xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đáy biển Vĩnh Tân đâu chỉ có cát!

Nam Phương

Dư luận và các nhà khoa học phản đối "nhận chìm vật chất" xuống biển, còn Bộ Tài nguyên - Môi trường cho rằng "dưới đáy biển Vĩnh Tân chỉ có cát". Sự việc sẽ rõ ràng hơn nếu chúng ta biết rõ dưới đáy biển có gì




Chúng tôi đến vùng biển Vĩnh Tân (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) những ngày đầu tháng 7-2017, khi mà thông tin về việc cấp phép "nhận chìm vật chất" cho Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 đang gây xôn xao dư luận. Trong hành trang của chúng tôi, ngoài máy móc, thiết bị quay là một dấu chấm hỏi lớn về phía dưới vùng biển xanh đầy nắng gió là gì, tương lai sẽ ra sao?

Đáy biển Vĩnh Tân đâu chỉ có cát! - Ảnh 1.

Hệ sinh thái đa dạng với các rạn san hô dưới tầng đáy sát khu vực cho phép nhấn chìm chất thải. (Ảnh cắt từ clip do thợ lặn ghi hình)

Chưa đến Vĩnh Tân, chúng tôi đã thấy những cột khói cao bay lên trời. Bất chợt, chúng tôi tự hỏi sao ở vùng đất chân chất này, nơi có một vựa tôm giống cung cấp cho cả nước, nơi có Khu Bảo tồn biển Hòn Cau thuộc loại đa dạng bậc nhất trong số 16 khu bảo tồn biển của quốc gia, cũng là nơi có vùng nước trồi độc nhất vô nhị của Đông Nam Á, lại mọc ra một tổ hợp nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiều công nghệ Trung Quốc?

Nơi đầu tiên chúng tôi đặt chân đến là khu chợ cá phía sau các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân. Trong quang cảnh đìu hiu, vắng vẻ, vài con thuyền vừa cập bến. Trong lưới thưa thớt vài con cá nhỏ. Trong câu chuyện của người xung quanh khu chợ, bên cạnh những cân đo đong đếm là thông tin khiến họ lo lắng vài ngày nay: Tới đây, có cả triệu mét khối bùn cát được nhận chìm xuống biển. Chẳng biết thứ "vật chất" đó sẽ ảnh hưởng ra sao nhưng trong cái nhìn của họ, có chút gì như lo sợ.

Ông An, người gắn bó với nghề lặn biển hàng chục năm, kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về sự đổi thay của biển. Cá, tôm thưa thớt dần. Dưới đáy biển, san hô cũng ít đi. Những thợ lặn chuyên nghiệp tìm cách ra khơi xa; còn những người gắn bó với bờ thì chịu chung cảnh sống khó khăn vì nguồn lợi ở biển ngày càng khan hiếm. Ông An cũng bỏ nghề lặn vài năm nay để vào bờ, chủ yếu làm nghề khuân vác, rảnh rỗi thì kiếm việc làm thêm.

Không chỉ tò mò về những gì đã và đang diễn ra ở khu vực gần bờ, ngay cạnh các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, chúng tôi quyết định nhờ thợ lặn đi tìm câu trả lời: Đáy biển nơi đây có gì?

7 giờ, chúng tôi lên tàu xuất phát. Gió Nam thổi mạnh. Những con sóng dập dồn liên tục từng đợt. Đi thêm vài hải lý, tôi bắt đầu say sóng. Khoảng cách từ bờ ra đến khu "nhận chìm vật chất" được đánh dấu trên bản đồ cảm giác như càng xa hơn. Cứ mỗi khi con sóng dội vào mạn thuyền là một lần cơ thể tôi như nhũn ra. Hơn 1 giờ lênh đênh trên biển, cuối cùng chúng tôi cũng đến được khu vực cần đến.

Tại đây, những dãy dây phao kéo dài, nổi lềnh bềnh trên nước. Ngư dân trên tàu cho biết đó là phao đánh dấu khu vực "nhận chìm vật chất" của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Dãy phao này, theo người dân, đã được lắp đặt nhiều ngày nay, chuẩn bị cho việc đổ thải. Ngay cạnh phao đánh dấu vị trí trải dài, ngư dân chuẩn bị sẵn máy thở và đồ lặn.

Người quay phim dặn dò kỹ thợ lặn về cách cầm máy quay, cách ghi hình và cố gắng ghi hết tất cả những gì nhìn thấy dưới đáy biển. Nắm chắc máy quay, thợ lặn nhảy xuống biển, ngay sát phao đánh dấu vị trí.

Một hồi lâu, thợ lặn ngoi lên, cho biết về những mảnh lưới đang được giăng phía bên dưới. Với chiều cao vài mét, lưới chắn chỉ lơ lửng phía trên, còn bên dưới lưới chắn, nước biển bao phủ cả một vùng. Anh bảo khu vực này nước rất sâu, áp lực nước mạnh, phải ngoi lên sớm.

Tàu di chuyển ra phía ngoài một đoạn, vẫn sát với khu vực phao bơi đánh dấu. Kíp lặn thứ hai tiếp tục xuống phía dưới. Sau một hồi lâu, thợ lặn ngoi lên, háo hức khoe đã ghi hết hình lưới chắn bùn và cả đáy biển.

Lúc này, cơn say sóng đã khiến cơ thể tôi nhũn ra. Tàu di chuyển ra phía ngoài khu vực phao bơi một khoảng cách ngắn. Thợ lặn tiếp tục công việc với máy quay chuyên dụng dưới nước đã được bật sẵn. Lần này, anh di chuyển sâu và xa hơn, mất nhiều thời gian hơn. Khi thợ lặn lên tàu, anh khoe với chúng tôi về thành quả ghi được hình ảnh san hô và cá dưới đáy biển.

Để yên tâm hơn, chúng tôi gọi kỹ thuật kết nối máy quay với máy tính, kiểm tra hình ảnh. Đúng như những lời ngư dân nói. Phía bên dưới biển Vĩnh Tân, ngay sát khu vực quây phao để "nhấn chìm vật chất" vẫn có san hô đang tồn tại. Phía dưới những làn nước trong xanh có cả một hệ sinh thái phong phú và đa dạng, khiến cả cánh thợ lặn không khỏi thích thú.

Nhưng rồi, tất cả như lặng đi. Không ai bảo ai, mọi người có chung suy nghĩ: Liệu những điều thích thú ấy có còn một khi gần 1 triệu m3 "vật chất" đã được cấp phép nhận chìm tại vùng biển Vĩnh Tân này?

Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Nguyễn Linh Ngọc, người ký giấy phép cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm gần 1 triệu m3 vật, chất xuống vùng biển Vĩnh Tân, từng khẳng định: Khu vực đáy biển nhận xả thải chỉ có cát, không có các hệ sinh thái, sinh vật biển sinh sản cũng như các loại san hô hay cỏ biển. Nếu có thì bộ không bao giờ cấp phép.

ý kiến

GS-TS Nguyễn Hữu Ninh, Chủ tịch Hội đồng Trung tâm Nghiên cứu, Giáo dục Môi trường và Phát triển - Liên hiệp Các hội KH-KT Việt Nam:

Thực hiện không đúng thì bỏ ngay lập tức

Việc quyết định hay không quyết định cho nhận chìm vật, chất xuống biển Vĩnh Tân, gần Khu Bảo tồn biển Hòn Cau cần phải được nhìn nhận dưới góc độ pháp luật. Bộ TN-MT đã đưa ra những tuyên bố không đồng nhất vì họ là người quản lý chất lượng môi trường, quản lý đầu ra chất thải và chất lượng chất thải. Như thế, chính Bộ TN-MT chứ không phải ai khác phải đứng ra giải quyết cho ổn thỏa chuyện này với dư luận. Họ phải chứng minh được cụ thể bùn, cát… dự định nhận chìm đó có chất lượng ra sao? Vì sao quyết định đổ xuống biển dù đã có những bài học kinh nghiệm đau xót như Formosa mà không phải đổ ở nơi khác? Bùn thải đó liệu có thể mang đi nơi khác hay phục vụ cho những việc khác không?

Luật pháp đã có đủ quy định. Chỉ cần thực hiện đúng pháp luật về môi trường đã có là tốt rồi. Những điều khoản đề ra rất cụ thể nhưng vấn đề là việc thực hiện, giám sát ra sao? Phải thượng tôn pháp luật và chiếu theo luật mà làm; vai trò bộ đến đâu, sở đến đâu, doanh nghiệp đến đâu… Nếu thực hiện không đúng thì dẹp ngay lập tức.

Ông Phạm Văn Chi, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa:

Quyền lợi người dân là trên hết

Trong quản lý nhà nước thì quyền lợi phải tập trung vào người dân là trên hết. Nếu người dân bị xâm phạm quyền lợi thì đầu tư phát triển kinh tế đều đi ngược lại chủ trương của Đảng và nhà nước.

Theo tôi, việc sử dụng nạo vét gần 1 triệu m3 bùn cát có thể lấp ở các bãi bùn khi triều xuống, ô nhiễm hôi thối. Điều này tỉnh Bình Thuận và Bộ TN-MT phải khảo sát.

Nhiệt điện có 3 cái ô nhiễm phải hết sức quan tâm. Thứ nhất, các nhà đầu tư chỉ lợi dụng vùng biển để vận chuyển lượng than bằng cách nạo vét để đưa tàu 15.000 tấn cập cảng. Thứ hai, nếu tính than quốc tế có hàm lượng tốt nhất là 85% carbon và 15% xỉ bả thì nhà máy Vĩnh Tân có công suất 1.200 MW sẽ tiêu thụ 14.400 tấn than/ngày. Với lượng than này sẽ tốn 31.000 tấn ôxy. Nếu 4 nhà máy nhiệt điện ở Vĩnh Tân hoạt động với công suất 4.400 MW thì mất hàng trăm ngàn tấn ôxy mỗi ngày, dẫn đến người dân ở đây sẽ thiếu ôxy cục bộ. Còn với 4 nhà máy thải xỉ bả 15% thì trong 20 năm sẽ thành núi cao 120 m, rộng 0,5 km, dài 1 km. Thứ ba là ô nhiễm axít, vì có 5% lưu huỳnh trong than khi bốc hơi sẽ tạo thành 750 kg axít/ngày. Bốn nhà máy với 2 tấn axít/ngày sẽ tạo thành mưa axít. Những tác động này liệu các ngành chức năng đã nghiên cứu và có giải pháp?

Luật sư Nguyễn Toàn Thiện - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận, đại biểu HĐND tỉnh Bình Thuận:

Cơ quan cấp phép lấy gì đối chứng?

Khi cho đổ thải trực tiếp xuống biển, tất yếu sẽ có chất hòa tan, lơ lửng. Với san hô vốn rất nhạy cảm thì liệu chúng có chết hay không? Rồi người dân vùng phía Bắc biển Tuy Phong là Cà Ná vốn làm muối, làm mắm sẽ như thế nào?

Việc báo chí đưa thông tin vùng biển nhận chìm có nhiều san hô và cá thì người dân tin. Vậy cơ quan quản lý, cấp phép lấy gì để đối chứng? Cần công bố thực tế, nói có sách mách có chứng. Ngay trong đánh giá tác động môi trường nói là khi xảy ra sự cố sẽ dừng lại. Như vậy, khi xảy ra sự cố thì hậu quả giải quyết ra sao? Ai chịu trách nhiệm và chịu trách nhiệm như thế nào? Người làm sai chịu trách nhiệm nhưng hậu quả để lại cho nhiều người khác thì ai chịu? Rồi hậu quả dân Bình Thuận chịu, con cháu chịu thôi.

Th.Dương - Kỳ Nam ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo