng con khỉ này chính là một vị Bồ tát hóa thân, nó vì chính nghĩa mà trừ khử con rắn độc, không cho phép rắn tiếp tục giết hại những sinh mệnh bé nhỏ yếu ớt khác. Nó đã tự hy sinh, chẳng thà tự mình chịu lấy nghiệp sát và bị đọa lạc mà sinh mệnh của chúng sinh được bảo toàn.

Theo tinh thần Đại thừa, thà tự mình đọa địa ngục mà giúp cho chúng sinh thoát khổ thì vẫn là chuyện nên làm. Đó là tinh thần Bồ tát!

Gần đây, trên Báo Tuổi Trẻ (ngày 16-1-2016), TS Vũ Ngọc Hoàng có nói một ý, tôi thấy có phần nào đó giống tinh thần câu chuyện vừa tóm lược ở trên: “Để phát triển đất nước thì chúng ta phải có môi trường hòa bình. Và tất nhiên, không thể vì để có hòa bình mà hy sinh chủ quyền. Cần phải đạt được cả hai! Có cách giải quyết vấn đề này không? Có nhiều cách! Trong đó, có cách chúng ta vận dụng văn hóa làng.

Thế giới ngày nay cũng như một “làng”. Trong làng có kẻ khỏe mạnh, hung bạo nhưng không vì thế mà muốn hiếp đáp ai cũng được, không thể cậy khỏe làm càn. Vì người yếu thế hơn biết la làng, cả làng biết xúm lại. Chưa nói là cả làng xúm lại để đánh giúp, chỉ cần xúm lại chê bai, phê phán thì kẻ đó đã phải e ngại. Đó là kiểu văn hóa làng.

Nay, chúng ta phát triển văn hóa này lên một tầm cao mới để phản ứng, để truyền thông nhanh nhất và chính xác thực tế tình hình ai xâm phạm lãnh thổ của Việt Nam ra cho thế giới biết”.

Kỳ tới: Chuyện khỉ và người

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo