xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Di sản văn hóa dễ bị mai một: Quyết tâm thì sẽ giữ được

Cao Nguyên - Hòa Bình

Đưa di sản ra ngoài không gian văn hóa nguyên gốc, nhất là vào các lễ hội, dù gặp rất nhiều bất cập, nhiều khi phải mượn cả diễn viên quần chúng nhưng đây là việc cần phải làm

Ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cho rằng việc gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể quả thực rất khó khăn nên mong muốn bảo tồn nguyên trạng là bất khả thi. Vì thế, việc đưa di sản ra ngoài không gian văn hóa nguyên gốc, nhất là vào các lễ hội, dù gặp rất nhiều bất cập, nhiều khi phải mượn cả diễn viên quần chúng nhưng đây là việc cần phải làm.

Hãy phân biệt rạch ròi

Theo ông Biên, việc xây dựng chiến lược quốc gia bảo tồn di sản đã có Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đảm trách. “Có khá nhiều nguồn kinh phí ưu tiên cho các dự án bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, tất nhiên khó có thể so sánh với nguồn tài chính kinh doanh nhưng cũng không phải là nhỏ” - ông cho biết.

Sự so sánh nào cũng bất cập nhưng vẫn cần một sự cân bằng nhất định. Yếu tố đầu tiên cần chú ý là nhận thức giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa cùng với bảo tồn di sản - luôn là những mối tương quan ràng buộc và ảnh hưởng lẫn nhau theo chiều đối nghịch. Mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và bảo tồn di sản bao giờ cũng rất sâu sắc.

 

Tiếng cồng chiêng giờ chỉ còn cất lên chủ yếu trong các lễ hội, phục vụ du lịch 
Ảnh: CAO NGUYÊN
Tiếng cồng chiêng giờ chỉ còn cất lên chủ yếu trong các lễ hội, phục vụ du lịch Ảnh: CAO NGUYÊN

 

Ông Biên cho rằng cũng có những địa phương làm rất tốt, cân đối được như Quảng Nam, Đà Nẵng, Bắc Giang, Tuyên Quang… Trong khi đó, ngay ở giữa trung tâm Hà Nội, để bảo tồn thắng cảnh hồ Gươm thôi đã rất khó. Bảo tồn văn hóa phi vật thể còn khó khăn hơn rất nhiều nhưng tất nhiên không phải khó thì không làm.

Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc dân gian Việt Nam, nhìn nhận: “Gần như không loại hình dân ca nào tại Việt Nam có cuộc vượt thoát ngoạn mục khỏi chức năng ban đầu. Từ việc tồn tại như những điệu hát của phường vải, phường củi, phường buôn..., ví dặm đã dần dần xuất hiện trong các sinh hoạt khác như ru em, làm ruộng, tự sự, đối đáp và cả giao duyên nữa. Sức sống bản địa ấy là lý do để ví dặm tồn tại như một dòng chảy xuyên suốt vài trăm năm nay với hàng trăm lời ca khác nhau. Trong đó, có những lời ví phường vải được cho là viết bởi đại thi hào Nguyễn Du và có cả những lời ca mới, được sáng tác rất ngẫu hứng. Chỉ có điều, chúng ta hãy phân biệt rạch ròi giữa di sản dân ca với nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp”.

Cần cái tâm và sự kiên trì

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên Linh Nga Niê Kdăm, việc khôi phục môi trường diễn xướng của văn học nghệ thuật dân gian các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, cũng chính là khôi phục không gian văn hóa cồng chiêng, đang ngày càng trở nên cấp bách. Song, làm thế nào để tái tạo được môi trường đó một cách tự nguyện trong chính đời sống sinh hoạt của cộng đồng các sắc dân bản địa là một việc làm không dễ.

Để bảo tồn, phát huy di sản trong thời gian tới, bà Linh Nga Niê Kdăm cho rằng các cơ quan văn hóa cần nâng cao lòng tự hào, nêu cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong việc giữ gìn, bảo vệ giá trị văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Bên cạnh việc phục dựng không gian buôn làng truyền thống, cần có những biện pháp phục dựng không gian rừng, không gian nương rẫy, không gian bến nước… nhằm tạo những không gian phù hợp cho diễn tấu văn hóa cồng chiêng.

“Khôi phục môi trường diễn xướng cho văn học nghệ thuật Tây Nguyên để gìn giữ không gian văn hóa cồng chiêng trong lành, đích thực quả là một việc làm khó nhưng nếu có tâm và kiên trì, nhất định chúng ta sẽ làm được” - bà Linh Nga Niê Kdăm tin tưởng.

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, nhấn mạnh: “Đã gọi là không gian cồng chiêng nghĩa là phải có rừng, bảo tồn nguyên trạng nghi lễ và không gian quanh nó. Thế nhưng, sau khi được trao tặng danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO thì chúng ta không thể dựng lại được cái gọi là không gian cồng chiêng”.

Theo ông Hiền, festival cồng chiêng được tổ chức khá nhiều nhưng cũng chẳng khôi phục được không gian văn hóa đó vì điều đáng nói là cả người tổ chức lẫn người nghe có hiểu gì về cồng chiêng hay không? Thậm chí, còn nực cười hơn khi người ta gom tất cả nghệ nhân ở 5 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên lại để làm một festival chỉnh chiêng. Trong khi đó, giám khảo lại là những nhạc sĩ người Kinh lên chấm thì chỉ đáng là học trò của các nghệ nhân về thẩm âm cồng chiêng. “Ngay cả các nhà nghiên cứu cũng chỉ cỡ học trò của họ mà thôi” - ông Hiền nhận xét.

Chiêng của mỗi dân tộc chỉnh một kiểu khác nhau. Đàn bình thường có phím hoặc dây và có hệ thống thang âm quân bình để chỉnh, trong khi cồng chiêng khó hơn vì phải gò chỉnh bằng cơ khí, mà cứ sau mỗi mùa diễn nó lại méo mó đi. Chính vì thế, đòi hỏi người chỉnh cồng chiêng phải rất hiểu biết về âm nhạc dân tộc và độ chuẩn của thang âm phải nằm trong máu của các nghệ nhân từ bao đời thì mới chỉnh được.

Cũng không phải loại hình này không có đầu tư nhưng chiêng được đầu tư theo dự án, phát về cho các buôn làng. Có nơi cần lại không được phát đủ, nơi được phát đủ thì nhận được những bộ cồng chiêng âm thanh bị phô nên họ cũng vứt, không chơi. Vì vậy, tiền dự án xem như đổ sông đổ biển.

 

Khuyết đội ngũ kế cận

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cho biết mỗi dàn cồng chiêng giống như một cây đàn khổng lồ mà mỗi chiếc là một dây. “Thế nên, đòi hỏi phải có một đội ngũ hùng hậu những người kế cận mà thanh niên bây giờ lại có thích nhạc cổ đâu? Đến bản giờ chỉ thấy các bạn trẻ mỗi người một chiếc điện thoại di động bỏ vào gùi lên rẫy nghe nhạc mới” - ông lo ngại.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo